Iran-Saudi Arabia khôi phục quan hệ

.

Iran và Saudi Arabia nhất trí tái thiết lập quan hệ ngoại giao sau 7 năm cắt đứt. Động thái này tác động sâu rộng đến nhiều nước khu vực Trung Đông, đồng thời làm giảm nguy cơ xung đột vũ trang giữa các đối thủ trong khu vực.

Theo IRNA, tuyên bố trên được đưa ra sau cuộc đàm phán bí mật trong nhiều ngày tại Trung Quốc. Trong tuyên bố, Tehran và Riyadh đồng ý mở lại các đại sứ quán và cơ quan đại diện hai nước trong thời hạn không quá hai tháng. Thỏa thuận cũng bao gồm việc các bên khẳng định tôn trọng chủ quyền của nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ. Iran và Saudi Arabia cũng nhất trí kích hoạt hiệp định hợp tác an ninh ký kết năm 2001, cũng như hiệp định khác trước đó về thương mại, kinh tế và đầu tư.

Hai nước gửi lời cảm ơn tới Iraq và Oman vì đã nỗ lực làm trung gian tổ chức các cuộc hòa giải giữa Riyadh và Tehran trong các năm 2021 và 2022 cũng như các quan chức Trung Quốc đã tổ chức và ủng hộ cuộc đàm phán đi đến kết quả khả quan lần này. Nhiều nước, trong đó có Mỹ, hoan nghênh quyết định làm hòa giữa Iran và Saudi Arabia khi góp phần đáp ứng nguyện vọng của người dân trong khu vực trong việc hướng tới thịnh vượng, phát triển và ổn định.

Quan hệ ngoại giao Iran - Saudi Arabia bị gián đoạn sau khi xảy ra vụ việc người biểu tình Iran tấn công trụ sở các phái đoàn ngoại giao Saudi Arabia tại nước này vào năm 2016 liên quan tới việc Riyadh tử hình Giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite Nimr al-Nimr. Ngoài ra, hai nước còn bất đồng trong nhiều vấn đề, hỗ trợ các phe phái khác nhau ở những vùng xung đột như Yemen, đồng thời cạnh tranh ảnh hưởng ở Syria, Lebanon và Iraq. Động thái khôi phục quan hệ được cho là sẽ có ảnh hưởng sâu rộng tới bức tranh địa chính trị ở khu vực Trung Đông.

Cả Saudi Arabia và Iran đều bị lôi kéo sâu vào cuộc nội chiến kéo dài ở Yemen. Các nhà ngoại giao đang tìm cách chấm dứt cuộc xung đột vốn đã gây ra một trong những thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất thế giới. Thỏa thuận khôi phục quan hệ Iran - Saudi Arabia có thể thúc đẩy nỗ lực chấm dứt xung đột tại Yemen. Tại Lebanon, Iran từ lâu ủng hộ lực lượng Hezbollah hùng mạnh của người Shiite, trong khi Saudi Arabia ủng hộ các chính trị gia người Sunni.

Căng thẳng giữa Riyadh và Tehran được hóa giải có thể giúp thúc đẩy hòa giải chính trị ở Lebanon, quốc gia đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính chưa từng có. Tại Syria, Iran đã ủng hộ Tổng thống Bashar Assad, trong khi Saudi Arabia lại nghiêng về quân nổi dậy đang tìm cách lật đổ chính phủ. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, đặc biệt là sau trận động đất kinh hoàng vừa qua ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, các quốc gia Arab đã xích lại gần hơn với ông Assad. Thỏa thuận ngoại giao lần này có thể khiến Riyadh “mềm mỏng” hơn với chính quyền Damascus.

Trong khi đó, đối với Israel, việc Arab Saudi và Iran khôi phục quan hệ ngoại giao được cho là thất bại trong chính sách đối ngoại. Israel từ lâu muốn bình thường hóa quan hệ với Saudi Arabia, nhưng Iran lại là đối thủ hàng đầu của Tel Aviv. Lãnh đạo phe đối lập tại Israel Yair Lapid nói: “Diễn biến trên là thắng lợi ngoại giao của Iran nhưng thực sự nghiêm trọng và nguy hiểm với Israel khi tạo đòn giáng nặng nề vào nỗ lực thiết lập một liên minh đối phó Tehran tại khu vực”.

NGHI VĂN

;
;
.
.
.
.
.