Ngày 4-6, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) quyết định điều chỉnh sản lượng khai thác dầu mỏ của một số nước thành viên nhằm kìm hãm đà giảm của giá dầu toàn cầu.
Theo Reuters, Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, sẽ hạ sản lượng khai thác dầu thô ở mức 1 triệu thùng/ngày trong tháng 7-2023, mức cắt giảm lớn nhất trong nhiều năm qua của nước này. Thời gian cắt giảm có thể được kéo dài nếu Saudi Arabia thấy cần thiết. Tương tự, Nga sẽ cắt giảm sản lượng thêm 650.000 thùng/ngày xuống còn 9,82 triệu thùng/ngày kể từ tháng 1-2024. Một số nước khác trong OPEC+, gồm Iraq, Oman, Algeria, Kuwait, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), cũng tuyên bố tự nguyện giảm thêm sản lượng ở các mức trong khoảng 40.000 thùng/ngày - 211.000 thùng/ngày cho tới cuối năm 2024. Bên cạnh đó, OPEC+ cũng thống nhất giảm sản lượng ở một số nước châu Phi như Nigeria và Angola.
Với việc nắm giữ hơn 40% nguồn cung dầu mỏ toàn cầu, mọi quyết định của OPEC+ có thể tác động lớn đến giá dầu toàn cầu. Đến nay, liên minh này đã cắt giảm sản lượng 3,66 triệu thùng/ngày, tương đương 3,6% nhu cầu toàn cầu. Ngày 5-6, ngay sau thông báo giảm sản lượng của Saudi Arabia, giá dầu tại thị trường châu Á tăng khoảng 2%. Theo Reuters, giá dầu nhiều khả năng sẽ trở lại mức 100 USD/thùng và các nền kinh tế mới nổi không có năng lực ngoại tệ để hỗ trợ việc nhập khẩu xăng dầu sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Chủ trương trên của OPEC+ được coi là hành động đi ngược lại lợi ích của Mỹ bởi Washington kêu gọi giảm mạnh giá dầu để hỗ trợ phục hồi kinh tế toàn cầu.
THƯ LÊ