Tổng tài sản ròng của những người giàu nhất nước Nga đã tăng 10,4 tỷ USD kể từ đầu năm bất chấp các lệnh trừng phạt chưa từng có của phương Tây đối với giới doanh nhân nước này.
Siêu du thuyền của một tỷ phú Nga bị Đức tịch thu. Ảnh: superyachttime |
Theo đài RT ngày 6-3, thông tin trên dựa theo Chỉ số Tỷ phú của Bloomberg.
Theo đó, ông Vladimir Potanin, chủ sở hữu công ty khai mỏ Norilsk Nickel, một lần nữa trở thành doanh nhân giàu nhất nước Nga trong danh sách trên với tài sản ước tính trị giá 28,5 tỷ USD.
Ông Leonid Mikhelson, đồng sở hữu nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn thứ hai của Nga Novatek, đứng thứ hai trong danh sách. Ông đã kiếm thêm được 516 triệu USD, nâng giá trị tài sản ròng lên tới 25,1 tỷ USD.
Ông Vladimir Lisin, cổ đông lớn của công ty thép NLMK của Nga, là doanh nhân Nga giàu thứ ba. Ông đã kiếm thêm 905 triệu USD kể từ đầu năm, tăng tài sản lên 20,8 tỷ USD.
Theo sau ông Lisin là Alexey Mordashov, Chủ tịch tập đoàn thép Severstal, người đứng thứ tư trong bảng xếp hạng với tổng tài sản là 20,2 tỷ USD. Giá trị tài sản ròng của ông đã tăng thêm 1,54 tỷ USD.
Ông Alisher Usmanov, đồng sở hữu nhà khai thác di động Megafon, đã tăng tài sản thêm 738 triệu USD trong hai tháng qua, lên 19,2 tỷ USD và đứng ở vị trí thứ năm.
Danh sách những người giàu nhất nước Nga còn có ông chủ cũ của Lukoil là Vagit Alekperov, người có tài sản tăng nhiều nhất kể từ đầu năm khi bỏ túi thêm 2,43 tỷ USD vào khối tài sản 17,8 tỷ USD.
Chỉ số Tỷ phú Bloomberg là bảng xếp hạng 500 người giàu nhất thế giới và được tính toán dựa trên giá cổ phiếu của các công ty mà họ sở hữu. Danh sách hiện bao gồm 22 người Nga.
Hồi năm 2022, các nước phương Tây có nhiều động thái tìm cách tịch thu tài sản của các tỷ phú Nga để tái thiết Ukraine.
Thượng viện Mỹ đã “bật đèn xanh” cho phép chính quyền của Tổng thống Joe Biden tịch thu tài sản của các quan chức, doanh nhân và tổ chức Nga tại Mỹ, cũng như gửi số tiền thu được để tái thiết Ukraine.
Luật sửa đổi cho phép Bộ Tư pháp Mỹ bán bớt tài sản của các nhà tài phiệt và các tổ chức Nga bị trừng phạt, từ đó có tiền giúp đỡ Ukraine.
Theo số liệu từ Hội đồng Tư vấn Atlantic, Mỹ đã trừng phạt hàng nghìn cá nhân, thực thể Nga. Tuy nhiên, tổng giá trị tài sản mà Mỹ thu giữ đối với những cá nhân này chưa được công bố.
Trong khi đó, tổng giá trị tài sản các cá nhân Nga bị đóng băng tại các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) lên tới khoảng 20 tỷ USD. Song các quan chức Mỹ và EU vẫn chưa tìm ra cách hợp pháp nào để thu giữ những tài sản này, phần lớn được hình thành từ ngoại tệ.
Năm 2022, chính phủ Canada tuyên bố kế hoạch tịch thu tài sản của tỉ phú Nga Roman Abramovich. Trong khi đó, EU tích cực thảo luận cách thu giữ tài sản của Nga ở nước ngoài một cách hợp pháp, bao gồm của nhà nước và tư nhân, đang bị đóng băng do lệnh trừng phạt.
Để giúp việc thu giữ tài sản của các cá nhân Nga dễ dàng hơn, ngày 2-12-2022, EU đã đưa ra một đạo luật xác định việc giúp Nga trốn tránh các lệnh trừng phạt sẽ bị coi là phạm tội theo luật của EU. Tuy nhiên, theo một quan chức EU giấu tên, nếu không có mối liên kết với việc phạm tội rõ ràng, thì sẽ không thể tịch thu tiền thuộc về một cá nhân.
Về phần mình, Nga chỉ trích mạnh mẽ việc các quốc gia phương Tây thu giữ tài sản của nước này. Chính quyền Moskva đã từng nhiều lần gọi ý định của EU nhằm tịch thu tài sản Nga là bất hợp pháp và cho rằng đó là hành vi trộm cắp.
Phản ứng lại, hồi tháng 7-2022, tỷ phú Roman Abramovich và các nhà tài phiệt khác của Nga đã khởi kiện EU tại một tòa án châu Âu. Nhóm doanh nhân này cáo buộc các lệnh trừng phạt xâm phạm quyền của họ. Thậm chí một số nhà tài phiệt còn đòi EU bồi thường.
Theo Baotintuc.vn