Tại kỳ họp lưỡng hội năm 2023, gồm Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội Trung Quốc) khóa XIV và hội nghị Chính trị hiệp thương nhân dân toàn quốc (Chính hiệp) khóa XIV đang diễn ra, Bắc Kinh công bố mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn 5% cho năm nay.
Mục tiêu GDP 2023 phù hợp với xu hướng vận hành cũng như quy luật phát triển của kinh tế Trung Quốc. TRONG ẢNH: Một góc thành phố Thượng Hải. Ảnh: VCG |
Mục tiêu này cho thấy Trung Quốc chú trọng ổn định kinh tế, tập trung tăng trưởng có chất lượng về lâu dài, đồng thời tiến hành cải cách để ứng phó với thách thức trong và ngoài nước.
Chú trọng tầm nhìn dài hạn
Tại Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc ngày 5-3, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức khoảng 5% trong năm nay, mức thấp nhất trong khoảng 30 năm qua, theo Financial Times. Dù mục tiêu này giảm so với năm 2022 (5,5%) nhưng vẫn cao hơn so với mức 3% ghi nhận vào năm ngoái và nhỉnh hơn chút so với mức trung bình 4,5% trong 3 năm qua.
Việc Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng vừa phải sẽ giúp nước này tự do hơn trong giải thách thức lâu dài như độ tự tin còn yếu của khối kinh tế tư nhân, mức tiêu thụ của các gia đình giảm, “nút thắt” về công nghệ. “Mục tiêu GDP năm 2023 không chú trọng quá nhiều vào thúc đẩy tăng trưởng mà tập trung nhiều hơn vào thách thức tăng trưởng dài hạn”, bà Iris Pang, chuyên gia kinh tế của ngân hàng ING Bank (Hà Lan), bình luận. Trong khi đó, ông Zhao Xijun, chuyên gia tài chính tại Đại học Renmin, cho rằng Bắc Kinh đang chú trọng tăng trưởng chất lượng và sự ổn định. Theo ông Bert Hofman, Giám đốc Viện Đông Á thuộc Đại học quốc gia Singapore: “Mục tiêu GDP của Trung Quốc sẽ tạo thêm khoảng trống cho cải cách và sự giảm bớt ở các cấp độ nợ - cả hai đều rất cấp thiết để bảo đảm đạt tỷ lệ tăng trưởng dài hạn khoảng 5%”.
Thời gian qua, kinh tế Trung Quốc ghi nhận bước hồi phục ổn định. Chỉ số quản lý thu mua (PMI) trong lĩnh vực sản xuất tăng lên 52,6% trong tháng 2-2023, mức cao nhất trong 11 năm qua. Nhiều tổ chức quốc tế cũng nâng mức dự báo tăng trưởng của nước này lên hơn 5%. Tuy nhiên, khi công bố mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay, Thủ tướng Lý Khắc Cường nêu rõ những quan ngại về tình trạng lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, kinh tế thế giới đang yếu hơn và thách thức gia tăng từ bên ngoài. Về vấn đề trong nước, ông Lý Khắc Cường cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn của thị trường bất động sản và thách thức mà các tổ chức tài chính đang đối mặt.
Phù hợp với tình hình hiện nay
Báo báo kế hoạch thường niên của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) Trung Quốc cho rằng, mục tiêu GDP 2023 là phù hợp với xu hướng vận hành cũng như quy luật phát triển của kinh tế Trung Quốc, cũng như các yếu tố nguồn lực, sản xuất hiện có. Cơ quan hoạch định chính sách kinh tế cao nhất này cũng chỉ ra các nguy cơ khác nhau mà kinh tế Trung Quốc phải đối mặt, trong đó có sự cạnh tranh với các nước lớn, xung đột địa chính trị... “Tính không ổn định, thiếu chắc chắn và khó đoán định trong môi trường bên ngoài đã trở nên phổ biến hơn. Các rủi ro tài chính cũng đang gia tăng, sự thất thường của các thị trường tài chính toàn cầu, cùng với các rủi ro liên biên giới, liên thị trường và liên lĩnh vực cũng đã liên đới với nhau nhiều hơn”, báo cáo nêu.
Điều đáng chú ý là Thủ tướng Lý Khắc Cường không đề cập “thịnh vượng chung” hay “chiến lược vòng tuần hoàn kép” - hai chính sách tiêu biểu trọng tâm giúp định hình kinh tế Trung Quốc trong 3 năm qua. Thay vào đó, ông Lý Khắc Cường nhấn mạnh việc ngăn chặn sự tích tụ khoản nợ mới, đề nghị ủng hộ khối kinh tế tư nhân và tăng cường các nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài. “Không có đòn bẩy tài chính nào từ Quốc hội Trung Quốc và đây là điều không ngạc nhiên khi kinh tế vẫn trên đà phục hồi. Vấn đề chính sẽ cần quan sát trong những tháng tới là việc các nhà lãnh đạo mới sẽ thúc đẩy sự tự tin của khối doanh nghiệp tư nhân như thế nào”, ông Zhiwei Zhang, chuyên gia tại Công ty Quản lý tài sản Pinpoint Asset Management bình luận.
Theo Kommersant, trong tháng qua, lần đầu tiên đồng nhân dân tệ của Trung Quốc vượt qua đồng USD, trở thành đồng tiền giao dịch nhiều nhất trên thị trường Nga. Cụ thể, tỷ lệ giao dịch của đồng nhân dân tệ chiếm khoảng 40%, trong khi đồng USD là 38% và đồng euro là 21,2%. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương, tiền tệ không nên được sử dụng như “át chủ bài” trong đòn trừng phạt đơn phương. Ông Tần Cương chia sẻ quan điểm này khi được hỏi về thực tế sụt giảm về sử dụng đồng USD và đồng euro trong hoạt động giao thương giữa Trung Quốc với Nga. Theo đó, Trung Quốc sẽ dùng bất cứ loại tiền tệ hiệu quả, an toàn và tin cậy. |
TRẦN ĐẮC LUÂN