Quốc tế

Thế giới tuần qua: Nga, Ukraine tuyên bố trái chiều về 'điểm nóng' giao tranh Soledar; nguy cơ biến thể Covid-19 mới lan rộng

07:41, 15/01/2023 (GMT+7)

Thành phố Soledar đã trở thành tâm điểm của cuộc giao tranh ác liệt giữa Nga và Ukraine trong tuần qua. Trong khi đó, thế giới đang đối mặt với nguy cơ lây lan nhanh của biến thể Covid-19 mới.

Xe tăng Ukraine khai hỏa ở vùng Lugansk. Ảnh: AFP
Xe tăng Ukraine khai hỏa ở vùng Lugansk. Ảnh: AFP

Nga tuyên bố kiểm soát Soledar trong khi Ukraine cho biết giao tranh vẫn ác liệt

Theo hãng tin Reuters (Anh), Nga ngày 13-1 cho biết các lực lượng của họ đã giành quyền kiểm soát thành phố quan trọng Soledar ở miền Đông Ukraine.

Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ vào tối 12-1 thành phố Soledar đã hoàn toàn do quân đội nước này kiểm soát. Trong thông cáo báo chí, Bộ trên khẳng định thành phố này có ý nghĩa quan trọng để đạt thành công trong hoạt động tấn công tiếp theo. Trước đó, tổ chức lính đánh thuê Nga Wagner tuyên bố đã đi tiên phong trong cuộc tấn công vào Soledar và hồi đầu tuần này khẳng định lực lượng của họ đang kiểm soát Soledar.

Nếu đúng, đây sẽ là một thành công chiến lược với Moskva sau nhiều tháng dằng co trên chiến trường. Tuy nhiên, Ukraine tuyên bố quân đội của họ vẫn đang chiến đấu trong thị trấn.

Phát ngôn viên của lực lượng Ukraine tham chiến ở mặt trận phía Đông, ông Sergiy Cherevaty nêu rõ: "Giao tranh ác liệt đang diễn ra ở Soledar. Lực lượng vũ trang Ukraine kiểm soát tình hình trong điều kiện khó khăn".

Cùng ngày, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Ganna Maliar nói: "Tình hình căng thẳng xuyên đêm ở Soledar. Chiến sự vẫn tiếp diễn. Đối phương đã điều chuyển gần như toàn bộ lực lượng chính đến mặt trận Donetsk và đang duy trì một cuộc tấn công cường độ cao", đồng thời lưu ý rằng đây là một "giai đoạn khó khăn của cuộc chiến".

Soledar, một thành phố khai thác muối đã nhiều ngày qua trở thành mục tiêu của cuộc tấn công không ngừng từ Nga. Kiev và phương Tây đã hạ thấp tầm quan trọng của thành phố, nói rằng Moskva đã tốn nhiều nhân lực và vật lực vì một khu vực không có ảnh hưởng đến cuộc chiến rộng lớn hơn.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói với các phóng viên tại Nhà Trắng: "Thậm chí cả Bakhmut và Soledar đều rơi vào tay lực lượng Nga, nó sẽ không có tác động chiến lược đối với cuộc chiến".

Nhưng việc kiểm soát được thành phố trên có tầm quan trọng lớn vì nếu được xác nhận, điều này có thể cắt đứt các tuyến đường tiếp tế của Ukraine tới thành phố Bakhmut gần đó và bao vây các lực lượng Ukraine còn lại ở đó. Oleh Zhdanov, một nhà phân tích quân sự tại Kiev, cho biết: "Tình hình ở Soledar gần như nguy cấp - thành phố bị bao vây một nửa. Chỉ còn một con đường duy nhất để tiếp tế cho quân đội của Ukraine".

Theo hãng tin AP (Mỹ), Soledar, nổi tiếng về khai thác và chế biến muối, có ít giá trị nội tại nhưng lại nằm ở một điểm chiến lược cách thành phố Bakhmut 10 km về phía Bắc, nơi các lực lượng Nga muốn bao vây. Việc chiếm Bakhmut sẽ làm gián đoạn các tuyến tiếp tế của Ukraine và mở ra một con đường cho người Nga tiến về phía Kramatorsk và Sloviansk, các thành trì của Ukraine ở tỉnh Donetsk.

