Vì sao Ấn Độ hợp tác với Mỹ về công nghệ mũi nhọn?

.

Nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc, nhất là về công nghệ, cách đây vài tháng, Washington đơn phương áp đặt biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip, cấm công ty Mỹ bán thiết bị sản xuất linh kiện bán dẫn tiên tiến cho các tập đoàn Trung Quốc. Đi cùng với động thái này, Mỹ tăng cường hợp tác với các nước có công nghệ cao về chip bán dẫn để tạo thế bao vây, cấm vận.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đàm phán với nhiều đồng minh trong hai năm qua nhưng vấp phải sự phản đối vì các nước này lo ngại các công ty chế tạo máy công cụ sản xuất chip của chính mình sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, mới đây, Hà Lan và Nhật Bản cùng tham gia dự án của Washington về hạn chế xuất khẩu chip cao cấp sang Trung Quốc và đạt thỏa thuận tại Nhà Trắng ngày 27-1. Đặc biệt, ngày 31-1, Washington và New Delhi khởi động dự án công nghệ mũi nhọn; trong đó chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ quân sự là ba lĩnh vực hàng đầu. Đây được xem là điểm nhấn rất quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ.

Đến nay, Ấn Độ vẫn duy trì chính sách không liên kết về quân sự. Tuy nhiên, Financial Times dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết, Ấn Độ quyết tâm hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ vì căng thẳng biên giới với Trung Quốc, đặc biệt vụ đụng độ tại thung lũng Galwan năm 2020, đặt ra thách thức nghiêm trọng cho đất nước. Mặt khác, Ấn Độ đang tăng cường năng lực công nghệ trong nước do lo ngại về sự dẫn đầu của Trung Quốc trong lĩnh vực trọng yếu. New Delhi đang tập trung xây dựng công nghiệp bán dẫn và thúc đẩy các lĩnh vực mới nổi vốn đang đi sau Trung Quốc, gồm xe ô-tô điện và viễn thông. Chính quyền Ấn Độ muốn Apple, Samsung và nhiều công ty đa quốc gia khác đầu tư nhiều hơn vào nước này trong lúc họ tìm cách chuyển một phần chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc.

Trong khi đó, sự hợp tác với Mỹ sẽ tạo đà cho Ấn Độ có vị thế nhất định trên lĩnh vực công nghệ mũi nhọn. Tại cuộc gặp giữa Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và người đồng cấp Ấn Độ Ajit Doval tại Washington ngày 31-1, hai nước nhất trí thúc đẩy một loạt dự án hợp tác trong các lĩnh vực gồm máy tính lượng tử, AI, chuỗi cung ứng các sản phẩm bán dẫn, mạng không dây 5G, 6G và đặc biệt là cơ chế tạo điều kiện phát triển và sản xuất vũ khí chung.

Mỹ - Ấn Độ cũng khởi động sáng kiến “Cầu nối đổi mới”, cho phép kết nối các công ty khởi nghiệp quốc phòng của hai nước. Đây là bước đầu tiên trong việc thực thi ‘‘Sáng kiến Mỹ - Ấn Độ về Công nghệ trọng yếu và mới nổi’’ (iCET) vốn được Tổng thống Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đưa ra hồi tháng 5-2022. Theo ông Jake Sullivan, tinh thần chính của iCET, trước hết đối với chính quyền Mỹ - Ấn Độ, “là ván bài chiến lược’’ khi các hợp tác mật thiết mang tính hệ thống phục vụ lợi ích chiến lược, kinh tế và công nghệ của đôi bên.

Trung Quốc ngay lập tức có phản ứng về dự án trên. Ngày 1-2, Global Times dẫn lời một chuyên gia thuộc Viện Quan hệ quốc tế Đương đại Trung Quốc cho rằng: ‘‘Mỹ muốn bắn một mũi tên trúng hai đích bằng cách lôi kéo Ấn Độ tham gia sáng kiến của mình nhằm ngăn chặn sự phát triển công nghệ của Trung Quốc”. iCET là một phần trong chiến lược của Mỹ nhằm bao vây Trung Quốc bằng cách thúc ép các nước khác phải chọn phe và hình thành nhiều liên minh nhỏ nhằm loại trừ Trung Quốc vì họ coi Bắc Kinh là đối thủ chính.

Mặt khác, Mỹ muốn lợi dụng mối bất hòa giữa Trung Quốc và Ấn Độ trong những năm gần đây để thổi bùng căng thẳng và giảm sự phụ thuộc của Ấn Độ vào Nga. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, ‘‘giấc mộng’’ của Mỹ rất khó thành công vì Ấn Độ với chính sách không liên kết sẽ khó lòng đi theo kịch bản của Mỹ. Hơn nữa, Ấn Độ và Trung Quốc có nhiều lợi ích trong hợp tác kinh tế song phương và khu vực; và với cơ sở hạ tầng công nghiệp lạc hậu của Ấn Độ, sẽ chỉ có quy mô nhỏ trong hợp tác công nghệ cao mà thôi?!

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.