Châu Âu tổn thất 1.000 tỷ USD do "bão giá" năng lượng

.

Bài viết mới nhất trên Bloomberg cho thấy góc nhìn ảm đạm về triển vọng kinh tế của châu Âu khi gánh chịu mức thiệt hại khoảng 1.000 tỷ USD từ khi cắt đứt nguồn cung khí đốt từ Nga và đây chỉ là màn khởi đầu của cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất trong những thập niên qua ở “lục địa già”.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (giữa) thăm cơ sở tiếp nhận khí hóa lỏng đầu tiên tại cảng Wilhelmshaven ngày 17-12. Ảnh: AFP
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (giữa) thăm cơ sở tiếp nhận khí hóa lỏng đầu tiên tại cảng Wilhelmshaven ngày 17-12. Ảnh: AFP

Mức thiệt hại kỷ lục nói trên chủ yếu do giá điện tăng vọt đối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng châu Âu. Nguồn cung ngày càng thu hẹp trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng trở lại cùng với đà mở cửa kinh tế sau Covid-19 khiến giá hàng hóa, năng lượng tăng cao.

Sự khởi đầu của khủng hoảng

Bloomberg dự báo, con số 1.000 tỷ USD chỉ là sự khởi đầu cho cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng hiện nay. Trong mùa đông giá lạnh này, châu Âu vẫn có thể trụ vững với kho dự trữ năng lượng lấp đầy trước đó. Tuy nhiên, kể từ năm sau, châu lục này phải làm đầy trở lại trong tình thế không có nguồn cung từ Nga. Trong khi đó, tình thế sẽ trở nên khốn khó thêm khi căng thẳng trên thị trường năng lượng nhiều khả năng còn âm ỉ đến năm 2026, thời điểm nguồn cung từ các nước như Mỹ, Qatar dồi dào hơn.

Theo Bruegel, tổ chức tư vấn tại Bỉ, dù chính phủ có thể hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng trang trải phần lớn thiệt hại thông qua các khoản hỗ trợ trị giá 700 tỷ USD song tình trạng căng thẳng nguồn cung vẫn sẽ kéo dài vài năm tới. Trong bối cảnh với lãi suất vẫn tăng và các nền kinh tế có khả năng suy thoái, các gói hỗ trợ của chính phủ cho hàng triệu hộ gia đình và doanh nghiệp ngày càng trở nên khó khăn hơn. Khả năng tài chính của các chính phủ châu Âu đang ở tình trạng căng thẳng do tác động của Covid-19 và xung đột ở Ukraine. Khoảng một nửa thành viên của EU đang phải gánh nợ vượt giới hạn 60% GDP. Theo các chuyên gia phân tích, nếu giá khí đốt tự nhiên ở EU tăng lên mức 210 euro/MWh thì suy thoái kinh tế nghiêm trọng ở khối này sẽ hiện hữu.

Đức hiện là trong những nước chủ động tìm kiếm nguồn cung mới sau khi tuyên bố “cai” khí đốt Nga. Ngày 17-12, Đức khai trương cơ sở tiếp nhận khí hóa lỏng đầu tiên tại cảng Wilhelmshaven, bang miền bắc Niedersachsen. Thủ tướng Olaf Scholz đánh giá cơ sở này đóng góp rất quan trọng cho an ninh năng lượng của nước Đức, một dấu hiệu tốt cho thấy nền kinh tế Đức tránh nguy cơ phi công nghiệp hóa do thiếu khí đốt. Song, các nước EU khác sẽ gặp khó khi chế ngự cuộc khủng hoảng năng lượng bởi không đủ nguồn lực tài chính mạnh như Berlin.

Cẩn trọng tránh “thiệt đơn, thiệt kép”

Sau khi mạnh tay áp trần giá dầu Nga gần đây, EU lại đang xem xét hạ trần giá khí đốt xuống mức thấp hơn so với đề xuất trước đó của Ủy ban châu Âu (EC) là 275 euro/MWh. Một số nước yêu cầu mức trần dưới 200 euro/MWh để giải quyết vấn đề giá khí đốt cao, trong khi số khác lại coi mức trần này là mối đe dọa đến nguồn cung, khiến hoạt động giao hàng chuyển hướng từ châu Âu sang các thị trường sinh lời hơn ở châu Á.

Giờ đây, sự thống nhất của EU về các lệnh trừng phạt đối với Nga bắt đầu lung lay rõ rệt khi những lo lắng về tác động đối với kinh tế của chính châu Âu làm suy yếu quyết tâm trừng phạt Moscow. Một số nước như: Bỉ, Hy Lạp và Hungary vốn vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng của Nga, phản đối các biện pháp sâu rộng hơn. Ba Lan và các quốc gia Baltic vốn nằm gần Ukraine hơn, lại đề xuất các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn, bao gồm cả khí đốt và ngành công nghiệp hạt nhân của Nga, đồng thời tranh luận chống lại các miễn trừ, chẳng hạn như bán thép và kim cương của Nga.

“Bây giờ chúng tôi phải cẩn thận với các biện pháp trừng phạt để không đi quá xa đến mức gây thiệt hại hoàn toàn cho kinh tế châu Âu”, Edita Hrda, Đại sứ CH Czech tại EU, nói. Trước cú sốc giá năng lượng, các doanh nghiệp châu Âu đang buộc phải giảm hoặc dừng sản xuất và chuyển dịch đầu tư sang Mỹ để cắt giảm chi phí, làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ phi công nghiệp hóa tại lục địa này.

Nga cũng đưa ra những cảnh báo về gói trừng phạt mới nhất của EU khi nhấn mạnh đòn giáng này sẽ tạo tác động dội ngược lại khi khiến chính người dân khối này trở thành nạn nhân. “Giới lãnh đạo EU không thể thoát khỏi vòng hạn chế luẩn quẩn này và né tránh thừa nhận rằng tất cả biện pháp trừng phạt và chính sách gây áp lực lên Nga đã thất bại. Tương tự các gói trừng phạt trước đó, nó sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề kinh tế - xã hội ở EU”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết.

Theo Moscow, các động thái của EU dẫn đến tình trạng thiếu hụt năng lượng, lạm phát lan rộng và phá hủy nền công nghiệp của khối. Mỹ là bên hưởng lợi chính từ các biện pháp trừng phạt Nga của châu Âu trong khi các nền kinh tế mới nổi ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh phải chịu thiệt hại một cách bất công.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.