Những xung đột ngày càng mở rộng và gay gắt trên nhiều phương diện giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc dường như đã ở mức không thể hàn gắn, đó là quan điểm công khai ít nhất là của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong.
Phó Thủ tướng Singapore Lawrence Wong phát biểu tại diễn đàn Tương lai châu Á tại Nhật Bản ngày 25-5. Ảnh: Nikkei |
Ông Lawrence Wong, người được cho là gần như chắc chắn sẽ kế nhiệm Thủ tướng Lý Hiển Long, chia sẻ góc nhìn này trong bài phát biểu ngày 25-5 tại Diễn đàn Tương lai châu Á lần thứ 28 tại Tokyo (Nhật Bản) với chủ đề “Phát huy sức mạnh của châu Á để đối phó với các thách thức toàn cầu”.
Bloomberg dẫn lời Phó Thủ tướng Lawrence Wong phản ánh nhận định khá phổ biến của nhiều lãnh đạo tại châu Á hiện nay rằng: “Một số khác biệt về chiến lược và hệ tư tưởng giữa Mỹ và Trung Quốc có vẻ không thể vượt qua, và sẽ không thể hòa giải”. Từ ngày 2 đến 4-6, Singapore sẽ đăng cai diễn đàn quốc phòng quan trọng nhất khu vực là Đối thoại Shangri-La. Cho tới nay, các quan chức Trung Quốc từ chối đề nghị của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin về cuộc gặp người đồng cấp Trung Quốc Lý Thượng Phúc bên lề sự kiện này.
Thời gian qua, căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng làm dấy lên lo ngại về kinh tế đối với chính phủ các nước khi nhiều tập đoàn đa quốc gia phải tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng để tránh bị mắc kẹt trong cạnh tranh địa chính trị giữa hai cường quốc này. Dù giới lãnh đạo đều hiểu các doanh nghiệp đang tìm cách giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa nhưng sẽ rất khó để làm điều đó, bởi dễ gì làm được vậy khi chỉ giới hạn ở một vài lĩnh vực chiến lược mà không có tác động gì tới các tương tác kinh tế khác rộng hơn.
“Nếu đi quá xa trong việc giảm rủi ro, nó sẽ phát sinh những phản ứng và các hậu quả không mong muốn. Theo thời gian, rốt cuộc chúng ta lại rơi vào nền kinh tế toàn cầu bị phân mảnh và chia tách”, ông Lawrence Wong cảnh báo.
Đã có dấu hiệu cho thấy, các dòng chảy đầu tư trực tiếp nước ngoài trên toàn cầu bắt đầu tập trung nhiều hơn vào những nước có sự đồng thuận, “ăn ý” với nhau về chính trị. Điều này rõ ràng đánh dấu sự thay đổi đáng kể so với những gì đã diễn ra trong ba thập kỷ toàn cầu hóa vừa qua, khi các nhà đầu tư “chọn mặt gửi… vốn” chủ yếu dựa vào cân nhắc thương mại, các doanh nghiệp thiết lập mạng lưới trên toàn cầu và gắn chặt với các chuỗi cung ứng của thế giới.
Khi kinh tế thương mại không bị chi phối nặng nề bởi chính trị, các hoạt động trọng yếu, từ thương mại cho tới đầu tư, tài chính và các công nghệ thiết yếu như chất bán dẫn, luôn hướng tới mục tiêu phổ biến, kiểu như quan niệm “cùng thắng”. Tuy nhiên, khi nền kinh tế toàn cầu bị phân mảnh, toàn cầu hóa bị đảo ngược, thế giới sẽ bị chia thành từng khối của các khu vực và hoạt động trong thế cạnh tranh, thậm chí đối đầu nhau.
Hệ lụy từ quá trình này sẽ tác động tới toàn thế giới, trong đó đặc biệt là châu Á, nơi có hàng triệu người đã thoát được đói nghèo chính là nhờ vào toàn cầu hóa và thương mại. Lẽ tất yếu, để tránh được kịch bản tồi tệ này, châu Á nói riêng và thế giới nói chung sẽ phải nỗ lực để duy trì các hợp tác kinh tế mở với sự tham gia của tất cả các nước, thay vì chỉ chọn làm ăn với các quốc gia hữu hảo như xu thế đã xuất hiện ở một số nước lớn thời gian qua.
Thực tế, nhiều nước ở châu Á không muốn phải chọn bên trong cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung. Không nước nào muốn xảy ra cuộc Chiến tranh lạnh mới, và đều mong muốn duy trì quan hệ tốt với cả hai cường quốc này vì lợi ích quốc gia của mỗi nước.
Sri Lanka muốn gia nhập RCEP Phát biểu tại diễn đàn Tương lai châu Á ngày 25-5, Tổng thống Sri Lanka, ông Ranil Wickremesinghe, cho biết, ông dự định nộp đơn đăng ký gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). RCEP là hiệp định thương mại tự do giữa 10 nước ASEAN và 5 đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và New Zealand. RCEP chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu, là khối thương mại lớn nhất trong lịch sử. Sri Lanka muốn gia nhập RCEP với mục tiêu đạt được mức độ tự do kinh tế cao hơn. “Áp lực với các nước châu Á trong việc phải chọn giữa Mỹ và Trung Quốc đang bị nhiều nước phản đối”, ông Ranil Wickremesinghe nói. |
TRẦN ĐẮC LUÂN