EU cáo buộc Mỹ hưởng lợi từ xung đột ở Ukraine

.

Quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương “nổi sóng” cuối tuần qua khi chuyên trang chính trị Politico dẫn các nguồn tin từ giới chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) cáo buộc Mỹ đang hưởng lợi từ cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chỉ trích Mỹ bán giá khí đốt quá cao cho EU.  Ảnh: Reuters
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chỉ trích Mỹ bán giá khí đốt quá cao cho EU. Ảnh: Reuters

Theo đó, giới chức EU nhận định, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã và đang hưởng lợi từ giá bán khí đốt “trên trời” và doanh số giao dịch, buôn bán vũ khí khổng lồ khi xung đột tại Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt dù đã kéo dài 9 tháng.

Chỉ lợi ích là vĩnh viễn

Politico tiết lộ, nhiều quan chức cấp cao của châu Âu tỏ ra khó chịu với chính quyền của Tổng thống Biden vì trong khi Washington kiếm được lợi nhuận khủng từ xung đột ở Ukraine thì các nước EU phải đối mặt quá nhiều thách thức chưa từng có. “Thực tế, nếu bạn nhìn vào vấn đề một cách nghiêm túc, nước đang hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc xung đột này là Mỹ, vì họ đang bán được nhiều khí đốt với giá cao hơn, cùng với số lượng vũ khí lớn hơn”, một quan chức cấp cao của EU nói. Bình luận “chấn động” này cũng tương tự với những nhận định riêng tư hoặc công khai của một số quan chức, nhà ngoại giao, bộ trưởng của các nước châu Âu khác.

Sự bức xúc được đẩy cao tại châu Âu sau khi Mỹ công bố những chính sách trợ giá được giới chức “lục địa già” nhận định là đe dọa phá hoại nền công nghiệp châu Âu. Ông Josep Borrell, đại diện Cấp cao về Chính sách an ninh và đối ngoại kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu kêu gọi Washington cần lưu tâm và có giải pháp cho các quan ngại của EU hiện nay. “Người Mỹ - những bạn bè của chúng tôi - đã có những quyết định gây ảnh hưởng về kinh tế đối với chúng tôi”, ông Josep Borrell nói.

Tuy nhiên, Washington gạt những cáo buộc của EU, đổ lỗi cho Nga và chiến dịch quân sự đặc biệt của họ tại Ukraine mới là nguyên nhân khiến giá khí đốt tăng cao bất thường trong thời gian qua. Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ thậm chí còn “nhắc nhở” giới chức EU rằng lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ xuất sang EU đã tăng đáng kể và giúp châu Âu đa dạng thêm các nguồn cung khác ngoài Nga.

Bất chấp làn sóng chỉ trích từ EU, Washington vẫn chưa có tín hiệu sẽ điều chỉnh hay rút lại những chính sách trợ giá gây tranh cãi. Trong khi đó, những gián đoạn về thương mại do hệ lụy từ tình hình căng thẳng tại Ukraine đã đẩy nhiều nền kinh tế châu Âu vào suy thoái nặng, lạm phát tăng cao và nguồn cung năng lượng bị siết chặt trong mùa đông.

Châu Âu chật vật ứng phó

Trong quá trình tìm cách giảm lệ thuộc vào năng lượng Nga, các nước EU đã chuyển sang mua khí đốt Mỹ. Tuy nhiên chi phí cho năng lượng của người châu Âu hiện đang cao gần gấp 4 lần so với người Mỹ. Bên cạnh đó, số đơn đặt mua vũ khí của các nhà thầu quốc phòng Mỹ cũng tăng cao khi nhiều nước châu Âu không còn đủ nguồn cung vũ khí hỗ trợ Ukraine.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phàn nàn giá khí đốt của Mỹ “không hữu nghị”, trong khi Bộ trưởng kinh tế Đức kêu gọi Washington hãy thể hiện hơn nữa tinh thần đoàn kết và hỗ trợ đồng minh giảm chi phí năng lượng. Politico dẫn ý kiến của một số quan chức và nhà ngoại giao EU cho rằng sự phớt lờ của Washington với những hậu quả kinh tế mà châu Âu đang gánh chịu là vấn đề rất lớn.

Theo S&P Global, chỉ số quản lý nhà mua hàng (PMI) của Eurozone tăng từ mức 47,3 tháng 10-2022 lên 47,8 tháng 11-2022. Dù tăng nhưng chỉ số này vẫn dưới ngưỡng 50, thể hiện hoạt động kinh tế tiếp tục giảm tháng thứ 5 liên tiếp. Trong khi đó, lạm phát ở hầu hết các nền kinh tế thành viên vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, S&P đánh giá áp lực lạm phát với các doanh nghiệp đang tăng chậm lại và dù còn ở mức khiêm tốn nhưng chỉ số lòng tin kinh doanh cũng bắt đầu tăng.

Dự kiến, châu Âu tăng trưởng trở lại vào mùa xuân khi lạm phát dần cải thiện. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP chỉ đạt mức 0,3% năm 2023 ở cả EU và Eurozone. Đến năm 2024, tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ dần khôi phục, trung bình đạt 1,6% ở EU và 1,5% ở Eurozone.

EU cáo buộc Mỹ bảo hộ thương mại

Điểm gây tranh cãi chính giữa Mỹ và EU là Đạo luật giảm lạm phát (IRA) của Mỹ. Với mục tiêu giảm lạm phát, IRA sẽ đầu tư, trợ giá cho năng lượng tái tạo và sản xuất năng lượng, thực thi chính sách thuế mới cho doanh nghiệp, giảm chi phí y tế.

Ông Tonino Picula, người đứng đầu Nghị viện châu Âu về mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương cho biết: “Mỹ đang theo đuổi chương trình nghị sự trong nước, đáng tiếc là theo chủ nghĩa bảo hộ và phân biệt đối xử với các đồng minh của mình”. EU cảnh báo: “Chúng ta thực sự đang ở một thời điểm lịch sử”; đồng thời cho rằng với cú “đòn kép” từ những đứt gãy thương mại do chính sách trợ giá của Mỹ và những rủi ro vì giá năng lượng tăng cao sẽ làm thay đổi quan điểm của công luận về xung đột tại Ukraine cũng như mối quan hệ đồng minh giữa hai bờ Đại Tây Dương.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.