Nước Anh và "khoảnh khắc Obama"

.

Vào đúng ngày Diwali (24-10), lễ hội ánh sáng - dịp lễ hội lớn của người theo đạo Hindu (Ấn Độ), nước Anh công bố người sẽ là Thủ tướng mới: ông Rishi Sunak, cựu Bộ trưởng Tài chính. Điều thú vị ở chỗ, ông Rishi Sunak trở thành người theo đạo Hindu và người gốc Ấn đầu tiên giữ chức vụ Thủ tướng Anh.

Ông Rishi Sunak trở thành Thủ tướng đầu tiên không phải người da trắng trong lịch sử nước Anh. Ảnh: Reuters
Ông Rishi Sunak trở thành Thủ tướng đầu tiên không phải người da trắng trong lịch sử nước Anh. Ảnh: Reuters

Việc ông Sunak lên nắm quyền có mang lại sự ổn định lâu dài cho nước Anh hay không, đó vẫn còn là câu hỏi chờ thời gian trả lời. Trong 7 tuần qua, Vương quốc Anh đã có tới 3 Thủ tướng. Nhưng dù thế, ít nhất đảng Bảo thủ cầm quyền cũng đã chọn được một người chèo lái trong bối cảnh liên tiếp 2 Thủ tướng rời cương vị sau khi không vượt qua nổi những thách thức quá lớn từ các bê bối chính trị và khủng hoảng kinh tế là ông Boris Johnson và bà Liz Truss.

Những cái “đầu tiên”

Việc ông Sunak trở thành Thủ tướng Anh đánh dấu sự kiện lần đầu tiên nước Anh có một Thủ tướng da màu, cũng là một Thủ tướng Anh đầu tiên theo đạo Hindu. Ông cũng là Thủ tướng trẻ nhất trong hơn 200 năm qua tại Anh khi đắc cử ở tuổi 42. Trong lịch sử, nước Anh từng có một Thủ tướng lên nắm quyền ở tuổi 24, đó là ông William Pitt, đắc cử năm 1783.

Tuy vậy, châu Âu cũng từng có những tiền lệ này. Bồ Đào Nha từng có 2 Thủ tướng người gốc Ấn Độ, bao gồm vị Thủ tướng đương nhiệm António Costa. Hay như Ireland từng có Thủ tướng Leo Varadkar nhiệm kỳ 2017-2020 có cha là người ở thành phố Mumbai (Ấn Độ). Tuy nhiên, trong bối cảnh của chính trường Anh hiện nay, câu chuyện gốc gác gia đình của ông Sunak có lẽ ít được chú ý bằng khối tài sản khổng lồ ông đã tích lũy được tính tới nay.

Ông Sunak từng là cựu quản lý quỹ phòng hộ (hedge manage) tại ngân hàng Goldman Sachs - ngân hàng đầu tư đa quốc gia tại Mỹ. Ông kết hôn với bà Akshata Murty, nhà thiết kế thời trang và là người được thừa kế khối tài sản khổng lồ từ cha vốn là một triệu phú công nghệ Ấn Độ sau khi họ gặp nhau tại Trường Kinh doanh Standford. Theo danh sách những người giàu có tại Anh của tờ Sunday Times, tổng tài sản của vợ chồng ông Sunak ước khoảng 830 triệu USD, bao gồm 4 khu bất động sản tại Anh và Mỹ. Khối tài sản của họ cũng vượt xa cả khối tài sản của Nữ hoàng Elizabeth II trước khi băng hà. Để có thêm thông tin so sánh, hãng tin Quartz dẫn thông tin từ Sách kỷ lục Guinness thế giới, ở hạng mục Thủ tướng Anh giàu nhất tới nay là Edward Stanley, vị Thủ tướng đắc cử năm 1852 và có tài sản riêng tương đương với 440 triệu bảng Anh so với tỷ giá chuyển đổi hiện nay.

Mặc dù ông Sunak đã là gương mặt ứng viên cho ghế Thủ tướng với tỷ lệ ủng hộ rất cao theo kết quả thăm dò dư luận giai đoạn Covid-19 cũng như thời gian trước cuộc bầu cử vừa rồi, song khối tài sản “kếch xù” của ông đã trở thành một vấn đề bị “soi” rất nhiều. Một bộ phận dư luận Anh cũng “ì xèo” về việc bà Murty vẫn duy trì tình trạng chưa phải là công dân thường trú tại Anh để “né” khoản thuế cho các thu nhập ngoài Anh. Đây là lỗ hổng luật pháp mà nhiều người giàu có vẫn thường sử dụng và thực tế bà Murty không phạm pháp khi có thể “tiết kiệm” được khoảng 20 triệu bảng Anh tiền thuế với cách này. Từ tháng 4-2022, bà Murty cam kết bắt đầu đóng thuế cho tổng thu nhập của bà. Tuy nhiên, tới ngày 24-10, cả bà Murty lẫn văn phòng của ông Sunak vẫn chưa phản hồi chất vấn của truyền thông về việc bà đã thực hiện cam kết này chưa.

“Một núi vấn đề”

Ông Sunak từng là Bộ trưởng Tài chính dưới thời cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson. Sau khi bước vào cuộc đua giành ghế Thủ tướng từ hôm 20-10, bên cạnh các đối thủ khác bao gồm Chủ tịch Hạ viện Anh Penny Mordaunt và “sếp cũ” Boris Johnson, tới trưa 24-10 nhóm vận động tranh cử cho ông Sunak giành được 185 phiếu, hơn một nửa số phiếu trong đảng và tuyên bố giành chiến thắng.

Phát biểu tại trụ sở đảng Bảo thủ, ông Sunak cam kết sẽ phục vụ đất nước với sự “liêm chính và khiêm nhường”. “Vương quốc Anh là một quốc gia vĩ đại nhưng rõ ràng chúng ta đang đối mặt với một thách thức kinh tế to lớn. Lúc này chúng ta cần sự ổn định và đoàn kết và tôi sẽ coi việc đoàn kết đảng, đoàn kết đất nước là ưu tiên cao nhất vì đó là cách duy nhất để chúng ta vượt qua những thách thức đang đối mặt hiện nay”, ông Sunak cam kết. Thông điệp đoàn kết cũng được ông Sunak gửi tới các nghị sĩ đảng Bảo thủ cầm quyền trong cuộc họp kín tại Viện thứ dân (Hạ viện Quốc hội Anh) khoảng nửa giờ sau khi công bố thông tin ông đắc cử. Đài Sky (Anh) dẫn chia sẻ của các nghị sĩ tham dự cuộc họp này cho biết, ông Sunak cam kết thành lập chính phủ “bao gồm tất cả các tài năng”.

Theo Reuters, ông Sunak nhận quyết định bổ nhiệm từ Vua Charles III sáng 25-10 (giờ Anh) để trở thành nhà lãnh đạo của Vương quốc Anh. Sau đó ông phải thành lập nội các chính phủ mới trong bối cảnh đảng cầm quyền Bảo thủ đang có sự chia rẽ nội bộ rất lớn. Tạp chí Economist (Anh) nhận định, ông Sunak sẽ phải gồng gánh “một núi vấn đề, trong đó bao gồm nền kinh tế đang hỗn loạn, mùa đông với các cuộc đình công, cuộc khủng hoảng năng lượng đang kéo đến và hệ thống y tế căng thẳng”.

LÂM PHONG

;
;
.
.
.
.
.