Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden gia hạn cho các cơ quan liên bang trong vòng 30 ngày phải gỡ bỏ hoàn toàn ứng dụng mạng xã hội chia sẻ video TikTok của Trung Quốc trên các thiết bị điện tử chính thức của chính phủ liên bang.
Người dùng cầm smartphone có cài đặt ứng dụng TikTok. Ảnh: Times Now |
Một tháng để xóa TikTok
Ngày 27-2, Giám đốc Văn phòng quản lý và ngân sách Nhà Trắng (OMB) Shalanda Young công bố văn bản hướng dẫn mới chỉ đạo các cơ quan liên bang trong một tháng, kể từ thời điểm gửi hướng dẫn, gỡ bỏ TikTok thuộc sở hữu của công ty TNHH ByteDance ở Trung Quốc trên các thiết bị chính thức sử dụng. Ngay cả nhân viên hợp đồng đang làm việc cho các cơ quan liên bang cũng sẽ phải thực hiện yêu cầu này trong vòng 90 ngày.
Giám đốc An ninh thông tin liên bang Chris DeRusha nhận định: “Chính quyền đương nhiệm đã đầu tư rất lớn vào việc bảo vệ hạ tầng số của đất nước và ngăn chặn việc đối tượng thù địch xâm nhập dữ liệu của Mỹ. Bản hướng dẫn này là một phần trong cam kết xuyên suốt của chính quyền với bảo vệ an ninh cũng như quyền riêng tư của người dân Mỹ”.
Một số cơ quan như: Bộ Quốc phòng, Bộ An ninh nội địa và Bộ Ngoại giao cũng đã cấm sử dụng TikTok vì các lý do an ninh. Từ tháng 12-2022, Quốc hội Mỹ đưa luật cấm TikTok trên các thiết bị của chính phủ liên bang vào gói chi tiêu ngân sách khổng lồ của chính phủ. Luật này cho phép chính quyền của Tổng thống Biden có 60 ngày để gửi các văn bản hướng dẫn về cách thực hiện lệnh cấm. Và thông báo của OMB ngày 27-2 là bước đi cụ thể hóa cho điều đó.
Đến nay, TikTok đã thu hút hơn 100 triệu người dùng hằng tháng tại Mỹ. Thời gian qua, ứng dụng chia sẻ video trực tuyến của Trung Quốc đã đối mặt với nhiều cuộc điều tra trong và ngoài nước vì liên quan tới những lo ngại về cách thức lưu trữ và bảo vệ dữ liệu người dùng. Ông Sho Zi Chew, CEO Tik Tok dự kiến điều trần trước Ủy ban Năng lượng và thương mại của Hạ viện Mỹ trong tháng 3-2023 để trình bày về các chính sách bảo mật dữ liệu của công ty.
Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Mỹ đang lạm dụng khái niệm an ninh quốc gia và lạm dụng quyền lực quốc gia để chèn ép các công ty nước ngoài như TikTok. “Chúng tôi kiên quyết phản đối những hành động sai trái đó”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 28-2.
Cáo buộc của giới lập pháp Mỹ
Trong số các cáo buộc mới nhất của chính giới Mỹ về TikTok, đáng chú ý là của ông Mike Gallagher, nghị sĩ bang Wisconsin, Chủ tịch của ủy ban mới thành lập của Hạ viện Mỹ chuyên xem xét các vấn đề về Trung Quốc. Ngày 27-2, ông Mike cho rằng, Trung Quốc đang sử dụng TikTok để mở rộng ảnh hưởng toàn thế giới. Do đó, quan chức này đề nghị chính quyền của Tổng thống Biden nên cấm hẳn ứng dụng này tại Mỹ hoặc buộc công ty ByteDance sở hữu TikTok phải bán lại cho doanh nghiệp khác nếu muốn tiếp tục hoạt động tại Mỹ. “Theo tôi, đây là phương diện khó khăn và phức tạp nhất trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc”, ông Gallagher nói.
Ủy ban mới của ông Gallagher dự kiến tổ chức phiên điều trần đầu tiên của ủy ban này vào ngày 27-2 (giờ Washington), động thái được giới quan sát nhìn nhận như tín hiệu mới nhất của chính sách ứng phó với Bắc Kinh gia tăng ở mức căng thẳng nhất cho tới nay từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa cũng như từ đồi Capitol. Mức độ căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc đã tăng lên kể từ sau tranh cãi liên quan việc Mỹ bắn hạ khinh khí cầu của Trung Quốc với cáo buộc nghi vấn nó thuộc chương trình do thám toàn cầu của Bắc Kinh.
Theo số liệu của cơ quan đánh giá thị trường We Are Social, TikTok hiện là nền tảng xã hội được sử dụng nhiều thứ 6 trên thế giới, với hơn 1 tỷ người truy cập mỗi ngày và có tốc độ tăng trưởng về người dùng là giới trẻ vượt xa các đối thủ cạnh tranh. Sự gia tăng nhanh chóng về lượng người dùng đã giúp TikTok thu về hơn 11 tỷ USD doanh thu quảng cáo vào năm ngoái - tăng gấp 3 lần trong một năm.
Canada cấm TikTok trên các thiết bị do chính phủ cấp Ngày 27-2, Canada thông báo cấm cài đặt ứng dụng TikTok trên các thiết bị di động do chính phủ cấp vì các lo ngại bảo mật dữ liệu. “Chính phủ Canada cam kết bảo mật các thông tin chính phủ. Chúng tôi thường xuyên giám sát các hệ thống của chúng ta và hành động để giải quyết các nguy cơ”, bà Mona Fortier, Chủ tịch Ủy ban Ngân khố Canada, nói trong thông báo. Các cơ quan quản lý quyền riêng tư cấp tỉnh bang và liên bang của Canada cũng đang phối hợp điều tra ứng dụng trước những lo ngại về việc thu thập, sử dụng và tiết lộ thông tin cá nhân của nền tảng này. Tuần trước, ngày 24-2, Ủy ban châu Âu (EC) cũng thông báo lệnh cấm TikTok trên điện thoại của các nhân viên làm việc tại cơ quan này. Theo đó, mọi công chức thuộc EC sẽ phải xóa bỏ ứng dụng trước ngày 15-3. Theo bà Sonya Gospodinova , phát ngôn viên của EC, quy định mới này áp dụng với mọi điện thoại làm việc nhưng nếu các điện thoại cá nhân của nhân viên có cài đặt ứng dụng nào đó của Liên minh châu Âu thì cũng phải xóa bỏ TikTok. |
TRẦN ĐẮC LUÂN