Đức - Ấn Độ tăng cường quan hệ đối tác chiến lược

.

Chuyến công du tới Ấn Độ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz tạo cơ hội thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược nhiều mặt giữa hai nước, đồng thời cho thấy chủ trương đa dạng hóa thương mại của Berlin để giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (bên phải) tiếp người đồng cấp Đức Olaf Scholz tại New Delhi, ngày 25-2. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (bên phải) tiếp người đồng cấp Đức Olaf Scholz tại New Delhi, ngày 25-2. Ảnh: Reuters

Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Scholz tới quốc gia Nam Á sau khi trở thành Thủ tướng Đức. Sự kiện này cũng đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của một thủ tướng Đức tới Ấn Độ kể từ khi cơ chế tham vấn liên chính phủ giữa hai nước bắt đầu từ năm 2011 nhằm tăng cường hợp tác an ninh và quốc phòng, hướng tới quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn và xây dựng hướng dẫn chiến lược cho hợp tác khoa học và công nghệ.

Tạo động lực mới trong hợp tác thương mại

The Hindu dẫn lời Thủ tướng Ấn Độ Modi tại cuộc hội đàm với người đồng cấp Đức Olaf Scholz ngày 25-2 cho biết: “Ấn Độ và Đức có mối quan hệ chặt chẽ dựa trên các giá trị dân chủ chung. Sự hợp tác ngày càng tăng giữa hai nền kinh tế lớn không chỉ mang lại lợi ích cho người dân của hai nước mà còn gửi đi thông điệp tích cực trong thế giới đầy căng thẳng hiện nay”.

Tại cuộc gặp, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng cường quan hệ song phương cũng như cam kết thúc đẩy ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Ấn Độ. Được biết, EU và Ấn Độ đang hướng đến hoàn tất đàm phán về FTA vào cuối năm 2023. FTA và các hiệp định bảo hộ đầu tư được kỳ vọng góp phần đáng kể vào việc mở rộng quan hệ thương mại Đức - Ấn Độ. Còn đối với EU, việc ký kết FTA với Ấn Độ phù hợp với chiến lược tăng cường sự can dự ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi khối này đang hướng tới các thỏa thuận song phương để tận dụng bước tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của khu vực năng động này.

DW dẫn lời cựu Đại sứ Ấn Độ tại Đức Gurjit Singh nhận định, bất kể kết quả thế nào, chuyến công du của ông Scholz có thể được coi là bước phát triển chiến lược quan trọng đối với Berlin trong bối cảnh mối quan hệ song phương ngày càng nồng ấm hơn. Chuyến thăm cho thấy chính phủ Đức đang tích cực đa dạng hóa quan hệ kinh tế, thương mại với mục tiêu giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Với quy mô dân số khoảng 1,4 tỷ dân và là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, Ấn Độ là đối tác hết sức quan trọng của Đức tại châu Á.

Gắn kết Ấn Độ với phương Tây

Có thể nói, thông qua chuyến thăm, ông Scholz muốn đưa Ấn Độ xích lại gần hơn với phương Tây. Theo ông Christian Wagner, chuyên gia của Viện Khoa học và chính trị Ðức, phương Tây đang thúc đẩy hợp tác với Ấn Ðộ nhằm giảm sự phụ thuộc của New Delhi vào Moscow.  Xét về mặt chính trị, không phải ngẫu nhiên chuyến thăm Ấn Độ lại diễn ra đúng lúc tròn một năm Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Trong suốt thời gian qua, bất chấp sức ép từ phương Tây, Ấn Độ vẫn kiên định lập trường trung lập, không tham gia trừng phạt nhằm vào Nga mà còn tiếp tục mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại với Moscow.

Theo bà Amrita Narlikar, Chủ tịch Viện Nghiên cứu khu vực và toàn cầu của Đức (GIGA), để “lôi kéo” Ấn Độ, Đức và phương Tây cần hai điều kiện tiên quyết chính: nỗ lực nhiều hơn để giải quyết các mối quan tâm của Nam bán cầu và người dân ở đây một cách bình đẳng; cung cấp cho Ấn Độ các lựa chọn thay thế khả thi cho sự phụ thuộc kinh tế và quân sự vào các cường quốc ngoài phương Tây.

Theo DW, Đức và Hàn Quốc đang chạy đua vị trí nhà cung cấp 6 tàu ngầm P-75I mới với tổng trị giá 5,2 tỷ USD cho Ấn Độ. Đây cũng là nỗ lực mới nhất của một cường quốc quân sự phương Tây nhằm kéo Ấn Độ khỏi Nga, nhà cung cấp vũ khí truyền thống của New Delhi. Ấn Độ đã xúc tiến đàm phán với Đức về thương vụ tàu ngầm để tăng cường khả năng phòng thủ hàng hải trong nỗ lực ứng phó với sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Các tàu ngầm này sẽ được chế tạo ở Ấn Độ với sự hợp tác của các nhà sản xuất quốc phòng nước ngoài.

Dự án cũng cho thấy mục tiêu của chính quyền Thủ tướng Modi muốn Ấn Độ sản xuất nhiều vũ khí hơn trong nước với sự hợp tác của các đối tác nước ngoài sau nhiều thập niên luôn là một trong những nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Ấn Độ đòi hỏi tàu ngầm phải sử dụng có pin nhiên liệu cùng với các yêu cầu chuyển giao công nghệ khá nghiêm ngặt. Những rào cản này khiến Tập đoàn Saab của Thụy Điển, Tập đoàn Hải quân của Pháp, Rosoboronexport của Nga và thậm chí là Navantia (Tây Ban Nha) rút lui khỏi thương vụ tàu ngầm, qua đó nhường lại cơ hội cho Berlin.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.