Quốc tế
Châu Âu quyết từ bỏ rác thải nhựa
Liên minh châu Âu (EU) vừa công bố những biện pháp mới nhằm cắt giảm mạnh rác thải nhựa. Khối này nhắm tới mục tiêu tới năm 2040 sẽ giảm lượng rác thải nhựa khoảng 15% so với mức năm 2018 và quy định bắt buộc tới năm 2030 mọi loại bao bì phải tái chế được.
Châu Âu sẽ thực hiện quyết liệt các biện pháp nhằm cắt giảm mạnh rác thải nhựa. TRONG ẢNH: Một thùng rác ngập rác nhựa trong công viên. Ảnh: AP |
Ngày 30-11, Ủy ban EU công bố những dự luật có phạm vi áp dụng ở toàn bộ 27 nước thành viên về bao bì đóng gói nhằm thực thi lộ trình giải quyết triệt để rác thải nhựa.
Những giải pháp cụ thể
Trung bình mỗi người dân châu Âu thải ra gần 180kg rác thải bao bì mỗi năm. Bao bì là một trong những ngành chính ngốn nhiều nguyên liệu thô nhất của EU khi có khoảng 40% tổng lượng nhựa và 50% tổng lượng giấy sử dụng trên toàn EU là dành để sản xuất bao bì. Theo đó, nếu không hành động, ước tính tới năm 2030, EU sẽ chứng kiến mức tăng hơn 19% rác thải bao bì, và riêng rác thải nhựa thậm chí còn tăng 46%.
Trước kịch bản tồi tệ về nguy cơ tràn ngập rác thải nhựa, Ủy ban châu Âu xây dựng bộ quy định mới nhằm chặn đứng xu thế bùng nổ của rác thải bao bì, đặc biệt là rác nhựa. Với người tiêu dùng, các quy định mới hướng tới mục tiêu khuyến khích họ lựa chọn bao bì có thể tái sử dụng, loại bỏ dùng bao bì/túi đựng khi không cần thiết, cũng như không lạm dụng quá mức việc đóng gói. Bên cạnh đó, chính sách mới sẽ cung cấp thêm các nhãn dán rõ ràng để hỗ trợ tái chế chính xác, hiệu quả hơn với từng loại rác thải.
Với các doanh nghiệp, giới lập pháp EU dự kiến tạo nhiều cơ hội hỗ trợ, đặc biệt với những công ty vừa và nhỏ, để họ có thể giảm sử dụng các nguồn vật liệu thô, nâng cao năng lực tái chế để giảm lệ thuộc vào các nguồn tài nguyên ban đầu cũng như các nhà cung cấp bên ngoài châu lục. Các quy định mới về bao bì và giảm rác thải nhựa được xây dựng trên cơ sở phù hợp với mục tiêu trung hòa carbon của EU vào năm 2050.
Đi cùng với những mục tiêu hướng tới 2 nhóm đối tượng chịu tác động chính của dự luật, Ủy ban châu Âu cũng sẽ làm rõ với ngành công nghiệp bao bì về các quy định liên quan tới những loại nhựa có thể phân hủy thành phân hữu cơ hay các loại phân hủy sinh học; chẳng hạn cách sử dụng để vật liệu nhựa trở nên hữu ích và thân thiện với môi trường, cách thức các loại bao bì nhựa nên được thiết kế, phân hủy hay tái chế ra sao.
Những đề xuất nói trên là các nội dung trọng yếu trong Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn của Thỏa thuận xanh châu Âu. Với mục tiêu tạo ra những sản phẩm bền vững, dự luật về bao bì và rác thải bao bì có 3 mục tiêu chính. Thứ nhất là ngăn chặn nguồn rác thải bao bì bằng cách giảm số lượng, hạn chế bao bì không cần thiết và khuyến khích các giải pháp bao bì tái sử dụng. Thứ hai là tăng chất lượng của hoạt động tái chế theo kiểu vòng tròn khép kín, có nghĩa hướng tới mục tiêu vào năm 2030, toàn bộ số bao bì trên thị trường EU có thể tái chế theo một cách khả thi về kinh tế. Và thứ ba là giảm nhu cầu sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên ban đầu và tạo ra một thị trường buôn bán các nguồn vật liệu thô thứ cấp được vận hành tốt, tăng sử dụng nhựa tái chế trong bao bì thông qua nhiều hạng mục bắt buộc. “Nếu chúng ta không thay đổi các xu hướng hiện tại, khối lượng rác thải nhựa sẽ tăng thêm 46% vào năm 2030”, ông Virginijus Sinkevicius, Cao ủy EU về Môi trường, Đại dương và Nghề cá Virginijus Sinkevičius nói với Bloomberg.
Ảnh hưởng nhiều ngành nghề
Tới cuối thập niên này, Ủy ban châu Âu muốn giảm 5% rác thải bao bì so với mức của năm 2018. Thoạt nghe 5% dường như là mức nhỏ nhưng lượng rác thải và lượng khí phát thải tương ứng vẫn đang tăng không ngừng trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ toàn cầu và các doanh nghiệp không ngừng tìm kiếm những giải pháp tiện lợi để bán được hàng hóa.
Bloomberg cho rằng, với quy mô lớn của thị trường EU, kế hoạch hành động của khối này với rác thải nhựa có thể sẽ gây tác động dây chuyền toàn cầu. Ông Piotr Barczak, quan chức cao cấp phụ trách về kinh tế tuần hoàn và rác thải tại Cục môi trường châu Âu cho rằng, trong số các “luồng” rác thải hiện nay, rác thải từ bao bì là luồng tăng tốc nhanh nhất.
Lộ trình giải quyết rác nhựa của EU được cho là sẽ tác động lớn tới các ngành công nghiệp, từ sản xuất thực phẩm, điện tử dân dụng cho tới sản xuất hóa chất. Những đòi hỏi về thiết kế khiến cho việc tái chế hay tái sử dụng bao bì không đơn giản. Cũng theo văn bản nói trên, một số ngành cụ thể như công nghiệp sản xuất bia sẽ phải đối mặt với các tiêu chí về tái sử dụng bao bì, chai lọ, và như vậy có thể sẽ dẫn tới hệ quả: hình dáng các chai bia sẽ được “đồng phục hóa”.
Các công ty như Nestle SA, Carlsberg AS hoan nghênh đề xuất mới của EU và thậm chí đã chủ động triển khai những giải pháp giảm rác thải bao bì. Trong khi đó, tổ chức Brewers of Europe, hiệp hội của ngành công nghiệp bia ở châu Âu cho biết sẽ chờ đợi thêm để xem họ có phải là ngành nghề duy nhất bị phân biệt đối xử trong luật kiểm soát rác nhựa của EU không.
TRẦN ĐẮC LUÂN