G7 để mắt đến Nam bán cầu

.

Vấn đề chính sách đối ngoại và an ninh ở cả châu Âu và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là tâm điểm của chương trình nghị sự hội nghị ngoại trưởng nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra từ ngày 16 đến 18-4 tại thị trấn Karuizawa (Nhật Bản). Sự kiện lần này là bước đệm cho hội nghị thượng đỉnh G7 dự kiến diễn ra vào tháng 5-2023 tại Hiroshima.

Ngoại trưởng các nước G7 trong phiên họp tại thị trấn nghỉ dưỡng Karuizawa (Nhật Bản) ngày 16-4 Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng các nước G7 trong phiên họp tại thị trấn nghỉ dưỡng Karuizawa (Nhật Bản) ngày 16-4. Ảnh: Reuters

Đáng chú ý, bên cạnh tiếp tục tìm tiếng nói chung về những vấn đề nan giải nhất toàn cầu hiện nay như xung đột Ukraine và vấn đề Triều Tiên, ngoại trưởng các nước G7 dự kiến thảo luận cách thức tăng cường phối hợp với những nước phát triển và nền kinh tế mới nổi ở Nam bán cầu, nơi tập trung 3/4 dân số toàn cầu.

Mở rộng quan hệ với Nam bán cầu

Trong hai ngày 17 và 18-4, một trong những điểm nhấn tại hội nghị ở Karuizawa là sẽ là cuộc thảo luận mở rộng về cách G7 thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu nhiều hơn ở các quốc gia đang phát triển trên khắp châu Á, châu Phi, Trung Đông và Mỹ Latinh. Thực tế, trên cương vị chủ tịch luân phiên G7 năm 2023, Nhật Bản đang tranh thủ tăng cường quan hệ với các quốc gia ở Nam bán cầu nhằm xây dựng mặt trận thống nhất, theo trật tự quốc tế tự do, cởi mở và dựa trên pháp quyền. Điều này cũng dễ hiểu bởi thúc đẩy hợp tác với khu vực này vốn là điểm mới trong Sách Xanh ngoại giao 2023 của nước này. Kế hoạch tăng cường quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á cũng sẽ được bàn thảo tại hội nghị.

Theo Japan Times, G7 đang tìm cách xích lại gần hơn với những cường quốc có tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực, trong đó có Ấn Độ và Indonesia. Động cơ khiến G7 có bước tính toán này có thể được diễn giải dựa trên tình hình thực tế về kinh tế và chính trị. Tỷ trọng của G7 giảm từ 61% vào thập niên 1980 xuống còn khoảng 41% trong quy mô toàn cầu vào năm 2021 trong bối cảnh Ấn Ðộ và nhiều quốc gia Nam bán cầu khác đạt được mức tăng trưởng kinh tế đáng kể. Thị phần của G7 trong nền kinh tế toàn cầu đang bị thu hẹp cũng đồng nghĩa với tiếng nói của nhóm sẽ bớt trọng lượng, nhất là trong các vấn đề toàn cầu. Trong khi đó, đa phần những nước khu vực này ưu tiên lập trường của họ và có xu hướng trung lập, tránh hỗ trợ trực tiếp trong các tranh chấp quốc tế.

Theo các nhà phân tích, sự hợp tác với Nam bán cầu sẽ tạo nền tảng để G7 gửi thông điệp mạnh mẽ tới cộng đồng quốc tế trong nỗ lực góp phần giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu hiệu quả hơn, trong đó có sự hỗ trợ cho Ukraine. Trong chuyến thăm Washington ngày 13-1, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết: “Các quốc gia Nam bán cầu đang nắm giữ những vị trí không thể thiếu trên trường quốc tế. Nếu quay lưng lại với họ, chúng ta sẽ thấy mình là thiểu số và không thể giải quyết các vấn đề chính sách ngày càng gia tăng”.

Giải quyết thách thức an ninh khu vực

Theo Kyodo, trong buổi làm việc đầu tiên vào ngày 16-4, quan chức ngoại giao các nước G7 nhất trí sự đoàn kết đóng vai trò quan trọng trong giải quyết các vấn đề địa chính trị ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; trong đó việc xác định cách tiếp cận đối với Trung Quốc trở thành tâm điểm. Về vấn đề này, Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa nhấn mạnh, các bên cần duy trì đối thoại với Trung Quốc, phối hợp giải quyết những thách thức toàn cầu và vun đắp mối quan hệ mang tính xây dựng, ổn định với cường quốc này, qua đó bảo đảm an ninh trong khu vực này. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại vẫn nằm ở việc quan hệ Mỹ - Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu cởi mở. The Sunday Times dẫn lời ông Derek Chollet, Tham tán Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, trong nhiều tuần qua, Bắc Kinh đã không hồi đáp các cuộc gọi từ Washington sau khi căng thẳng giữa hai nước leo thang gần đây.

Cũng trong các ngày 17 và 18-4, các quan chức tập trung thảo luận các vấn đề đáng quan tâm khác như khủng hoảng Ukraine, tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, giải trừ hạt nhân, chế độ Taliban cầm quyền tại Afghanistan... Đáng chú ý, các ngoại trưởng sẽ thảo luận về cách bảo đảm Ukraine có vũ khí và các thiết bị phòng thủ khác cần thiết trong thời gian dài. Tuy nhiên, các bên sẽ gặp chút trở ngại để đạt được sự đồng thuận bởi nhiều nước trong số đó vẫn giữ thái độ trung lập đối với cuộc xung đột ở Ukraine.

Ngày 15-4, phiên họp trọng thể của các bộ trưởng phụ trách vấn đề khí hậu, năng lượng và môi trường của các nước G7 diễn ra tại thành phố Sapporo (Nhật Bản). Các bộ trưởng nhất trí tìm giải pháp hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,50C. Theo đó, các bộ trưởng G7 cam kết đẩy nhanh việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo để đưa mức phát thải ròng về 0 muộn nhất là vào năm 2050.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.