Quốc tế

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ thúc đẩy cuộc gặp ba bên?

08:31, 10/01/2023 (GMT+7)

Quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Syria trở nên phức tạp, căng thẳng và khó đoán định từ khi bùng phát xung đột ở Syria năm 2011, đặc biệt khi Syria đề nghị sự hỗ trợ của quân đội Nga để giúp nước này chống lại lực lượng khủng bố Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Đáng chú ý, việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào Syria để tấn công lực lượng thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK) mà Ankara coi là tổ chức khủng bố, càng khiến nguy cơ đụng độ quân sự giữa các bên liên quan gia tăng đáng lo ngại.

Từ năm 2017, Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức 3 chiến dịch quân sự quy mô lớn ở Syria, trong đó thiết lập vùng đệm an ninh giữa các thành phố Azaz và Jerablus ở phía bắc Aleppo, chiếm đóng thành phố Afrin và kiểm soát khu vực biên giới phía đông sông Euphrates. Tiếp đến, tháng 6-2022, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố quân đội nước này sẽ tiến hành chiến dịch xuyên biên giới khác ở miền bắc Syria, tại các vùng lãnh thổ ở bờ tây và đông sông Euphrates hiện do người Kurd kiểm soát.

Tuy nhiên, trong động thái khá bất ngờ, ngày 15-12-2022, Đài phát thanh truyền hình Haberturk dẫn phát biểu của Tổng thống Erdogan cho biết, ông đã đề nghị Tổng thống Nga Vladimir Putin khởi xướng cơ chế ba bên giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Syria để cải thiện mối quan hệ căng thẳng lâu nay giữa Ankara với Damascus. Ý tưởng này được đưa ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ vừa triển khai chiến dịch không kích các căn cứ của lực lượng người Kurd ở miền bắc Syria và Iraq - những vị trí mà Ankara cho là đang được sử dụng để triển khai các cuộc tấn công khủng bố nhằm Thổ Nhĩ Kỳ. Chiến dịch được tiến hành một tuần sau vụ đánh bom ở Istanbul khiến 6 người thiệt mạng và 81 người bị thương ở trung tâm Istanbul. Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, đây là vụ khủng bố nghiêm trọng nhất từng xảy ra tại nước này trong 5 năm qua; đồng thời cho rằng thủ phạm là các thành viên thuộc đảng PKK. Tuy nhiên, PKK phủ nhận mọi cáo buộc. Tổng thống Erdogan còn cảnh báo có thể tiến hành chiến dịch quân sự trên bộ tại Syria.

Ngay sau tuyên bố của ông Erdogan, người đứng đầu cơ quan tình báo của Nga, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đã gặp nhau và theo sau đó là cuộc gặp giữa các Bộ trưởng Quốc phòng của ba bên tại Moscow ngày 28-12-2022. Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý rút lực lượng khỏi các khu vực bị chiếm đóng ở phía bắc Syria và tái cam kết tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Syria. Tiếp đó, ngày 30-12-2022, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu thông báo ông và hai người đồng cấp Syria và Nga có thể gặp nhau vào nửa cuối tháng 1-2023 tại một nước thứ ba. Đây là lần đầu tiên cuộc gặp như vậy được tổ chức từ khi xung đột bùng phát ở Syria; đồng thời là dấu hiệu mới nhất về triển vọng bình thường hóa quan hệ Ankara - Damascus.  Nhiều khả năng, các cuộc gặp thượng đỉnh ở cấp lãnh đạo sẽ được tổ chức.

Các nhà quan sát nhận định, việc Thổ Nhĩ Kỳ chủ động đề xuất cơ chế ba bên và bước đầu đồng ý rút quân khỏi Syria cho thấy Ankara đánh giá cao sự vững mạnh của liên minh Moscow - Damascus. Chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad thực sự đủ khả năng kiểm soát tình hình và có thể ngăn chặn không cho PKK cũng như các phần tử khủng bố khác xâm nhập phá hoại lãnh thổ Syria. Việc Ankara sớm bình thường hóa quan hệ với Damascus còn giúp củng cố vị thế chính quyền của Tổng thống al-Assad trong khu vực và trên thế giới. Mặt khác, đây là “tín hiệu ngầm” để Nga có thể an tâm tập trung nguồn lực ứng phó với cuộc xung đột ở Ukraine mà qua đó Ankara có thể hưởng nhiều lợi ích kinh tế từ Nga, nhất là khi hai bên tiến tới xây dựng trung tâm khí đốt cho châu Âu tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, động thái trên của Ankara chắc chắn sẽ chọc giận Mỹ cùng các đồng minh. Thực tế, Mỹ vẫn còn đồn trú quân đội tại Syria và duy trì các biện pháp trừng phạt cũng như từ chối thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ với Syria dưới chế độ Bashar al-Assad. Đây quả là bài toán thú vị của Tổng thống Erdogan từ cuộc gặp ba bên.

TUYẾT MINH

.