Tuần qua, trên thế giới xuất hiện các sự kiện nổi bật như sau: Chủ tịch Trung Quốc thăm Nga; FED nâng lãi suất 0,25%; Chiến sự Ukraine diễn biến nguy hiểm; Xôn xao tin đồn bắt giữ cựu Tổng thống Trump và Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân dưới nước mới.
Hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga tại một sự kiện chung ở Moskva. Ảnh: AFP/TTXVN |
Chủ tịch Trung Quốc thăm Nga đầu tiên sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ 3
Hôm 20-3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thủ đô Moskva, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước Nga trong 3 ngày. Đây là quốc gia đầu tiên mà ông Tập Cận Bình đến thăm sau khi được tái đắc cử chức vụ Chủ tịch Trung Quốc nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp vào ngày 10-3 vừa qua.
Chuyến công du của ông Tập Cận Bình được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự ổn định toàn cầu trên nền tảng mối quan hệ quốc tế kiểu mới, đi tiên phong trong việc phát triển quan hệ nước lớn với lòng tin chiến lược và là láng giềng tốt.
Kết thúc chương trình làm việc, tổng cộng hai bên đạt được 14 tuyên bố, nghị định thư, bản ghi nhớ và thỏa thuận. Phát biểu với các phóng viên sau cuộc hội đàm, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đang ở "điểm cao nhất trong lịch sử" và hợp tác kinh tế và thương mại là ưu tiên của cả hai chính phủ.
Trong hai tuyên bố chung, Nga và Trung Quốc cam kết làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác toàn diện và tương tác chiến lược bước vào một kỷ nguyên mới, đồng thời xây dựng một kế hoạch phát triển cho các lĩnh vực hợp tác kinh tế chủ chốt đến năm 2030.
Về cuộc khủng hoảng Ukraine, ngày 21-3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh đến việc giải quyết xung đột thông qua đối thoại. Hai bên khẳng định cần tuân thủ các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc cũng như tôn trọng luật pháp quốc tế. Phía Nga đánh giá tích cực lập trường khách quan của Trung Quốc về vấn đề Ukraine.
Hai bên phản đối hành vi của bất kỳ quốc gia hoặc nhóm quốc gia nào tìm kiếm lợi thế về quân sự, chính trị và các lĩnh vực khác gây phương hại đến lợi ích an ninh chính đáng của các quốc gia khác.
Theo tờ Politico ngày 24-3, ngay sau chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, một số nhà lãnh đạo châu Âu đã công bố kế hoạch đến Bắc Kinh.
FED tăng lãi suất thêm 0,25%
Trụ sở Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tại Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN |
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) ngày 22-3 đã tăng lãi suất cho vay thêm 0,25%, nâng mức lãi suất cơ bản lên 4,75 - 5,00%, đúng như dự kiến của các chuyên gia và nhà đầu tư. FED giải thích quyết định trên nhằm duy trì chính sách giải quyết lạm phát cao, đồng thời cảnh báo rằng những rắc rối liên quan đến ngành ngân hàng gần đây có thể ảnh hưởng đến các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Tại cuộc họp chính sách ngày 24-3, các quan chức FED cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy căng thẳng tài chính đang trở nên tồi tệ hơn và đây là một thực tế cho phép FED tiếp tục tập trung vào việc giảm lạm phát bằng một đợt tăng lãi suất khác.
Chủ tịch FED ở ba chi nhánh khác nhau đều đưa kết luận rằng vụ sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) hôm 10-3 cùng với những diễn biến khác đã không làm suy yếu niềm tin vào “sức khỏe” của toàn bộ hệ thống ngân hàng Mỹ, trong đó một chức nói rằng sự cố SVB không liên quan đến cách thức quản lý ở các ngân hàng khác.
Trả lời báo giới, Chủ tịch FED chi nhánh St. Louis James Bullard nói rằng SVB khác với hầu hết các ngân hàng trong nước và các công cụ mà FED đã triển khai sẽ giải quyết thành công nhiều vấn đề hơn. Do đó, không cần phải lo ngại quá nhiều về căng thẳng tài chính như hiện nay.
