Quốc tế

Vòng xoáy bạo lực lại đeo bám Sudan

09:11, 25/04/2023 (GMT+7)

Trong những ngày qua, Sudan lâm vào cuộc nội chiến giữa một bên là Tư lệnh quân đội chính quy do tướng Abdel Fattha Al Burhane chỉ huy và bên kia là lực lượng bán quân sự FSR do tướng Mohammet Hamdan Daglo với biệt danh Hemedti lãnh đạo, trong bối cảnh quốc gia này đang thúc đẩy tiến trình dân chủ.

Cuộc xung đột diễn ra hai năm sau khi Burhane và Hemedti bắt tay đảo chính quân sự và làm trật bánh quá trình chuyển đổi dân chủ bắt đầu sau phong trào biểu tình năm 2019, dẫn đến lật đổ nhà lãnh đạo độc tài lâu năm Omar al-Bashir. Hemedti từng là nhân vật số hai của tướng Burhane trong cuộc đảo chính lật đổ tổng thống Bechir. Sau đó, Sudan được cai trị bởi liên minh “bằng mặt mà không bằng lòng” giữa quân đội và các nhóm dân sự. Điều này chấm dứt vào tháng 10-2021 khi quân đội giải tán chính phủ và nắm quyền kiểm soát.

Hai phe đều đang có hàng chục ngàn binh lính, được nước ngoài ủng hộ, sở hữu tài nguyên thiên nhiên và những nguồn lực khác để có thể đương đầu với các lệnh trừng phạt. Đó cũng là công thức cho kiểu xung đột kéo dài vốn đã tàn phá nhiều nước ở Trung Đông và châu Phi, từ Lebanon đến Syria, Libya và Ethiopia…Theo các nhà quan sát, người giành chiến thắng trong cuộc xung đột có thể sẽ là tổng thống tiếp theo của Sudan. Tính đến ngày 21-4, hơn 400 người thiệt mạng, hơn 3.550 bị thương và khoảng 10.000 - 20.000 người Sudan vượt biên giới sang Cộng hòa Chad.

Theo Giám đốc Chương trình Lương thực thế giới (WFP) tại Cộng hòa Chad, ông Pierre Honnorat, khoảng 400.000 người tị nạn Sudan đã rời khỏi đất nước trong các cuộc xung đột trước đó. WFP sẽ chuẩn bị đón thêm ít nhất 100.000 người và con số thực tế có thể còn cao hơn khi cuộc xung đột tiếp tục kéo dài.

Đặc biệt, nhiều thiết bị quân sự, máy bay của các nước bị phá hủy, trong khi một số đại sứ quán và người nước ngoài ở Khartoum bị tấn công, buộc hàng chục quốc gia phải hành động khẩn cấp để sơ tán nhân viên ngoại giao và công dân rời khỏi Sudan. Các nước láng giềng Ai Cập và Cộng hòa Chad đóng cửa biên giới với Sudan trong khi nhiều hãng hàng không của Ai Cập, Saudi Arabia và Qatar ngừng các chuyến bay tới Sudan. Cộng đồng quốc tế chỉ trích hành động bạo lực và kêu gọi các bên đối thoại để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đang thúc đẩy nỗ lực trung gian cho thỏa thuận ngừng bắn tại Sudan. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres cam kết phối hợp với các bên để giúp hạ nhiệt giao tranh.

Có thể nói, những mâu thuẫn và tranh giành quyền lực giữa lực lượng quân đội chính quy và lực lượng bán quân sự FSR sẽ tiếp tục đẩy Sudan đến bờ vực sụp đổ và có nguy cơ lan rộng ra các nước láng giềng. Sudan là đất nước lớn thứ ba ở châu Phi tính theo diện tích và nằm ven sông Nile, giáp biên giới với Libya, Cộng hòa Chad, Cộng hòa Trung Phi, Eritrea và Nam Sudan. Ông Alan Bosweel, chuyên gia công tác tại International Crisis Group, nhận định:

“Điều diễn ra ở Sudan sẽ không chỉ giới hạn ở Sudan. Chad và Nam Sudan có nguy cơ chịu tác động lan tỏa ngay lập tức. Chiến sự kéo dài có thể dẫn đến sự can thiệp lớn từ bên ngoài”. Ông Alex De Waal, chuyên gia về Sudan tại Đại học Tufts, cũng đồng quan điểm khi cho rằng cuộc xung đột có thể được coi là “vòng nội chiến đầu tiên”. “Nếu không kết thúc nhanh, cuộc xung đột sẽ trở thành trò chơi đa cấp độ, trong đó các lực lượng khu vực và quốc tế sẽ theo đuổi lợi ích, dùng tiền, vũ khí và có thể cả quân đội của họ, hoặc xảy ra chiến tranh đại diện”, ông Waal nói.

Người dân Sudan vốn đã từng phải trả giá đắt cho cuộc nội chiến Bắc-Nam kéo dài từ năm 1983 cho đến năm 2005, khiến 2 triệu dân thiệt mạng và hơn 4 triệu dân phải di tản khắp nơi, sau đó phải chia tách thành hai quốc gia. Và nay, người dân lại tiếp tục đối mặt với nỗi khổ đau khi buộc phải đi lánh nạn.

TUYẾT MINH

.