Tổng thống Iran thăm Trung Quốc: Chuyến đi đúng thời điểm

.

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi thăm Trung Quốc từ ngày 14 đến 16-2 theo lời mời của Tổng Bí Thư, Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm tạo động lực mới cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Trong chuyến công du nước ngoài hiếm hoi này, ông Raisi rất cần sự hỗ trợ của Bắc Kinh để tháo gỡ những tình thế bế tắc gần đây, trong đó có thỏa thuận hạt nhân.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bên phải) đón tiếp Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tại Bắc Kinh ngày 14-2. Ảnh: Xinhua
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bên phải) đón tiếp Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tại Bắc Kinh ngày 14-2. Ảnh: Xinhua

Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một Tổng thống Iran đến quốc gia Đông Bắc Á này trong hơn 20 năm qua, tiếp tục khẳng định chính sách “hướng Đông” của Tehran nhằm củng cố vị thế kinh tế, tăng cường ảnh hưởng trong khu vực.

Đưa hợp tác song phương lên tầm cao mới

Global Times dẫn lời Chủ tịch Tập Cận Bình tại cuộc hội đàm với Tổng thống Raisi ngày 14-2 khẳng định, Trung Quốc luôn nhìn nhận và phát triển quan hệ với Iran từ góc độ chiến lược. Bất kể tình hình quốc tế và khu vực thay đổi ra sao, Trung Quốc kiên định phát triển hợp tác hữu nghị với Iran, thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đóng vai trò tích cực đối với hòa bình thế giới và tiến bộ nhân loại. Trung Quốc ủng hộ Iran bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và phẩm giá quốc gia, ủng hộ cuộc chiến chống chủ nghĩa đơn phương, bá quyền và các thế lực bên ngoài can thiệp công việc nội bộ của Iran và phá hoại sự ổn định của nước này. Bắc Kinh cũng sẵn sàng làm sâu sắc quan hệ đối tác toàn diện thông qua tăng cường hợp tác ở nhiều lĩnh vực.

Về phần mình, Tổng thống Raisi cho biết, quan hệ hữu nghị song phương ngày càng bền chặt hơn. Là hai nước lớn độc lập, quan hệ Trung Quốc - Iran dựa trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau và là đối tác chiến lược chân thành đáng tin cậy của nhau. Iran hoan nghênh nhiều nhà đầu tư và du khách Trung Quốc đã chọn Iran là điểm đến; đồng thời nhất trí ủng hộ các sáng kiến Vành đai và Con đường phát triển toàn cầu và an ninh toàn cầu do Bắc Kinh khởi xướng.

Sau cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo chứng kiến lễ ký kết một số văn kiện hợp tác song phương trong các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, du lịch, bảo vệ môi trường, y tế, cứu trợ thiên tai, văn hóa và thể thao. Tân Hoa xã cho biết, hai bên sẽ ra tuyên bố chung. Các chuyên gia Trung Quốc nhận định, trái ngược với ảnh hưởng suy yếu của Mỹ ở Trung Đông, các nước trong khu vực này, trong đó có Iran, đang tìm kiếm các mối quan hệ đa dạng hóa với các nước khác, điều này mang ý nghĩa tích cực cho việc xây dựng một thế giới đa cực. Iran đang tiến một bước gần hơn tới việc gia nhập Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), qua đó giúp nâng tầm ảnh hưởng của nước này.

Cứu vãn thỏa thuận hạt nhân

Các chuyên gia nhận định, chuyến thăm của ông Raisi diễn ra đúng thời điểm chín muồi khi giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện hiệp ước hợp tác chiến lược ở nhiều lĩnh lực trong 25 năm mà hai nước đã ký vào năm 2021. Theo đó Trung Quốc sẽ đầu tư hàng tỷ USD vào lĩnh vực dầu khí của Iran để đổi lấy việc cung cấp dầu và các sản phẩm hóa dầu. Đây là bước đi giúp Tehran phá vỡ lệnh phong tỏa kinh tế do Mỹ đứng đầu, tháo gỡ sự cô lập và tạo phát triển đột phá thông qua hợp tác thương mại, đầu tư và năng lượng với Trung Quốc. Iran hiện nắm giữ trữ lượng dầu lớn thứ ba và khí đốt tự nhiên lớn thứ hai thế giới nhưng lệnh trừng phạt của Mỹ đã làm tê liệt phần lớn hoạt động xuất khẩu năng lượng của nước này. Gần đây, Washington áp đặt lệnh trừng phạt đối với 7 cá nhân Iran với cáo buộc họ tham gia chương trình máy bay không người lái và tên lửa đạn đạo của Tehran mà Nga đang sử dụng để nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng quan trọng ở Ukraine.

Đáng chú ý, phái đoàn tháp tùng Tổng thống Raisi trong chuyến thăm có nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu của Iran. Do vậy, không khó để nhận ra khả năng ông Raisi muốn tìm sự trợ giúp của Trung Quốc để hồi sinh thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký với nhóm P5+1 (gồm Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Mỹ và Đức) trước khi “khe cửa hẹp” của cơ hội đóng lại. Được biết, Trung Quốc đóng vai trò quan trọng để các bên đạt thỏa thuận năm vào 2015.

Tại cuộc gặp ngày 14-2 với ông Raisi, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh, Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc nối lại đàm phán toàn diện về văn kiện quan trọng này và hỗ trợ Iran bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, giúp vấn đề hạt nhân sớm được giải quyết.

Trong khi đó, Nga - một bên ký kết trong thỏa thuận - đang đối đầu gay gắt với Mỹ và các cường quốc phương Tây khác do xung đột ở Ukraine. Nhiều khả năng Moscow sử dụng các cuộc đàm phán hạt nhân như con bài mặc cả mới với phương Tây. Do vây, việc xích lại gần Trung Quốc cũng cho thấy Iran không muốn tiến trình đàm phán hạt nhân “trật bánh”.

Trung Quốc và Iran thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện năm 2016. Theo IRNA, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Iran. Số liệu thống kê 10 tháng qua của Hải quan Iran cho biết, kim ngạch xuất khẩu của nước này sang Trung Quốc đạt 12,6 tỷ USD, trong khi nhập khẩu lượng hàng hóa trị giá 12,7 tỷ USD.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.