Trước thềm bầu cử giữa kỳ ở Mỹ: Đảng Dân chủ có thể mất thế đa số

.

Kết quả thăm dò dư luận trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ (ngày 8-11) cho thấy, Tổng thống Joe Biden và đảng Dân chủ đang đối mặt sức ép rất lớn khi chỉ khoảng 39% số người tham gia khảo sát ủng hộ cách điều hành đất nước của ông.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại trụ sở của Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ ngày 24-10. Ảnh: Getty Images
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại trụ sở của Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ ngày 24-10. Ảnh: Getty Images

Cuộc khảo sát đáng chú ý này do Reuters và Công ty Ipsos thực hiện trên toàn nước Mỹ. 39% ủng hộ là tỷ lệ gần với mức thấp nhất là 36% trong tháng 5 và 6 năm nay, cũng do Reuters/Ipsos thực hiện.

Thời điểm xấu

Theo CNN, lịch sử cho thấy một trong những chỉ dấu lớn nhất báo hiệu kết quả của cuộc bầu cử giữa kỳ là tỷ lệ ủng hộ của công chúng với tổng thống đương nhiệm. Theo đó, nếu lịch sử lặp lại trong 13 ngày nữa, đó sẽ là điều tồi tệ cho phe Dân chủ. Theo lịch sử bầu cử giữa kỳ ở Mỹ, khi Tổng thống bị “mất điểm”, đảng của ông sẽ gặp bất lợi trong cuộc bầu cử đó. Chẳng hạn, năm 2018, đảng Cộng hòa mất 40 ghế ở Hạ viện và cũng mất luôn thế đa số khi tỷ lệ ủng hộ ông Donald Trump sụt xuống 43% vào tháng 10. Năm 2010 đảng Dân chủ mất 63 ghế Hạ viện và mất thế đa số khi tỷ lệ ủng hộ ông Barack Obama sụt xuống 45% trong tháng 10.

Bên cạnh khảo sát của Reuters và Ipsos, cuộc thăm dò mới nhất của Gallup cũng cho thấy, tỷ lệ ủng hộ ông Biden chỉ đạt 40%, trong khi 56% người dân Mỹ không đồng ý với ông. Tỷ lệ này không thay đổi bao nhiêu kể từ tháng 9-2022 và nằm ở khoảng giữa hai mốc cao nhất (59% trong tháng 7-2022) và thấp nhất (53% trong tháng 8-2022).

Các cuộc khảo sát nói trên cho thấy, người dân Mỹ đã bớt ủng hộ ông Joe Biden. Tuy nhiên mức sụt giảm này rơi vào thời điểm có thể nói là “không thể tệ hơn” với một tổng thống khi đảng Dân chủ đang tìm cách duy trì thế kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện. Đáng chú ý khi các khảo sát lại cho thấy những tín hiệu tích cực báo hiệu khả năng phe Cộng hòa giành kiểm soát cả lưỡng viện Quốc hội trong cuộc bầu cử sắp tới.

CNN nhận định, ở thời điểm này dường như phe Cộng hòa sẽ giành thêm được 5 ghế họ cần để nắm quyền kiểm soát Hạ viện. Theo mô hình dự báo của FiveThirtyEight, đảng này đang có cơ hội giành lại thế đa số ở Hạ viện cao hơn 80% so với 4 năm trước. “Câu hỏi thực sự lúc này là đảng Dân chủ sẽ mất bao nhiêu ghế. Và căn cứ vào tỷ lệ ủng hộ hiện nay với ông Biden, gồm cả sức nặng của lịch sử, điều đó có thể tồi tệ hơn những gì người ta đang dự đoán hôm nay”, CNN nêu nhận định về kết quả bầu cử.

Vì sao ông Biden “mất điểm”?

Lên nắm quyền từ tháng 1-2021 ngay giữa thời điểm Covid-19, Tổng thống Biden đối mặt với nhiều sức ép lớn cùng lúc, bao gồm cả y tế và kinh tế. Trong cuộc khảo sát, 1/3 những người được hỏi cho rằng, kinh tế đang là vấn đề lớn nhất của đất nước. Theo Politico, 68% người được phỏng vấn cho biết họ tin rằng nền kinh tế Mỹ hiện đang suy thoái. Bên cạnh đó, các cử tri cũng phàn nàn về hệ thống nhập cư hiện nay của Mỹ đã trở nên tồi tệ hơn so với thời Tổng thống Trump.

Trong những nỗ lực cuối cùng nhằm vực dậy niềm tin cũng như sự ủng hộ của cử tri, ông Biden cam kết xóa bỏ các loại lệ phí rác (junk fee) mà nhiều ngân hàng và các công ty đang áp với khách hàng. Theo Telegraph, tuyên bố này được ông Biden đưa ra sau nhiều tháng người dân Mỹ chật vật ứng phó với lạm phát tăng cao khiến số tiền tiết kiệm của nhiều người “bốc hơi” vì các khoản chi phí sinh hoạt phát sinh nhiều hơn. Cụ thể hơn, ông Biden cho biết chính quyền của ông đang rà soát lại các loại phí đã áp lên người tiêu dùng ở một loạt các lĩnh vực, từ giải trí cho tới đi lại. Đây là giải pháp mà theo ông Biden có thể giúp tiết kiệm cho người tiêu dùng Mỹ hơn 1 tỷ USD.

Không ngạc nhiên khi ông Biden nỗ lực tận dụng các sự kiện của công chúng để bày tỏ quyết tâm của chính quyền trong việc giảm bớt chi phí sinh hoạt cho các gia đình. “Tôi thấu hiểu nỗi mệt mỏi của người dân Mỹ”, Tổng thống Biden nói khi kết thúc bài phát biểu tại Washington ngày 26-10. Theo Reuters, kết quả bầu cử sắp tới cũng sẽ phát đi tín hiệu về đường lối chính sách đối nội và đối ngoại của nước Mỹ trong ít nhất 2 năm tới.

Trung Quốc - Mỹ cần “tìm cách hòa thuận”

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, nước này sẵn sàng hợp tác để duy trì quan hệ tốt với Mỹ; đồng thời nhấn mạnh hai nước phải “tìm cách hòa thuận” trong tình hình mới. Điều này không chỉ tốt cho đôi bên mà còn có lợi cho toàn thế giới. “Thế giới hiện tại không bình lặng. Là các cường quốc, việc Trung Quốc và Mỹ tăng cường liên lạc và hợp tác sẽ giúp tăng cường ổn định toàn cầu, thúc đẩy hòa bình và phát triển thế giới”, Chủ tịch Tập Cận Bình viết trong thư gửi Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Mỹ - Trung (NCUSCR), Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV ngày 27-10 cho biết.   

LÂM PHONG

;
;
.
.
.
.
.