Ông Bullard cũng đã nâng ước tính về mức lãi suất tiêu chuẩn qua đêm của FED lên 5,5% -5,75% vào cuối năm 2023, tức là cơ quan tài chính sẽ cần tăng thêm lãi suất 0,75 điểm phần trăm nữa so với mức đã thiết lập trong tuần này là 4,75% -5%. Trong khi phần lớn các đồng nghiệp của ông Bullard cho rằng chỉ cần thêm một đợt tăng lãi suất nhỏ nữa là có thể ổn định tình hình lạm phát trong nước.
Chiến sự Ukraine xuất hiện các diễn biến nguy hiểm
Đạn dược chứa uranium nghèo gây tranh cãi do những rủi ro với sức khỏe lâu dài của con người nếu phơi nhiễm. Ảnh: Insider |
Kéo dài hơn 13 tháng mà chưa có dấu hiệu kết thúc, cuộc xung đột tại Ukraine đã xuất hiện thêm những diễn biến đáng báo động. Nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với chính phủ Kiev trong cuộc giao tranh chống lại Moskva, nhiều quốc gia phương Tây đã tăng tốc vận chuyển vũ khí đến chiến trường Ukraine. Động thái đó báo hiệu tình hình xung đột ở Ukraine có thể biến thành một cuộc chiến dài hơi với dòng vũ khí viện trợ không ngừng nghỉ từ phương Tây cũng như việc Moskva tăng cường sản xuất và nhập khẩu vũ khí.
Đáng chú ý, hôm 22-3, Anh cho biết sẽ gửi đạn uranium nghèo (DU) tới Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Annabel Goldie cho biết nước này sẽ cung cấp cho Ukraine nhiều loại đạn, kể cả đạn xuyên giáp có chứa uranium nghèo, có hiệu quả cao để tiêu diệt xe tăng và xe bọc thép hiện đại.
Cùng với đó, ngày 23-3, các nhà lãnh đạo EU đã chính thức thông qua sáng kiến mua chung đạn dược để tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine, cụ thể là 1 triệu quả đạn pháo trong 12 tháng tới. Theo thỏa thuận, Ủy ban châu Âu sẽ cấp 1 tỷ euro cho các nước EU để cung cấp cho Ukraine 1 triệu quả đạn pháo lấy từ kho của các nước này. Ngoài ra, 1 tỷ euro nữa sẽ được chi cho việc mua chung đạn dược. Việc đặt hàng sẽ được triển khai từ tháng 5 tới.
Về phần mình, Tổng thống Vladimir Putin coi quyết định chuyển giao vũ khí của Anh là một ví dụ khác về việc các nước phương Tây đang nỗ lực chống Nga, đồng thời nói rằng Moskva sẽ buộc phải phản ứng trước diễn biến này. “Nếu tất cả những điều này xảy ra, Nga sẽ buộc phải phản ứng, vì thực tế là phương Tây đã bắt đầu sử dụng vũ khí có các thành phần hạt nhân”, Tổng thống Nga nói.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cựu Tổng thống Dmitry Medvedev nhấn mạnh: “Mỗi ngày, các chuyến hàng vũ khí nước ngoài đến Ukraine cuối cùng sẽ mang ngày tận thế hạt nhân đến gần hơn". Theo ông, mối đe dọa về một cuộc xung đột hạt nhân đã không biến mất, ngược lại, đã tăng lên.
Những ngày qua, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng liên tục thị sát khu vực tiền tuyến. Ngày 23-3, ông đã có chuyến thăm thứ ba trong vòng 48 giờ tới các khu vực tiền tuyến đang diễn ra giao tranh với lực lượng Nga. Các chuyến thăm cho thấy cuộc phản công mùa xuân mà Ukraine dự định thực hiện có thể diễn ra sớm, khi thời tiết đã cải thiện và tạo tiền đề cho các cuộc tấn công mới có mà hai bên có thể thực hiện.
