Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP27: Chất vấn trách nhiệm của các nước giàu

.

Tại hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP27) tại Ai Cập, LHQ kêu gọi các nước đồng thuận về “hiệp định đoàn kết khí hậu” mới, trong đó các nước giàu sẽ giúp các nước nghèo hơn về tài chính để giảm nhẹ thiệt hại từ các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres (hàng đầu, thứ 3 trái sang) và lãnh đạo các nước tham dự sự kiện COP27 ở Sharm el-Sheikh (Ai Cập) ngày 7-11. Ảnh: AP
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres (hàng đầu, thứ 3 trái sang) và lãnh đạo các nước tham dự sự kiện COP27 ở Sharm el-Sheikh (Ai Cập) ngày 7-11. Ảnh: AP

Người đứng đầu LHQ đã gọi tên cụ thể hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc, hối thúc họ cần có “trách nhiệm cụ thể” để biến ý tưởng này thành hiện thực.

Nhấn mạnh tính cấp thiết

Thông điệp mạnh mẽ này được Tổng Thư ký LHQ António Guterres đưa ra trong bài phát biểu phiên khai mạc COP27, sự kiện đang diễn ra tại Sharm el-Sheikh, Ai Cập từ ngày 6 đến 18-11. Ông Guterres cho rằng, hệ thống tài chính quốc tế cần được cải tổ để hỗ trợ những nước thu nhập thấp vốn đang bị đè nặng bởi nợ nần và cả những quốc gia cần nguồn tài chính để phục hồi sau thiên tai; đồng thời thúc giục các nước cần nhanh chóng giảm phát thải và chấm dứt xây dựng các nhà máy điện dùng than đá. Tổng Thư ký LHQ cho rằng, hai nền kinh tế lớn nhất - Mỹ và Trung Quốc - phải có trách nhiệm cụ thể trong các nỗ lực chung để hiện thực hóa “hiệp định đoàn kết khí hậu” mới. “Nhân loại đang đứng trước lựa chọn “hợp tác hay là chết. Chúng ta đang trên xa lộ dẫn tới địa ngục khí hậu trong khi chân vẫn đặt lên phần tăng tốc”, ông Guterres dùng hình ảnh ví von để nhấn mạnh tính cấp thiết.

Theo báo cáo do Ai Cập và Anh (hai nước lần lượt là chủ nhà của COP27 và COP26) đồng soạn thảo công bố ngày 8-11, các nước đang phát triển sẽ cần đầu tư tổng cộng khoảng 1.000 tỷ USD/năm từ nay cho tới năm 2030 để ứng phó với biến đổi khí hậu. Mức đầu tư hiện nay ở khoảng 500 triệu USD/năm. Báo cáo cho biết: “Việc khai thông được nguồn tài chính khổng lồ cho vấn đề khí hậu này chính là mấu chốt để giải quyết các thách thức phát triển hiện nay”.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình không dự COP27 nhưng Bắc Kinh đã cử phái đoàn tham gia sự kiện quan trọng này. Một số lãnh đạo của các nước còn đang lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch cũng vắng mặt tại COP27 là các Thủ tướng Narendra Modi của Ấn Độ, Anthony Albanese của Úc và Justin Trudeau của Canada. Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tới Ai Cập sau khi nước này hoàn tất bầu cử giữa nhiệm kỳ ngày 8-11.

Chú trọng cảnh báo sớm thiên tai

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thừa nhận, có “những sự bất công” trong các nguy cơ và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu. “Chúng tôi cần Mỹ và Trung Quốc hành động nhiều hơn”, ông Macron nói với các nhà vận động khoa học bên lề COP27. Nhà lãnh đạo Pháp kêu gọi các định chế đa phương như Ngân hàng Thế giới (WB), và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cần hành động nhiều hơn để hỗ trợ các nước dễ tổn thương và tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư ở khối tư nhân.

Thủ tướng Barbados (quốc gia ở vùng Caribe), bà Mia Mottley kêu gọi xây dựng thêm các “quỹ ưu đãi” cho những nước mới nổi và thành lập quỹ tín thác giảm nhẹ ảnh hưởng khí hậu, sử dụng quyền rút vốn đặc biệt của IMF để “mở khóa” 5.000 tỷ USD trong nguồn vốn tư nhân. Tuy nhiên vấn đề trách nhiệm và sự chia sẻ của các nước giàu - cũng là những nước có tỷ lệ phát thải lớn nhất trên thế giới - vẫn luôn là chủ đề gây tranh cãi lâu nay.

Tổng Thư ký LHQ Guterres cũng phát động kế hoạch triển khai hệ thống cảnh báo sớm toàn cầu với các hiện tượng thời tiết cực đoan. Dự án này sẽ tốn 3,1 tỷ USD trong 5 năm đầu tiên và sẽ chi cho việc thu thập và phân tích dữ liệu, dự báo, xây dựng năng lực ứng phó và thông tin tới mọi người về các nguy cơ. Với hệ thống này, mọi người trên trái đất đều có thể tiếp cận sớm thông tin cảnh báo thiên tai như bão và nắng nóng. Những nước có được hệ thống cấp thiết này sẽ hạn chế được thương vong về người ngay cả khi những tổn thất về tài sản và hạ tầng vẫn còn lớn. Kế hoạch xây dựng hệ thống cảnh báo sớm do các nhóm chuyên gia xây dựng, trong đó có Tổ chức khí tượng thế giới (WMO). Theo WMO, tới nay trên toàn cầu vẫn còn khoảng một nửa số quốc gia không có hệ thống cảnh báo này.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ đầu năm 2022 tới nay, có ít nhất 15.000 người ở châu Âu tử vong vì thời tiết nắng nóng, trong đó Tây Ban Nha và Đức bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Từ tháng 6-2022 đến 8-2022 là quãng thời gian nóng nhất ở châu Âu kể từ trước tới nay và nhiệt độ đặc biệt cao dẫn đến đợt hạn hán tồi tệ nhất mà lục địa này từng trải qua kể từ thời Trung cổ.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.