Giám đốc Nghiên cứu về Nga tại nhóm nghiên cứu phi lợi nhuận CAN ở Arlington, Virginia (Mỹ), ông Michael Kofman lưu ý: “Sự thất thủ của Soledar sẽ khiến việc giữ Bakhmut trở nên bấp bênh hơn nhiều đối với Ukraine”. Bên cạnh đó, theo AP, sự thất thủ của Soledar sẽ là "phần thưởng các lực lượng Nga đang tìm kiếm một tin tức chiến trường trong những tháng gần đây, sau khi để mất thành phố quan trọng Kherson".

Nguy cơ Biến thể XBB.1.5 lây lan nhanh chóng

Tân Hoa xã (Trung Quốc) dẫn dữ liệu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, dòng phụ XBB.1.5 của biến thể Omicron ước tính chiếm 43% số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 14-1.

Biển khuyến cáo đeo khẩu trang trong một trung tâm thương mại ở New York, Mỹ ngày 7/12/2022. Ảnh: THX
Biển khuyến cáo đeo khẩu trang trong một trung tâm thương mại ở New York, Mỹ ngày 7-12-2022. Ảnh: THX

Theo CDC, biến thể phụ XBB.1.5 đang lan rộng nhanh chóng ở Mỹ. Dữ liệu của CDC cho thấy XBB.1.5 là nguyên nhân gây ra 27,6% tổng số ca mắc mới Covid-19 ghi nhận trong tuần kết thúc vào ngày 7-1 vừa qua, tăng từ mức 18,3% của một tuần trước đó và mức 11,5% cách đó hai tuần.

CDC lưu ý, ngoài XBB.1.5, tại Mỹ hiện có 2 dòng phụ khác của biến thể Omicron cũng đang nổi lên là BQ.1 và BQ.1.1 - gây ra khoảng 55% số ca mắc mới Covid-19 tại Mỹ trong tuần vừa qua.

Ở Anh, nơi chủng này cũng đã được phát hiện. Sheena Cruickshank, Giáo sư tại Viện Miễn dịch và Viêm nhiễm Lydia Becker tại Đại học Manchester cho biết chủng này "chỉ chiếm khoảng 4% các trường hợp nhiễm bệnh vào lúc này, nhưng chúng tôi đang thấy nó thực sự lây lan khá nhanh".

Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) cho biết vào đầu tuần này XBB.1.5 có thể làm gia tăng nhiều ca mắc Covid-19 hơn dựa trên các đặc điểm di truyền và ước tính tốc độ tăng trưởng ban đầu.

Nhà dịch tễ học, Tiến sĩ Eric Feigl-Ding cho rằng biến thể mới "vừa có khả năng miễn dịch tốt hơn vừa có khả năng lây nhiễm tốt hơn". Tiến sĩ Feigl-Ding nhấn mạnh chủng mới "có khả năng là một biến thể tái tổ hợp nhanh hơn (tồi tệ hơn) 96% biến thể XBB cũ". Theo nhà dịch tễ học này, Kraken đang gây ra các “ca nhập viện do Covid-19 lớn nhất trong gần một năm” ở New York (Mỹ).

Về phần mình, Tiến sĩ Maria Van Kerkhove của WHO lưu ý: "Chúng tôi lo ngại về lợi thế tăng trưởng của nó, đặc biệt là ở một số quốc gia ở châu Âu và Mỹ, đặc biệt là khu vực phía Đông Bắc của Mỹ, nơi XBB.1.5 đã nhanh chóng thay thế các biến thể đang lưu hành khác. Mối lo ngại của chúng tôi là mức độ lây nhiễm của nó và loại virus này càng lan rộng thì càng có nhiều cơ hội để biển đổi"

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Trung Quốc và số ca mắc dòng phụ XBB.1.5 tại Mỹ ngày càng tăng, WHO tiếp tục kêu gọi nâng cao cảnh giác trước dịch bệnh. Theo người phát ngôn của WHO Carla Drysdale, Ủy ban khẩn cấp chuyên cố vấn cho Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus sẽ họp vào ngày 27-1 tới để thảo luận về việc có tiếp tục duy trì tình trạng khẩn cấp toàn cầu do bùng phát đại dịch Covid-19 hay không. Hiện một số nhà khoa học hàng đầu và các chuyên gia WHO cho rằng còn quá sớm để tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp.

Theo Báo Tin tức 

.