Quốc tế

Nhật Bản tranh thủ sự ủng hộ của đồng minh trong G7

08:31, 10/01/2023 (GMT+7)

Ngày 9-1, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio bắt đầu chuyến công du dài ngày đến các nước thành viên khác thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) để tập hợp lực lượng, tìm kiếm sự đồng thuận trong hàng loạt mối bận tâm về an ninh của Tokyo trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới nói chung càng ngày càng phức tạp.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (giữa) tại sân bay Haneda (Tokyo) ngày 8-1 trước giờ khởi hành chuyến công du tới các nước G7. Ảnh: AP
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (giữa) tại sân bay Haneda (Tokyo) ngày 8-1 trước giờ khởi hành chuyến công du tới các nước G7. Ảnh: AP

Thủ tướng Kishida sẽ lần lượt đến Pháp, Ý, Anh và Canada từ ngày 9 đến 12-1 sau đó kết thúc chuyến công du với chuyến thăm Mỹ ngày 13-1.

Vẹn tròn việc chung, việc riêng

Chuyến công du nổi bật nhất năm nay của Thủ tướng Kishida nhằm tạo bước đệm cho hội nghị thượng đỉnh của G7 diễn ra tại Hiroshima (Nhật Bản) vào tháng 5-2023. Nếu sự kiện này thành công dưới sự chủ trì của Nhật Bản với tư cách nước chủ tịch G7 năm nay thì uy tín chính trị của ông Kishida sẽ được nâng lên đáng kể trong bối cảnh nội các nước này liên tiếp chứng kiến nhiều bộ trưởng từ chức chỉ trong vài tháng.

Trước thềm chuyến công du mang sứ mệnh thuyết khách, ngày 8-1, Thủ tướng Kishida cho biết: “Tôi hy vọng về cuộc nói chuyện thẳng thắn, chân thành với những người đồng cấp G7 để làm sâu sắc thêm mối quan hệ tin cậy cá nhân và tìm lời giải cho hàng loạt bài toán chung về môi trường an ninh nghiêm trọng; kinh tế toàn cầu trước các thách thức; tầm quan trọng của việc bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ…”. Thủ tướng Nhật Bản cũng mong muốn cùng với các nhà lãnh đạo tìm tiếng nói chung trong việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga song song với tăng cường hỗ trợ Ukraine.

Bên cạnh việc theo đuổi mục tiêu chung trước thềm hội nghị G7, ông Kishida cũng tranh thủ tìm cơ hội hợp tác về quân sự và kinh tế với các nước G7 khác. Việc Nhật Bản, Anh và Ý hợp tác phát triển máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo năm 2035 sẽ là nội dung nghị sự hàng đầu trong chuyến thăm Rome và London của ông Kishida ngày 10 và 11-1.

Nhật Bản và Anh cũng đang thảo luận về Thỏa thuận tiếp cận đối ứng nhằm loại bỏ những trở ngại đối với việc tổ chức tập trận quân sự chung ở mỗi nước. Tương tự, đẩy mạnh các cuộc tập trận quân sự chung giữa hai bên cũng là khía cạnh hợp tác quan trọng trong cuộc hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Trong khi đó, theo Trevor Kennedy, Phó Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Canada về chính sách quốc tế, cho biết, ông Kishida có thể sẽ tìm kiếm cam kết chắc chắn hơn nữa từ Canada về việc cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng và đề cập khả năng phát triển hydro xanh trong bối cảnh bảo đảm an ninh năng lượng vẫn là vấn đề nan giải.

Mong chờ sức mạnh đồng thuận với Mỹ

Thủ tướng Kishida sẽ gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng ngày 13-1 ở chặng dừng chân cuối cùng. Đây sẽ là lần đầu tiên nhà lãnh đạo Nhật Bản thăm Washington từ khi ông nhậm chức vào tháng 10 -2021 và cũng là điểm nhấn trong chuyến công du các nước G7. AP dẫn lời ông Kishida cho biết: “Tôi tin các cuộc nói chuyện với ông Biden sẽ là cơ hội quý giá để khẳng định hợp tác chặt chẽ trong lập trường củng cố liên minh Nhật Bản-Mỹ và cùng nhau hướng tới một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở và có trách nhiệm”.

Ông Kishida sẽ giải thích về việc Nhật Bản sửa đổi ba tài liệu an ninh quốc gia quan trọng gần đây, trong đó lần đầu tiên nêu rõ việc sở hữu “khả năng phản công” để ứng phó với cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo, đánh dấu bước chuyển lớn trong chính sách an ninh. Theo ông Christopher Johnstone, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế, việc Nhật Bản tập trung khả năng tấn công và tăng cường ngân sách quốc phòng là “chương trình nghị sự khó khăn” nhưng đáng hoan nghênh, đòi hỏi sự hợp tác mạnh mẽ hơn với Mỹ. Hai nước cũng được cho là đang xem xét thiết lập bộ chỉ huy chung và tích hợp hơn nữa các hoạt động chung.

Theo đó, vấn đề không thể bỏ qua tại cuộc gặp chính là việc ông Kishida trao đổi với ông Biden về sự hiện diện không ngừng mở rộng của Trung Quốc tại châu Á-Thái Bình Dương cũng như mối đe dọa từ chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên khiến Đông Bắc Á “dậy sóng”. Thực ra, điều này cũng dễ hiểu bởi ngay trong Chiến lược An ninh quốc gia của Nhật Bản mô tả Trung Quốc, Triều Tiên và Nga là những quốc gia có thách thức về an ninh; đặc biệt định vị Trung Quốc là “thách thức chiến lược lớn nhất từ ​​trước đến nay” của Nhật Bản khi nước này đang tìm kiếm mối quan hệ mang tính xây dựng và ổn định với Bắc Kinh nhưng với sự thận trọng tối đa. Các chiến lược mới cũng được kỳ vọng tạo đòn bẩy cho hợp tác giữa Nhật Bản với đối tác khu vực chính là Úc và có thể là Hàn Quốc.

Nhật Bản sẽ bắt đầu triển khai các tên lửa hành trình tầm xa vào năm 2026 có thể tấn công các mục tiêu tiềm năng xa hơn, tăng gần gấp đôi ngân sách quốc phòng trong vòng 5 năm lên mức tiêu chuẩn của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là khoảng 2% GDP từ mức 1% hiện nay, và nâng cao năng lực không gian mạng và tình báo.

THƯ LÊ

.