Tính đến 17 giờ ngày 27-2, ít nhất 61 người thiệt mạng trong vụ chìm thuyền chở người di cư ngoài khơi bờ biển miền nam nước Ý, trong đó có 12 trẻ em. Thảm kịch mới nhất tiếp tục gióng hồi chuông báo động về chính sách nhập cư của châu Âu và là lời thúc giục các bên liên quan cần hành động kiên quyết chống lại các kênh di cư bất hợp pháp.
Lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ sau vụ chìm thuyền chở người di cư ngoài khơi bờ biển miền nam nước Ý. Ảnh: AP |
Chiếc thuyền trên chở người di cư từ Afghanistan, Iran, Pakistan và một số nước khác, khởi hành từ Thổ Nhĩ Kỳ đã bị chìm ngoài khơi gần khu nghỉ dưỡng Steccato di Cutro ở vùng bờ biển phía đông Calabria, phần “mũi” của đất nước hình chiếc ủng, vào ngày 26-2 (giờ địa phương).
Bộ trưởng Nội vụ Ý Matteo Piantedosi cho biết, hơn 80 người may mắn sống sót, 20 người trong số này phải nhập viện, trong đó có 1 người cần được chăm sóc đặc biệt. Hiện, khoảng 20-30 người vẫn còn mất tích. Công tác tìm kiếm và cứu nạn vẫn đang được tiến hành khẩn trương nhưng gặp khó khăn do thời tiết bất lợi. Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif ngày 27-2 cho biết, hơn 20 công dân của nước này được cho là nằm trong số những người thiệt mạng.
Theo Reuters, dựa trên lời khai của những người sống sót, các nhà chức trách đoán rằng, có 180 - 200 người ở trên tàu vào thời điểm xảy ra sự cố. Các báo cáo ban đầu cho rằng, con tàu bị vỡ làm đôi do chở nặng và biển động nhưng những người sống sót cho biết ,có một vụ nổ xảy ra trên tàu. Chiếc thuyền gỗ bị hư hỏng nặng do mưa bão và biển động mạnh, với nhiều mảnh rải rác trên khoảng 300m bờ biển. Ngày 26-2, một người sống sót bị bắt vì cáo buộc buôn người di cư. Cảnh sát cũng đang hoàn tất việc bắt giữ thêm hai người nữa vì nghi ngờ dính líu với nghi can này.
Thảm kịch mới nhất xảy ra chỉ vài ngày sau khi Quốc hội Ý thông qua luật mới gây tranh cãi về áp đặt các quy định chặt chẽ hơn đối với các tổ chức phi chính phủ (NGO) giải cứu người di cư trên biển. Theo đó, điểm mấu chốt của luật mới là các tàu cứu nạn của NGO phải di chuyển và cập cảng không chậm trễ sau khi giải cứu được người di cư, thay vì lênh đênh trên biển để tìm kiếm thêm các thuyền chở người di cư gặp nạn khác rồi mới vào bờ. Tàu thuyền vi phạm sẽ chịu mức phạt có thể lên tới hơn 53.000 USD. Nếu vi phạm nhiều lần, phương tiện sẽ bị tịch thu.
Giới quan sát cho rằng, sự cứng rắn của Rome ở thời điểm này là dễ hiểu, khi từ đầu năm 2023 tới nay, có 12.667 người di cư trái phép bằng đường biển đến nước Nam Âu, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, Hội đồng châu Âu, Liên Hợp Quốc (LHQ) và một số tổ chức từ thiện chỉ trích quy định mới bởi nó sẽ cản trở giải cứu người di cư và có nguy cơ làm tăng số vụ chết đuối thương tâm ở trung Địa Trung Hải. Được biết, bà Giorgia Meloni giành ghế thủ tướng vào tháng 10-2022, một phần nhờ cam kết ngăn chặn dòng người di cư đến bờ biển nước này.
Vụ chìm tàu lần này tiếp tục làm bùng nổ tranh cãi gay gắt giữa các bên liên quan. Tổng thống Ý Sergio Mattarella cho biết, chính Liên minh châu Âu (EU) phải chịu trách nhiệm cụ thể trong việc giải quyết vấn đề di cư. Tương tự, ông Roberto Occhiuto, Thống đốc vùng Calabria, chỉ trích chính quyền EU vì đã không hành động quyết liệt trong việc giải quyết khủng hoảng di cư. “EU ở đâu khi nói đến việc đảm bảo an ninh và pháp lý?”, ông Occhiuto đặt câu hỏi; đồng thời nói thêm rằng những khu vực như vùng Calabria đã bị bỏ rơi và phải tự xử lý các trường hợp khẩn cấp liên quan đến người di cư.
Thủ tướng Meloni bày tỏ sự đau buồn sâu sắc về thảm kịch này và đổ lỗi cho những kẻ buôn người khi mang đến cho người di cư viễn cảnh hão huyền về hành trình an toàn đến “miền đất hứa” châu Âu; đồng thời cam kết ngăn chặn nạn di cư trên biển để tránh sự vụ tương tự; trước hết, bằng cách yêu cầu sự hợp tác tối đa từ các nơi mà người di cư khởi hành.
Ngày 26-2, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng kêu gọi đẩy nhanh cải cách các quy tắc tị nạn của EU, vốn đang bị đình trệ. Trong một tuyên bố, bà Leyen nhấn mạnh, EU phải tăng gấp đôi nỗ lực đối với Hiệp ước về Di cư và tị nạn cũng như Kế hoạch hành động ở Trung Địa Trung Hải. Có thể thấy, mỗi bên liên quan đang cố gắng bảo vệ lập trường cứng rắn về vấn đề di cư nhưng đến nay các bên chưa đi đến giải pháp khả thi nào để xử lý rốt ráo vấn nạn nhức nhối này.
Ý là một trong những điểm đến hàng đầu của những người di cư tìm cách vượt Địa Trung Hải sang châu Âu và đây là tuyến di cư nguy hiểm nhất thế giới. Nhiều người tới Ý để tìm cách đi tiếp đến các quốc gia Bắc Âu giàu có hơn. Theo dữ liệu của LHQ, hơn 20.300 người đã thiệt mạng hoặc mất tích ở Địa Trung Hải kể từ năm 2014. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, ước tính hơn 220 người đã thiệt mạng hoặc mất tích. |
THƯ LÊ