Ukraine mong đợi gì từ EU lúc này?

.

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU)-Ukraine diễn ra tại thủ đô Kiev ngày 3-2 (giờ địa phương) thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận khi phát đi thông điệp mạnh mẽ về lập trường không dao động của EU trong việc hỗ trợ Ukraine trong bối cảnh có đồn đoán Nga chuẩn bị tấn công quy mô lớn khi chiến dịch sắp tròn một năm.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (bên trái) chào đón Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen tại Kiev ngày 2-2. Ảnh: Reuters
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (bên trái) chào đón Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen tại Kiev ngày 2-2. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, cảnh báo không kích vang lên khắp Ukraine khi hội nghị thượng đỉnh sắp bắt đầu tại Kiev. Trong bối cảnh chiến sự căng thẳng như vậy, nước Đông Âu này vẫn kỳ vọng về những món quà mà EU đã hứa hẹn. “Chúng tôi ở đây cùng nhau để chứng tỏ rằng EU luôn sát cánh bên Ukraine và để tăng cường hơn nữa sự hỗ trợ và hợp tác của chúng tôi”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen khẳng định sau cuộc gặp trước thềm hội nghị với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 2-2.

Đường vào “mái nhà chung” còn xa

Theo truyền thông quốc tế, hội nghị tập trung thảo luận tiến trình đàm phán gia nhập EU sau khi Ukraine thực hiện tất cả các khuyến nghị của EC. Trước đó, tháng 6-2022, EU cấp quy chế ứng cử viên cho Ukraine. Song, nguồn tin trong phái đoàn châu Âu dự hội nghị tiết lộ với hãng TASS rằng, dù ghi nhận Ukraine đã trải qua hành trình dài, đạt được tiến bộ trong cải cách nhưng EU hiện tại không có ý định rút ngắn quy trình gia nhập của Kiev. Điều này cho thấy EU chỉ có thể cho Ukraine gia nhập cộng đồng châu Âu sau khi xung đột chấm dứt. Theo bản dự thảo tuyên bố chung sau hội nghị mà Reuters có được, Kiev sẽ nhận các cam kết hỗ trợ tài chính, quân sự và chính trị nhiều hơn từ EU trong thời gian tới nhưng sẽ không có lời hứa cho gia nhập nhanh chóng vào khối giàu có này.

Ngày 2-2, trước thềm hội nghị, Ukraine chứng kiến hàng loạt động thái hỗ trợ từ EU, trong đó phải kể đến việc khối này “bật đèn xanh” cho Kiev gia nhập Chương trình Thị trường chung (SMP) với ngân sách 4,2 tỷ euro. Đây là chương trình tài trợ của EU nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, giúp thị trường nội bộ EU phát huy hết tiềm năng và đảm bảo sự phục hồi của châu Âu sau Covid-19. Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho rằng, việc ký kết thỏa thuận trên sẽ giúp phát triển khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nước này bằng cách đảm bảo chuyển đổi xanh và kỹ thuật số. Hai bên cũng thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Theo Thủ tướng Shmyhal, Ukraine cũng đang tìm cách gia hạn cơ chế thương mại miễn thuế với EU đến cuối năm 2024. Cơ chế thương mại ưu đãi giữa Ukraine và EU, gồm bãi bỏ thuế quan và hạn ngạch đối với hàng hóa công nghiệp và thực phẩm của Ukraine, có hiệu lực từ tháng 6-2022. Ngoài ra, Hội đồng châu Âu nhất trí cung cấp cho Ukraine gói hỗ trợ quân sự thứ bảy trị giá 500 triệu euro cùng 45 triệu euro cho hoạt động đào tạo của Phái bộ hỗ trợ quân sự của EU tại quốc gia này (EUMAM Ukraine).

EU sẽ có gói trừng phạt thứ 10 lên Nga

Phát biểu tại cuộc họp báo chung ngày 2-2 với bà Leyen, ông Zelensky thúc giục EU đẩy mạnh tốc độ trừng phạt Nga khi hiện nay có dấu hiệu cho thấy động lực của nó đã chậm lại một chút. Về vấn đề này, bà Leyen tiết lộ: “Chúng tôi sẽ nêu với các đối tác trong nhóm Các nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) một mức trần giá bổ sung với các sản phẩm xăng dầu của Nga. Đến ngày 24-2, đúng một năm kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt bắt đầu, chúng tôi đặt mục tiêu sẽ áp dụng gói trừng phạt thứ 10 với Nga”. Bà Leyen cho biết, các biện pháp trừng phạt hiện tại đang đẩy nền kinh tế của Nga chậm lại trong khoảng thời gian bằng cả một thế hệ. Chỉ riêng mức trần giá dầu hiện tại đã khiến Nga thiệt hại khoảng 160 triệu euro mỗi ngày. Tuy nhiên, theo nhận định của Reuters, vòng trừng phạt tiếp theo của EU đối với Nga được cho là sẽ không đáp ứng được kỳ vọng của Ukraine.

Kể từ khi xung đột nổ ra, EU áp đặt trừng phạt chưa từng có nhắm vào lĩnh vực tài chính và quốc phòng của Nga, hạn chế thương mại và đưa vào danh sách đen khoảng 1.500 người và tổ chức liên quan. Tuy nhiên, mối quan hệ kinh doanh giữa thành viên trong khối và Nga bị ảnh hưởng và 27 quốc gia EU dường như đã cạn kiệt phạm vi áp dụng trừng phạt kinh tế mạnh mẽ lên Moscow.

Ngày 2-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ trích việc Mỹ và đồng minh cung cấp xe tăng cho Ukraine; đồng thời cảnh báo đáp trả mạnh mẽ trước động thái này của phương Tây. “Một lần nữa nước Nga lại bị đe dọa bởi những chiếc xe tăng Leopard của Đức. Chúng tôi không gửi xe tăng tới biên giới của họ nhưng chúng tôi có cái gì đó để đáp trả, và sẽ không chỉ là sử dụng xe bọc thép”, Tổng thống Putin nhấn mạnh.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.