El Nino giáng đòn mạnh vào kinh tế toàn cầu

.

Theo nghiên cứu mới nhất trên tạp chí Science Daily, hiện tượng El Nino vốn được dự báo gần như chắc chắn xảy ra trong năm nay có thể kéo dài trong vài năm và gây thiệt hại hơn 4.000 tỷ USD cho kinh tế toàn cầu trong những năm tiếp sau, trong đó, các nước có thu nhập thấp sẽ chịu hậu quả nặng nề nhất. Dự báo mới nhất này tiếp tục là điềm xấu đối với kinh tế toàn cầu vốn đang chật vật hồi phục hậu Covid-19.

Sự thay đổi lượng mưa ảnh hưởng lớn đến các nhà cung cấp gạo hàng đầu thế giới. TRONG ẢNH: Nông dân trên cánh đồng khô cằn ở ngoại ô thành phố Ahmedabad (Ấn Độ). Ảnh: Reuters
Sự thay đổi lượng mưa ảnh hưởng lớn đến các nhà cung cấp gạo hàng đầu thế giới. TRONG ẢNH: Nông dân trên cánh đồng khô cằn ở ngoại ô thành phố Ahmedabad (Ấn Độ). Ảnh: Reuters

Nghiên cứu trên là một trong những đánh giá đầu tiên về thiệt hại trong dài hạn của El Nino. Nhóm nghiên cứu từ Đại học Dartmouth (Mỹ) tiến hành phân tích thiệt hại đợt El Nino xảy ra trong giai đoạn 1982 - 1983 và phát hiện rằng, hiện tượng này khiến thế giới mất khoảng 4.100 tỷ USD trong vòng 5 năm. Một đợt El Nino khác vào năm 1997 - 1998 cũng “cuốn bay” 5.700 tỷ USD. Với sự trở của El Nino trong năm nay, các nhà nghiên cứu dự đoán, thiệt hại kinh tế toàn cầu trong thế kỷ 21 lên tới 84.000 tỷ USD do tần suất và cường độ các đợt thiên tai ngày càng gia tăng.

Trong khi đó, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, ở nhiệt độ khoảng 33-34oC một người lao động trung bình mất 50% sức lao động. Các đợt nắng nóng vào năm 2030 có thể làm giảm hơn 2% số giờ lao động toàn cầu, tương đương với 80 triệu công việc toàn thời gian, gây thiệt hại kinh tế gần 10 lần so với mức thiệt hại năm 1995. Theo Wired, thế giới vừa thoát khỏi một đợt La Nina hiếm gặp kéo dài trong 3 năm (2020-2022). Do đó, hiện tượng này có thể ảnh hưởng tới El Nino và khiến cường độ của nó trở nên đặc biệt mạnh trong năm nay, qua đó “tiếp tay” đẩy nhiệt độ toàn cầu tăng cao hơn 1,5oC, ngưỡng ấm lên theo Hiệp định Paris, tác động tiêu cực tới hình thái thời tiết khắp thế giới.

Đáng chú ý, các đợt nắng nóng gay gắt sắp tới ở khu vực Nam Á đang trở thành mối đe dọa đối với nguồn cung gạo toàn cầu. Theo SCMP, thay đổi lượng mưa do biến đổi khí hậu đang gây ảnh hưởng lớn đến các nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ và Thái Lan. Theo nghiên cứu nhanh của World Weather Attribution, khả năng Nam Á gặp nắng nóng gay gắt với mức nhiệt kỷ lục như tháng 4-2023 sẽ cao hơn ít nhất 30 lần. Các nước ở khu vực này nhiều khả năng đón mùa mưa tới chậm và thất thường hơn từ tháng 6 tới 9-2023.

Chuyên gia Raghu Murtugudde từ Viện Công nghệ Ấn Độ cho biết: “Chúng ta đang chuyển từ mùa đông với La Nina sang mùa hè với El Nino. Đây là tin xấu. Nếu không có sự bù đắp cho El Nino, mùa mưa có thể bị trì hoãn dẫn đến thâm hụt lượng mưa khá lớn”.

Đợt El Nino lần này là một loại kiểm thử đối với hành tinh xanh đang bị nóng lên do biến đổi khí hậu, đồng thời cũng là lời thúc giục chính phủ các nước tăng cường kịch bản ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan. Theo Reuters, ngay cả khi nền kinh tế gặp khó khăn, chính phủ các nước vẫn ưu tiên chính sách định giá carbon trực tiếp nhằm giảm phát thải. Năm 2022, các nước thu tổng cộng 95 tỷ USD tiền phí phát thải CO2 từ doanh nghiệp, tăng mạnh so với mức 84 tỷ USD vào năm 2021, và xác lập mức cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, Ngân hàng thế giới kêu gọi cần có những tiến bộ lớn cả về mức giá và quy mô áp dụng về chính sách định giá carbon. Với tình trạng lạm phát hiện nay, giá carbon cần phải được áp dụng ở mức cao hơn, trong khoảng 61-122 USD/tấn, thay vì 50-100 USD/tấn như hiện nay.

Bên cạnh đó, một số nước cũng đang sử dụng chính sách áp giá đối với lượng khí thải carbon dưới hình thức thuế hoặc theo hệ thống giao dịch khí thải (ETS), và áp dụng các quy định trong hoạt động vận tải để giảm phát thải. Chẳng hạn, ngày 23-5, Chính phủ Pháp công bố sắc lệnh cấm các chuyến bay nội địa đối với những chặng bay nếu có thể di chuyển bằng tàu cao tốc và tốn thời gian chưa đến 2,5 giờ nhằm cắt giảm lượng khí thải từ máy bay phản lực tư nhân. Theo The Guardian, 2 tỷ người sẽ phải sống trong mức nhiệt độ trung bình hàng năm trên 29oC vào năm 2030, mức nhiệt mà rất ít cộng đồng từng sống trước đây. Tuy nhiên, hành động khẩn cấp để giảm lượng khí thải carbon có thể giúp giảm 80% số người bị ảnh hưởng này.

Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), thời tiết cực đoan gây ra cái chết cho 2 triệu người trong 50 năm qua. Từ năm 1970 đến 2021, các thảm họa do thời tiết, khí hậu, liên quan đến nước là gần 12.000 thảm họa. Các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nhất. 9/10 số ca tử vong xảy ra ở các nước đang phát triển, trong đó châu Á là nơi có nhiều người tử vong nhất, gần 1 triệu người.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.