Ba loại vũ khí đã làm thay đổi cục diện xung đột Nga - Ukraine

.

Đây là ba loại vũ khí đã thực sự giúp thay đổi cục diện cuộc xung đột ở Ukraine qua các giai đoạn khác nhau.

Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) của quân đội Ukraine khai hỏa sát tiền tuyến ở vùng Kherson ngày 5/11. Ảnh: EPA/CNN
Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) của quân đội Ukraine khai hỏa sát tiền tuyến ở vùng Kherson ngày 5-11. Ảnh: EPA/CNN

Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa lực lượng của mình vào Ukraine cách đây một năm, hầu hết các nhà quan sát dự đoán một chiến thắng nhanh chóng cho họ.

Nhưng dự đoán ban đầu về thành công của Nga đã không thành hiện thực, theo các chuyên gia là bởi nhiều yếu tố, bao gồm ý chí chiến đấu, chiến thuật quân sự của phía Ukraine, và chủ yếu là nhờ nguồn cung cấp vũ khí của phương Tây.

Gần đây xuất hiện nhiều đánh giá về việc xe tăng hiện đại của phương Tây hay hệ thống phòng không Patriot có thể ảnh hưởng đến kết cục xung đột, nhưng những hệ thống này vẫn chưa được sử dụng ở Ukraine.

Tuy vậy, có những loại vũ khí khác đã thực sự giúp thay đổi cục diện cuộc chiến qua các giai đoạn khác nhau. Dưới đây là ba vũ khí quan trọng có ảnh hưởng như vậy, theo đánh giá của CNN:

Tên lửa chống tăng vác vai Javeline

Ngay từ đầu cuộc chiến, cả hai bên đều dự kiến các đoàn xe bọc thép của Nga sẽ bắt đầu tiến vào thủ đô Kiev của Ukraine chỉ trong vài ngày.

Người Ukraine cần thứ gì đó có thể ngăn chặn cuộc tấn công đó, và họ đã tìm thấy nó ở Javelin, một tên lửa chống tăng dẫn đường vác vai có thể được triển khai bởi một cá nhân.

Một phần sức hấp dẫn của Javelin nằm ở tính dễ sử dụng. Nhà sản xuất Lockheed Martin, đồng phát triển tên lửa với hãng Raytheon, giải thích: “Để khai hỏa, xạ thủ đặt con trỏ lên mục tiêu đã chọn. Sau đó, bộ phận chỉ huy phóng Javelin sẽ gửi tín hiệu khóa trước khi phóng tên lửa”.

Javelin là vũ khí “bắn và quên”. Ngay sau khi người điều khiển thực hiện cú bắn, họ có thể chạy tìm chỗ ẩn nấp trong lúc tên lửa còn đang tìm đường đến mục tiêu.

Điều này đặc biệt quan trọng trong những ngày đầu của cuộc xung đột vì quân Nga có xu hướng đi thành hàng khi tìm cách tiến vào các khu vực đô thị. Người điều khiển Javelin có thể bắn từ một tòa nhà hoặc sau một cái cây và biến mất trước khi quân Nga kịp bắn trả.

Theo hãng Lockheed Martin, Javelin cũng thể hiện rất tốt trong việc nhắm vào điểm yếu của xe tăng Nga bởi quỹ đạo của nó sau khi phóng sẽ cong lên trên rồi rơi xuống mục tiêu từ trên cao.

Điều này có thể được nhìn thấy trong những hình ảnh xe tăng Nga bị thổi bay tháp pháo thời kỳ đầu xung đột. Đó thường là do một quả tên lửa Javelin.

Tác động của Javelin lớn đến mức hai tháng rưỡi sau cuộc xung đột, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến thăm nhà máy sản xuất chúng ở Alabama, với những lời ca ngợi lực lượng công nhân đã giúp bảo vệ Ukraine.

Có một lợi thế khác đối với Javelin, đặc biệt thích hợp khi bắt đầu xung đột, đó là chúng được chấp nhận về mặt chính trị.

Michael Armstrong, Phó giáo sư tại Đại học Brock ở Ontario, nhận xét: “Chi phí thấp và việc sử dụng mang tính phòng thủ khiến chúng trở nên dễ dàng hơn về mặt chính trị đối với các quốc gia khác. Ngược lại, các chính phủ không chấp nhận việc gửi vũ khí tấn công đắt tiền hơn như máy bay chiến đấu”.

HIMARS

HIMARS có tên đầy đủ là Hệ thống Tên lửa phóng loạt cơ động cao M142. Đó là “một hệ thống vũ khí tấn công chính xác đặt trên bánh lốp, đã được kiểm chứng trong chiến đấu, trong mọi thời tiết, thời gian 24/7, phản ứng nhanh và chết chóc" - theo quân đội Mỹ.

