Quốc tế
Củng cố hành lang bảo vệ châu Á-Thái Bình Dương trước thách thức
Hội nghị cấp cao an ninh châu Á, hay còn gọi là Đối thoại Shangri-La, lần thứ 20 tại Singapore chứng kiến các bên thể hiện lập trường, quan điểm riêng về những vấn đề thời sự chính trị và an ninh thế giới nổi cộm. Dẫu còn một số khác biệt chưa thể hóa giải, các bên, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, để ngỏ khả năng đối thoại để tìm lối ra cho những bế tắc trong quan hệ.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 20 ngày 4-6. Ảnh: AFP |
Sự kiện năm nay diễn ra từ ngày 2 đến 4-6, tập trung bàn thảo những chủ đề, nổi bật vẫn là vấn đề Triều Tiên, xung đột ở Ukraine và tác động ở phạm vi toàn cầu, trong đó có Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mọi sự chú ý đổ dồn về bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc, qua đó phần nào giúp dư luận có cái nhìn cụ thể hơn về thực trạng và triển vọng của mối quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và các nước phương Tây khác.
Tìm kiếm đối thoại thay vì đối đầu
Theo Reuters, ngày 4-6, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc nhấn mạnh, nước này muốn đối thoại hơn là đối đầu, đồng thời để ngỏ liên lạc với quân đội Mỹ. Quan chức này cho rằng, một số nước tăng cường chạy đua vũ trang và cố ý can thiệp công việc nội bộ của nước khác, đồng thời bày tỏ quan ngại về tâm lý Chiến tranh Lạnh đang trỗi dậy và làm gia tăng đáng kể rủi ro an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương. Mối lo khác chính là việc thiết lập các liên minh quân sự giống như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Á-Thái Bình Dương sẽ đẩy khu vực vào vòng xoáy xung đột. Do vậy, hướng đi tốt nhất cho khu vực là thúc đẩy hợp tác cởi mở và toàn diện, không phải là kết thân theo nhóm nhỏ.
Trong khi đó, trong phát biểu về tầm nhìn của Mỹ về vai trò lãnh đạo ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngày 3-6, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin nêu rõ lập trường của Washington về ba nội dung cốt lõi, đó là: kêu gọi Trung Quốc quay lại bàn đàm phán quốc phòng; đưa ra cam kết quân sự của Washington trong khu vực như biện pháp ngăn chặn xung đột mở; và tái khẳng định cam kết hỗ trợ với các nước ở khu vực. Đặc biệt, ông Austin kêu gọi Bắc Kinh tham gia đối thoại với Washington. “Với tư cách là các nhà lãnh đạo quốc phòng có trách nhiệm, thời điểm thích hợp để đàm phán là bất cứ lúc nào”, ông Austin nói. Lời kêu gọi của người đứng đầu Lầu Năm Góc đưa ra sau cái lắc đầu gần đây của Bắc Kinh về cuộc gặp giữa ông Lý Thượng Phúc và ông Austin.
Trung tướng Cảnh Kiến Phong, Phó tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy Trung ương Trung Quốc cho rằng, chính Mỹ phải chịu trách nhiệm về việc phá vỡ đối thoại khi tăng cường trừng phạt các quan chức Trung Quốc và gây bất ổn ở châu Á-Thái Bình Dương với sự hiện diện quân sự. Trung Quốc sẽ không đàm phán với Mỹ, chừng nào Washington vẫn trừng phạt ông Lý Thượng Phúc, và bất kỳ cuộc gặp cũng phải được tiến hành trên cơ sở bình đẳng, và việc tạo điều kiện phù hợp tùy thuộc vào Mỹ. Global Times nhận định, mối quan hệ quân sự không thể tiến triển theo “nhịp điệu” do Mỹ dẫn dắt khi Washington vẫn phớt lờ yêu cầu cơ bản do Bắc Kinh đặt ra. Mấu chốt vẫn nằm ở cách Mỹ phản ứng trước lo ngại của Trung Quốc và có hành động thiết thực để cải thiện quan hệ quân sự, nghiêm túc đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc liên quan đến lợi ích cốt lõi và mối quan tâm an ninh lớn.
Giới quan sát nhận định, dù vẫn còn trong vòng lẩn quẩn bởi những khác biệt lớn nhưng cả hai cường quốc dường như phát tín hiệu về mong muốn thiết lập các đường dây liên lạc cởi mở. Ngày 4-6, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề tại Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink đến Trung Quốc trong chuỗi các cuộc gặp mà Washington nỗ lực sắp xếp để ngăn quan hệ song phương leo thang căng thẳng.
ASEAN phát huy chủ nghĩa đa phương bao trùm
Trong khuôn khổ hội nghị, ngày 3-6, Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn có bài phát biểu tại phiên đặc biệt về chủ đề “Cân bằng chủ nghĩa tối giản ở châu Á-Thái Bình Dương và vai trò trung tâm của ASEAN”. Tiến sĩ Kao nhấn mạnh tầm quan trọng vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực và cách các thỏa thuận ở cấp tiểu khu vực bổ sung cho các cơ chế khu vực do ASEAN dẫn dắt.
ASEAN đang thu hút tất cả các đối tác thông qua chủ nghĩa đa phương bền vững, bao trùm và đây chính là phương thức hoạt động của ASEAN. Ông Kao nêu bật quá trình ASEAN vươn lên trở thành “lực hướng tâm” trong thúc đẩy sức mạnh đoàn kết giữa các nước thành viên, cũng như hợp tác với đối tác bên ngoài. Lợi ích và bản chất toàn diện của hợp tác theo Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) xác định vai trò trung tâm của khối trong cấu trúc khu vực là cần thiết để thiết lập trật tự dựa trên luật lệ và ngăn chặn các cường quốc ngoài khu vực định hình khu vực. Lập trường của khối về chủ nghĩa đa phương cho thấy các nước Đông Nam Á chọn đường lối tự chủ chiến lược. Điều này dễ nhận thấy khi xét về mở rộng quan hệ đồng minh, ngoại trừ Philippines, các nước còn lại trong ASEAN vẫn tỏ ra thận trọng với lời mời gọi từ bên ngoài. Ngày 3-6, Bộ trưởng Quốc phòng các nước Nhật Bản, Mỹ, Úc và Philippines gặp nhau bên lề diễn đàn.
THƯ LÊ