Quan hệ Mỹ-Nga, hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới, đã “đóng băng” dường như ở tất cả lĩnh vực. Hàng loạt thỏa thuận về kinh tế, quân sự, nhất là liên quan đến kiểm soát lực lượng vũ trang, vũ khí chiến lược, trong đó có vũ khí hạt nhân cũng không ngoại lệ. Đặc biệt, Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) trải qua không ít thăng trầm và đang đứng trước nguy cơ sụp đổ.
Hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-24 Yars của Nga diễu hành qua Quảng trường Đỏ trong lễ duyệt binh năm 2022. Ảnh: Daily Mail |
Trong động thái đáp trả trước quyết định của Nga về đình chỉ tham gia New START hồi tháng 2-2023, Washington tuyên bố chấm dứt thông báo cho Nga theo quy định của hiệp ước, gồm cập nhật tình trạng hoặc vị trí tên lửa và bệ phóng trong danh sách kiểm soát, từ ngày 1-6. Bên cạnh đó, Washington cũng ngừng tạo điều kiện cho việc thanh sát hiệp ước trên lãnh thổ Mỹ bằng cách thu hồi thị thực của các thanh sát viên hạt nhân Nga, từ chối đơn xin giám sát viên mới đang chờ xử lý và hủy bỏ giấy phép tiêu chuẩn cho máy bay Nga vào không phận Mỹ.
Ngày 3-6, Sputnik dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, các biện pháp đáp trả của Mỹ nhằm vào Nga liên quan New START có thể làm trầm trọng thêm tình hình kiểm soát vũ khí. Ông Ryabkov tuyên bố, quyết định của Nga về đình chỉ tham gia hiệp ước sẽ không thể đảo ngược bất chấp biện pháp đáp trả mạnh mẽ nào từ Mỹ. Mặc dù đình chỉ thi hành nhưng Nga sẵn sàng quay lại thảo luận vấn đề tiếp tục tuân thủ hiệp ước với điều kiện tiên quyết là Mỹ phải từ bỏ chính sách thù địch và Nga cần phải biết New START sẽ tính đến kho vũ khí không chỉ của Mỹ mà của cả các cường quốc hạt nhân khác trong NATO là Anh và Pháp như thế nào?
Phản ứng trước động thái của Nga, nhóm 10 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa gần đây trình Quốc hội xem xét dự luật kêu gọi chính quyền rút khỏi New START và tăng cường lực lượng hạt nhân. Đây được xem là dấu hiệu thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang ở lĩnh vực hạt nhân và sẽ làm cho thế giới trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết. Trong khi đó, theo Reuters, hai quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ yêu cầu giấu tên ngày 2-6 tiết lộ, Washington đã đề nghị tuân thủ các giới hạn về vũ khí hạt nhân được đặt ra trong New START cho đến khi hết hạn vào năm 2026 nếu Nga cũng thực hiện bước đi tương tự.
Theo AP, trong bài phát biểu gần đây trước Hiệp hội kiểm soát vũ khí, nhóm vận động kiểm soát vũ khí lâu đời nhất của Mỹ, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan thông báo việc chính quyền Tổng thống Joe Biden sẵn sàng nối lại đàm phán một cách vô điều kiện với Nga về quản lý các nguy cơ hạt nhân, trong đó có khả năng thay thế New START bằng hiệp ước mới.
Những diễn biến trên cho thấy, vấn đề kiểm soát kho vũ khí hạt nhân theo New START giữa hai cường quốc đang rơi vào trạng thái bất ổn chưa từng có và khó đoán định khi tình hình thực tế có nhiều diễn biến khó lường dù cả Nga và Mỹ luôn tuyên bố sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên. Xét về điều kiện mà hai bên đặt ra để quay trở lại New START hay thảo luận tìm hiệp ước mới thay thế, ngoài những yêu cầu trái ngược nhau lại có điểm chung duy nhất là đều đề cập đến các nước có kho vũ khí hạt nhân là Anh, Pháp và Trung Quốc. Như vậy, những thách thức mới không hề nhỏ sẽ xuất hiện trong quá trình đàm phán để thiết lập hiệp ước thay thế mà các bên liên quan có thể chấp nhận được.
Có thể nói, sự bất hòa giữa Nga và Mỹ về vấn đề địa chính trị trong cấu trúc an ninh của châu Âu đã và đang đặt số phận tồn tại của New START trở nên mong manh, đồng thời cũng là thách thức đối với Tổng thống Biden với cam kết phấn đấu hướng tới thế giới không có vũ khí hạt nhân trong thông điệp được ông viết vào cuốn sổ lưu bút của Bảo tàng Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima hồi tháng 5-2023.
New START được ký kết vào năm 2010 và sẽ kết thúc vào năm 2026. Đây là hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý duy nhất còn lại về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ. Hiệp ước quy định mỗi bên cắt giảm kho vũ khí tấn công chiến lược của mình để sau 7 năm kể từ ngày hiệp ước có hiệu lực, tổng số lượng vũ khí không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo gắn trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng, cũng như 1.550 đầu đạn và 800 thiết bị phóng tên lửa đã được triển khai, chưa được triển khai. Nga và Mỹ hiện vẫn sở hữu khoảng 90% đầu đạn hạt nhân của toàn thế giới. |
TUYẾT MINH