Mỹ lách khe cửa hẹp tránh vỡ nợ

.

Các bên đàm phán của Mỹ vừa đạt thỏa thuận về nguyên tắc nâng trần nợ công để giúp nước này “lách” thảm kịch vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử. Đây là bước đột phá sau thời gian dài bế tắc khi đôi bên đều tỏ ra không khoan nhượng trong hàng loạt đàm phán trước hạn chót 5-6, ngày Bộ Tài chính Mỹ dự báo nước này sẽ vỡ nợ.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy (bên trái) trong cuộc đàm phán về trần nợ công với Tổng thống Joe Biden vào ngày 22-5. Ảnh: AFP
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy (bên trái) trong cuộc đàm phán về trần nợ công với Tổng thống Joe Biden vào ngày 22-5. Ảnh: AFP

Theo AP, sau cuộc điện đàm vào tối 27-5 (giờ Mỹ), Tổng thống Joe Biden thuộc Đảng Dân chủ và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy thuộc Đảng Cộng hòa đạt thỏa thuận về dỡ bỏ giới hạn nợ trong hai năm, đồng thời cắt giảm và hạn chế một số chi tiêu của chính phủ trong cùng thời kỳ. Hiện, trần nợ công của Mỹ ở mức kỷ lục khoảng 31.400 tỷ USD.

Sự thỏa hiệp làm hài lòng đôi bên

Reuters dẫn lời Chủ tịch Hạ viện McCarthy thông báo: “Sau nhiều tháng lãng phí thời gian, chúng tôi đi đến thỏa thuận về nguyên tắc xứng đáng với người dân Mỹ”. Tổng thống Biden ca ngợi tin tốt lành này giúp ngăn chặn vụ vỡ nợ thảm khốc vốn có nguy cơ dẫn đến suy thoái kinh tế. Thỏa thuận cho thấy, đôi bên có những bước nhượng bộ để tìm tiếng nói chung.

Điểm chú ý đầu tiên trong thỏa thuận chính là việc các bên thống nhất đình chỉ việc áp trần nợ trong hai năm, đến 2025. Đây được xem là thắng lợi của ông Biden khi không phải lo lắng về việc đàm phán lại về trần nợ cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2024. Các nhà đàm phán cũng đồng ý giữ chi tiêu phi quốc phòng vào năm 2024 ở mức tương đương với năm 2023 và tăng 1% vào năm 2025; cho phép khoản chi ngoài quốc phòng giữ nguyên trong năm 2024 và tăng 1% trong năm 2025; không thay đổi các chương trình quan trọng của chính phủ như Đạo luật Giảm lạm phát, kế hoạch xóa nợ cho sinh viên, chương trình hỗ trợ bảo hiểm y tế (Medicare)... Trong khi đó, nhiều chương trình liên bang sẽ bị cắt giảm ngân sách song vẫn được phép tăng chi tiêu trong những trường hợp không lường trước như chiến tranh, bệnh dịch.

Nhìn vào tổng thể, dễ dàng nhận ra Đảng Dân chủ không thể kêu gọi thành công việc nâng trần nợ mà không phải cắt giảm chi tiêu. Ở chiều ngược lại, Đảng Cộng hòa cũng không đạt mục tiêu trong yêu cầu cắt giảm các khoản chi tiêu ở mức lớn hơn. Thực tế này phản ánh đúng nhận xét của ông Biden: “Đây là sự thỏa hiệp, nghĩa là không phải ai cũng có thứ mình muốn”. Ước tính, các giới hạn sẽ làm giảm chi tiêu liên bang nói chung khoảng 650 tỷ USD trong một thập niên, chỉ một phần nhỏ trong số các khoản cắt giảm mà đảng Cộng hòa nhắm tới ban đầu.

Vẫn còn khó khăn phía trước

Theo New York Times, dự luật mới về trần nợ công vẫn có thể vấp phải nhiều phiếu chống ở cả hai cơ quan Quốc hội, khi nhiều yêu sách của cả hai đảng vẫn chưa được đáp ứng. Các thành viên bảo thủ nhất trong đảng Cộng hòa tỏ ra không hài lòng khi họ chỉ trích thỏa thuận đang tăng giới hạn nợ nhiều hơn mức mà Mỹ sẽ tiết kiệm  theo kế hoạch. Được biết, Hạ viện sẽ bỏ phiếu về thỏa thuận vào 31-5. Nếu vượt ải Hạ viện, dự luật sẽ tiếp tục được đưa lên Thượng viện để biểu quyết. Sau cùng, Tổng thống Biden sẽ ký thành luật.

Theo giới quan sát, thỏa thuận có thể thúc đẩy vị thế của hai ông Biden và McCarthy về mặt chính trị nếu nhận được sự ủng hộ từ Quốc hội. Đối với ông McCarthy, đây  là kết quả khả quan bởi đã từng có nhiều hoài nghi về việc ông khó có thể tìm kiếm thỏa thuận do thế đa số mỏng manh tại Hạ viện. Tuy nhiên, sự thỏa hiệp với Tổng thống Biden cũng có thể đặt ông McCarthy vào tình thế khó khăn khi một số nhà lập pháp bảo thủ của đảng Cộng Hòa kêu gọi bỏ phiếu lật đổ ông. Ở phía bên kia, thỏa thuận giúp ông Biden tránh được mối đe dọa lớn nhất đối với kế hoạch phục hồi kinh tế sau Covid-19, nhất là trong thời điểm ông đang vận động tái tranh cử nhiệm kỳ tổng thống thứ hai.

Lần gần nhất Mỹ trên bờ vực vỡ nợ là vào năm 2011. Quốc hội cuối cùng ngăn chặn tình trạng vỡ nợ nhưng nền kinh tế phải chịu những cú sốc nặng nề, trong đó có việc Mỹ lần đầu tiên bị hạ xếp hạng tín nhiệm.

Thỏa thuận chưa thể giúp thị trường “thở phào”
Theo Reuters, một khi thỏa thuận này được Quốc hội Mỹ thông qua, Bộ Tài chính sẽ nhanh chóng lấp đầy khoảng trống ngân sách bằng cách phát hành khoảng gần 1.100 tỷ USD trái phiếu chính phủ mới trong vòng 7 tháng tới, hút về hàng trăm tỷ USD tiền mặt từ thị trường. Trong khi đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ nhiều khả năng nâng lãi suất thêm lần nữa. Như vậy, việc phát hành trái phiếu trong bối cảnh lãi suất cao có thể rút cạn tiền dự trữ của các ngân hàng do một phần tiền gửi tại đây thường được dùng để mua trái phiếu chính phủ vốn được coi là kênh an toàn và trả lãi cao hơn. Điều này vô hình trung sẽ càng gây thêm sức ép lên thanh khoản của các ngân hàng, từ đó kéo lãi suất cho vay ngắn hạn lên cao, khiến doanh nghiệp ngày càng gặp khó trong tiếp cận vốn.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.