Nói một cách dễ hiểu hơn, HIMARS là một chiếc xe tải 5 tấn chở theo một thiết bị có thể phóng sáu tên lửa gần như đồng thời, đẩy đầu đạn nổ vượt xa phía sau tiền tuyến, rồi nhanh chóng thay đổi vị trí để tránh bị phản công.

“Nếu Javelin là vũ khí mang tính biểu tượng trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, thì HIMARS là vũ khí mang tính biểu tượng của các giai đoạn sau", ông Mark Cancian, cố vấn cấp cao của Chương trình An ninh Quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), từng viết hồi tháng 1.

HIMARS bắn loại đạn được gọi là Hệ thống tên lửa phóng loạt dẫn đường (GMLRS) có tầm bắn từ 70 - 80 km. Và hệ thống dẫn đường GPS giúp chúng cực kỳ chính xác, trong phạm vi khoảng 10 mét so với mục tiêu đã định.

Tháng 7 năm ngoái, phóng viên người Nga Roman Sapenkov cho biết anh đã chứng kiến ​​một cuộc tấn công bằng HIMARS vào một căn cứ của Nga tại sân bay Kherson. “Tôi bị ấn tượng bởi thực tế là toàn bộ loạt, năm hoặc sáu quả tên lửa, đã hạ cánh gần như trên một đồng xu", Sapenkov viết.

Yagil Henkin, giáo sư tại Trường Chỉ huy và Tham mưu Lực lượng Phòng vệ Israel, nhận xét rằng HIMARS đã có hai tác động chính. Ông Henkin viết: “Các cuộc tấn công HIMARS đã buộc người Nga phải di chuyển các kho đạn dược của họ xa hơn về phía sau, do đó làm giảm hỏa lực sẵn có của pháo binh Nga gần tiền tuyến và khiến việc hỗ trợ hậu cần trở nên khó khăn hơn”. Theo ông, việc sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công các mục tiêu như cầu đã làm gián đoạn nỗ lực tiếp tế của Nga.

Máy bay không người lái Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất tại buổi diễn tập trước lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Độc lập ở Kiev, Ukraine, vào ngày 20/8/2021. Ảnh: AP
Máy bay không người lái Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất tại buổi diễn tập trước lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Độc lập ở Kiev, Ukraine, vào ngày 20-8-2021. Ảnh: AP

Máy bay không người lái Bayraktar TB2

Máy bay không người lái do Thổ Nhĩ Kỳ thiết kế đã trở thành một trong những phương tiện bay không người lái (UAV) nổi tiếng nhất thế giới do được sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine.

Nó tương đối rẻ, được chế tạo bằng các bộ phận có sẵn, tạo ra một "cú đấm" chết người và còn ghi lại cú đánh của mình qua video.

Những đoạn video đó cho thấy Bayraktar TB2 đã hạ gục thiết giáp, pháo binh và đường tiếp tế của Nga bằng tên lửa, rocket dẫn đường laser và bom thông minh mà nó mang theo.

“Các video lan truyền về TB2 là một ví dụ hoàn hảo về chiến tranh hiện đại trong thời đại TikTok", ông Aaron Stein, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, viết trên trang web của Hội đồng Đại Tây Dương.

Ông cho rằng Bayraktar TB2 không phải là một “vũ khí ma thuật”, nhưng nó “đủ tốt”.

Điểm yếu của TB2 là thiếu tốc độ và dễ bị phòng không phát hiện. Số liệu thống kê về chiến trường dường như chứng minh điều đó. Theo trang web tình báo nguồn mở Oryx, 17 trong số 40 - 50 chiếc TB2 mà Ukraine nhận được đã bị phá hủy trong chiến đấu.

Nhưng ông Stein nói rằng thiệt hại mà TB2 gây ra lớn hơn nhiều so với chi phí thấp của máy bay không người lái này.

Một kế hoạch thiết lập dây chuyền lắp ráp máy bay không người lái ở Ukraine đã được thực hiện ngay từ trước xung đột. Việc sử dụng máy bay không người lái có thể cứu mạng nhiều phi công Ukraine, những người lẽ ra phải thực hiện các nhiệm vụ.

Các báo cáo gần đây từ Ukraine cho thấy TB2 có thể đóng vai trò hạn chế hơn khi bị các lực lượng Nga tìm ra cách hóa giải, tuy nhiên những người ủng hộ thì nói rằng vũ khí này đã là "cứu tinh" khi tình thế của Ukraine bấp bênh nhất.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.