Quốc tế

Quan hệ Trung Quốc - Nga lại thêm khăng khít

09:18, 22/03/2023 (GMT+7)

Ngày 21-3, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có lịch trình bận rộn trong ngày thứ hai của chuyến công du đến Nga, trong đó đáng chú ý là cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Mikhail Mishustin.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên phải) gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Moscow ngày 20-3. Ảnh: AFP
Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên phải) gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Moscow ngày 20-3. Ảnh: AFP

Theo TASS, trong cuộc hội kiến Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin tại Moscow, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giải thích lý do chọn Nga là quốc gia đầu tiên cho chuyến công du nước ngoài kể từ khi tái đắc cử chức chủ tịch nước khi khẳng định: “Điều này phù hợp với logic lịch sử, bởi lẽ chúng ta là những cường quốc láng giềng lớn nhất và đối tác chiến lược toàn diện”.

Về phần mình, ông Mishustin cho biết, hai bên đang thảo luận chế tạo máy bay, kỹ thuật cơ khí, máy công cụ, nghiên cứu không gian và công nghệ đầu cuối nhằm tạo ra các sản phẩm sáng tạo và cung cấp dịch vụ. Việc mở rộng hợp tác sáng tạo sẽ củng cố chủ quyền công nghệ của cả hai nước. Theo truyền thông Nga, ông Tập Cận Bình cũng gửi lời mời Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Mishustin thăm Trung Quốc.

Nối tiếp cuộc gặp Thủ tướng Mishustin, ông Tập Cận Bình hội đàm chính thức với Tổng thống Putin. Được biết, lãnh đạo hai nước dự kiến ký tuyên bố chung về mở rộng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và kế hoạch phát triển hợp tác kinh tế đến năm 2030. Tổng cộng, hơn 10 văn kiện về hợp tác song phương trong các lĩnh vực khác nhau sẽ được ký kết sau chuyến thăm. Trước đó, tại cuộc gặp không chính thức với ông Putin ngày 20-3, ông Tập Cận Bình khẳng định, Trung Quốc sẵn sàng cùng Nga duy trì hệ thống quốc tế lấy Liên Hợp Quốc (LHQ) làm trung tâm, bảo vệ trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế, mục đích và nguyên tắc của Hiến chương LHQ.

Chuyến đi của ông Tập Cận Bình thu hút sự chú ý lớn bởi diễn ra giữa lúc chiến sự tại Ukraine vẫn đang căng thẳng và không lâu sau khi Tòa án hình sự quốc tế (ICC) phát lệnh bắt ông Putin vì vấn đề gây tranh cãi ở Ukraine. Ông Tập Cận Bình cho biết, hầu hết các nước phản đối “đổ dầu vào lửa” và Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy giải pháp chính trị cho xung đột ở Ukraine. “Về vấn đề Ukraine, tiếng nói vì hòa bình và lẽ phải đang gia tăng. Hầu hết các nước ủng hộ giảm căng thẳng, sẵn sàng đàm phán hòa bình và phản đối đổ dầu vào lửa.

Lịch sử cho thấy các cuộc xung đột cuối cùng đều phải giải quyết thông qua đối thoại và đàm phán”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông cáo ngày 21-3, dẫn lời ông Tập Cận Bình nói trong cuộc gặp ông Putin ngày 20-3. Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận đề xuất của Bắc Kinh về lệnh ngừng bắn ở Ukraine. Tuy nhiên, phương Tây vẫn nhìn nhận chuyến thăm qua lăng kính của sự nghi ngại.

Theo New York Times, gần 70 nhà xuất khẩu Trung Quốc đã bán 26 nhãn hiệu máy bay không người lái khác nhau cho Nga kể từ tháng 2-2022. Ngày 21-3, Mỹ, Anh, Ukraine kêu gọi nhà lãnh đạo Trung Quốc thuyết phục Nga ngừng chiến dịch quân sự đặc biệt. Theo Reuters, ông Tập Cận Bình chỉ có thể điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy. “Chúng tôi đang chờ xác nhận. Đó sẽ là động thái quan trọng. Họ có nhiều điều muốn nói với nhau”. Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk nói với tờ Corriere della Sera (Ý).

Theo Sputnik, ngày 20-3, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố Mỹ, Anh, Pháp và Đức không thể đóng vai trò trung gian hòa giải trong tiến trình lập lại hòa bình ở Ukraine. Dựa trên quan điểm cứng rắn này của Nga, cùng với nhận định của giới chuyên gia quốc tế về triển vọng ảm đạm của Ukraine trong chiến sự, một nhà phân tích giấu tên nói với Asia Times ngày 21-3 rằng: “Chúng ta không nên ngạc nhiên nếu Tổng thống Ukraine chấp thuận kế hoạch hòa bình của Trung Quốc. Không ai ở phương Tây từng dự đoán rằng Trung Quốc sẽ làm trung gian hòa giải Iran - Saudi Arabia”. Trong khi đó, Responsible Statecraft dẫn lời Giám đốc Viện Quincy (Washington) cho rằng, đã đến lúc Mỹ nên “nhấn bàn đạp ga” để đàm phán với Nga trong lúc Trung Quốc đang thu hút sự chú ý với tư cách là nhà kiến tạo hòa bình trong vấn đề Ukraine.

 Nga điều tra hình sự công tố viên và thẩm phán ICC
Theo TASS, ngày 20-3, Ủy ban Điều tra Liên bang Nga mở cuộc điều tra hình sự nhằm vào các công tố viên và thẩm phán của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC), những người đã ra lệnh bắt giữ Tổng thống Putin. Theo ủy ban này, hành động của công tố viên ICC có dấu hiệu phạm tội theo luật pháp Nga khi vu khống một người vô tội phải chịu trách nhiệm hình sự cũng như tìm cách tấn công đại diện của một quốc gia nước ngoài được bảo vệ theo luật pháp quốc tế nhằm gây phức tạp quan hệ quốc tế. Theo Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội phạm chống lại những người được quốc tế bảo vệ ngày 14-12-1973, các nguyên thủ quốc gia được hưởng quyền miễn trừ tuyệt đối đối với quyền tài phán của các quốc gia nước ngoài.

THƯ LÊ

.