Bước ngoặt hàn gắn quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc

.

Hàn Quốc công bố kế hoạch dùng quỹ do tư nhân tài trợ để bồi thường cho các công dân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động trong thời chiến, thay vì đòi tiền từ các công ty Nhật Bản. Đây được xem là bước đột phá để chấm dứt lục đục bấy lâu vốn kìm hãm quan hệ song phương về mọi mặt từ thương mại đến an ninh.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (bên trái) gặp Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại Campuchia tháng 11-2022.Ảnh: Yonhap
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (bên trái) gặp Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại Campuchia tháng 11-2022.Ảnh: Yonhap

Thành tựu ngoại giao nổi bật

Ngày 5-3, Hàn Quốc và Nhật Bản thống nhất lập “Quỹ Thanh niên tương lai” để tài trợ học bổng cho sinh viên như một phần của thỏa thuận song phương để chấm dứt vấn đề tranh chấp về bồi thường cho các công dân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên giai đoạn 1910-1945. Quỹ sẽ do Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc (FKI) và Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren) thành lập. Dự kiến, các công ty Hàn Quốc được hưởng lợi từ thỏa thuận giải quyết khiếu nại Hàn Quốc-Nhật Bản năm 1965 sẽ thay mặt chi trả tiền bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động. Trong khi đó, Tokyo sẽ công bố lập trường cho phép  công ty Nhật Bản tự nguyện tham gia quỹ.

Thỏa thuận lịch sử được xem là thành tựu ngoại giao nổi bật của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol bởi nó được xem là chìa khóa cải thiện và thúc đẩy quan hệ Tokyo - Seoul dựa trên hòa giải và hợp tác sau nhiều năm căng thẳng. Theo Bloomberg, hai bên đã công bố các cuộc đàm phán về việc dỡ bỏ các hạn chế thương mại được áp đặt gần 4 năm trước. Theo đó, Tokyo sẽ dỡ hạn chế đối với một số mặt hàng công nghệ xuất khẩu Hàn Quốc và nối lại các chuyến thăm cấp cao. Tương tự, Seoul sẽ rút đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới về biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Nhật Bản đối với hóa chất được sử dụng để sản xuất màn hình điện thoại thông minh, màn hình TV và chất bán dẫn; đồng thời thúc đẩy đàm phán thương mại với Tokyo để dỡ bỏ chúng.

Trước đó, căng thẳng trong quan hệ song phương gia tăng sau khi tòa án Hàn Quốc năm 2018 ra phán quyết yêu cầu hai công ty Nippon Steel và Mitsubishi (Nhật Bản) bồi thường cho nạn nhân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động nhưng các doanh nghiệp này đều từ chối khi cho rằng mọi vấn đề bồi thường đã được giải quyết theo hiệp định năm 1965 về bình thường hóa quan hệ song phương với gói bồi thường 800 triệu USD dưới dạng trợ cấp và các khoản vay lãi suất thấp cho Hàn Quốc. Được biết, khoảng 780.000 người Hàn Quốc đã bị các công ty Nhật Bản cưỡng bức lao động trong 35 năm.

Vì sao Hàn Quốc “chìa cành ôliu” với Nhật Bản?

Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin cho rằng: “Hợp tác Hàn Quốc - Nhật Bản rất quan trọng ở tất cả lĩnh vực từ ngoại giao, kinh tế đến an ninh. Do vậy, vòng luẩn quẩn nên được phá vỡ vì lợi ích của người dân ở cấp độ lợi ích quốc gia, hơn là để mặc mối quan hệ căng thẳng trong thời gian dài”. Trong khi đó, Mỹ hoan nghênh động thái làm hòa này. “Thỏa thuận đánh dấu chương mới mang tính đột phá về hợp tác giữa hai đồng minh thân cận nhất của Mỹ, qua đó giúp liên minh của chúng ta duy trì và thúc đẩy tầm nhìn chung về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói. Một nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản cho biết, Mỹ đã thúc ép cả hai nước hòa giải nhưng yếu tố chính thúc đẩy Tổng thống Yoon Suk Yeol đưa ra kế hoạch trên là mối đe dọa địa chính trị từ Triều Tiên.

Bloomberg nhận định, giải quyết căng thẳng giữa Tokyo và Seoul càng trở nên cấp bách hơn đối với Mỹ và các đồng minh khi họ cố gắng thành lập mặt trận thống nhất hơn để ứng phó với sự hiện diện gia tăng của Trung Quốc và các mối đe dọa từ chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, nhất là trong bối cảnh Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. “Sự hợp tác ba bên giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản trở nên quan trọng hơn bao giờ hết để vượt qua các cuộc khủng hoảng an ninh toàn cầu phức tạp”, Tổng thống Yoon Suk Yeol nói.

Tuy nhiên, động thái khôi phục quan hệ với Nhật Bản cho thấy canh bạc chính trị đối với Tổng thống Yoon Suk Yeol bởi thỏa thuận đã vấp phải phản ứng dữ dội từ phe đối lập khi họ cho rằng đó là chiến thắng hoàn toàn cho Nhật Bản. Đáng chú ý, chính phủ Hàn Quốc cho biết họ cũng không tìm kiếm lời xin lỗi từ Nhật Bản, điều mà các nạn nhân lao động cưỡng bức yêu cầu. Ông Cheon Seong-whun, cựu thư ký an ninh tại Nhà Xanh, lo ngại mức tín nhiệm của Tổng thống Yoon Suk Yeol sẽ hạ xuống và động lực theo đuổi thỏa thuận này cũng có thể giảm dần. Theo Yonhap, nhà lãnh đạo Hàn Quốc có thể đến Nhật Bản để hội đàm với Thủ tướng Kishida Fumio cuối tháng này về việc thực hiện thỏa thuận.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.