Chính trường Mỹ xôn xao tin đồn bắt giữ cựu Tổng thống Trump
Cựu Tổng thống Mỹ Donalad Trump đã khiến dư luận xôn xao sau khi ông tuyên bố rằng ông sẽ bị bắt vào ngày 22-3 mà không có bất kỳ bằng chứng chính thức nào. Trên thực tế, vụ kiện chống lại ông Trump tại Manhattan vẫn chưa có bản cáo trạng chính thức nên đã gây ra bầu không khí mập mờ về việc có hay không và khi nào cựu tổng thống này sẽ bị buộc tội.
Cuộc điều tra cáo buộc đội ngũ của ông Trump đưa tiền cho diễn viên phim khiêu dâm Stormy Daniels năm 2016 đặc biệt thu hút sự chú ý của dư luận và giới chính trị gia Mỹ. Bởi lẽ, nếu bị buộc tội, ông Trump sẽ trở thành cựu Tổng thống Mỹ đầu tiên bị truy tố hình sự trong khi kết quả các cuộc thăm dò gần đây đều cho thấy ông đang dẫn đầu các đối thủ tiềm năng khác cho vị trí ứng viên đề cử của đảng Cộng hòa. Quá trình này có thể khiến ông Trump phải hầu tòa vào giữa thời điểm tiến hành chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024, hoặc thậm chí sau Ngày bầu cử. Nếu tái đắc cử, ông Trump sẽ không nắm giữ quyền tự ân xá cho mình về các cáo buộc của nhà nước.
Trong khi đó, các đồng minh đảng Cộng hòa của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong Hạ viện đang nỗ lực hết sức ngăn chặn các mối đe dọa pháp lý đối với ông. Theo đài CNN, sau khi Tổng thống Trump thông báo ông có thể bị bắt giữ liên quan đến cáo buộc trả tiền bịt miệng một ngôi sao phim người lớn trước cuộc bầu cử năm 2016, các đồng minh của ông đã sử dụng ưu thế đa số trong Hạ viện để yêu cầu chứng thực từ công tố viên quận Manhattan Alvin Bragg và tìm cách ngăn chặn một cuộc điều tra.
Triều Tiên thử vũ khí không người lái tấn công hạt nhân dưới nước
Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 24-3 cho biết nước này đã thử nghiệm một hệ thống vũ khí hạt nhân tấn công dưới nước mới dưới sự chỉ đạo của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Theo KCNA, vũ khí mới trên đã được triển khai ngoài khơi bờ biển huyện Riwon, tỉnh Nam Hamgyong hôm 21-3 và đánh trúng mục tiêu giả ở vùng biển ngoài khơi vịnh Hongwon chiều 23-3. Vũ khí này, một thiết bị không người lái, đã di chuyển theo đường oval và hình số 8 ở độ sâu từ 80 đến 150 mét ở vùng biển phía Đông bán đảo Triều Tiên trong vòng 59 giờ 12 phút.
Triều Tiên tuyên bố loại vũ khí mới có thể thâm nhập bí mật vào vùng biển tạo ra một cơn sóng thần phóng xạ tiêu diệt các nhóm tàu tấn công và cảng trọng yếu của đối phương. Tuy nhiên, giới chuyên gia quân sự đã những đánh giá khác về năng lực của vũ khí này.
Ông Kim Dong-yub, Giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, nói rằng không thể xác minh những tuyên bố của Triều Tiên về khả năng của vũ khí không người lái này, hoặc việc Bình Nhưỡng đã thử nghiệm hệ thống đó hàng chục lần. Tuy nhiên, theo ông, Triều Tiên đang có ý định thông báo rằng loại vũ khí này có đủ tầm bắn tới tất cả các cảng của Hàn Quốc.
Về phần mình, nhà phân tích Ankit Panda tại Tổ chức Hòa bình Quốc tế Carnegie, đã đặt câu hỏi về sự khôn ngoan của Triều Tiên khi dành nguồn lực cho hệ thống vũ khí không người lái dưới nước như một phương tiện vận chuyển so với tên lửa đạn đạo, khi nước này chỉ có số lượng hạn chế vật liệu hạt nhân phù hợp cho vũ khí.
Theo Báo Tin tức