Fed giữ nguyên lãi suất sau 10 lần tăng liên tiếp, Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo, Đức lần đầu công bố Chiến lược An ninh quốc gia và ông Donald Trump trở thành cựu tổng thống Mỹ đầu tiên bị truy tố ở cấp liên bang là những sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.
Trụ sở Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tại Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN |
Fed giữ nguyên lãi suất sau 10 lần tăng liên tiếp
Ngày 14-6, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 5,0 - 5,25%. Đây là lần không tăng lãi suất đầu tiên của Fed sau 10 lần tăng liên tiếp trước đó, kể từ tháng 3-2022 nhằm kiềm chế lạm phát trong nước.
Trong tuyên bố chính sách đưa ra trong cuộc họp, Fed cho biết việc giữ nguyên lãi suất sẽ cho phép cơ quan này đánh giá thêm thông tin và tác động đối với chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương Mỹ cảnh báo lãi suất có thể tăng tối đa 0,5% trong năm 2023, đối phó với đà giảm lạm phát chậm hơn kỳ vọng.
Giới chức cũng cho biết thêm việc tăng lãi suất cao hơn sẽ được tính đến trên cơ sở đánh giá mức độ thắt chặt tích lũy của chính sách tiền tệ, độ trễ mà chính sách tiền tệ tác động đến hoạt động kinh tế, lạm phát cũng như sự phát triển kinh tế và tài chính.
Trước đó, giới quan sát tin rằng Fed khó có khả năng tăng lãi suất trong kỳ họp chính sách kéo dài hai ngày, do không xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sự chuẩn bị cho việc tăng lương cơ bản của Mỹ và số lượng việc làm đang tăng trưởng vượt xa dự báo.
Theo giới chuyên gia, quyết định mới của Fed được coi là phù hợp với dự đoán của thị trường sau những diễn biến liên quan tới kinh tế Mỹ gần đây, khi tỷ lệ lạm phát của nước này trong tháng 5 đã hạ xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây.
Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo
Ngày 15-6, Quân đội Hàn Quốc thông báo Triều Tiên đã phóng 2 tên lửa đạn đạo hướng vào vùng biển phía Đông nước này.
Thông cáo báo chí của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) nêu rõ: “Trong khi tăng cường giám sát và nâng cao cảnh giác về các hành động tiếp theo của Triều Tiên, quân đội duy trì tình trạng sẵn sàng ứng phó, trong sự phối hợp chặt chẽ với Mỹ”.
Chính phủ Nhật Bản cho biết 2 tên lửa do Triều Tiên phóng đi chiều ngày 15-6 đã rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản. Nhật Bản cũng đã lên tiếng phản đối vụ phóng trên của Triều Tiên.
Vụ phóng mới nhất của Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc vừa kết thúc cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn nhất, cũng là cuộc tập trận đầu tiên kiểu này trong 6 năm qua, tại thao trường Pocheon, chỉ cách biên giới liên Triều 25km. Đây là vòng tập trận sau cùng trong cuộc tập trận phối hợp gồm 5 vòng bắt đầu vào tháng trước. Cuộc tập trận này nhằm kỷ niệm 70 năm thành lập liên minh hai nước.
Phản ứng trước các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Triều Tiên tuyên bố các lực lượng của Bình Nhưỡng sẽ đáp trả cứng rắn “bất kỳ hành động khiêu khích nào”.
Đức lần đầu công bố Chiến lược An ninh quốc gia
Ngày 14-6, Chính phủ liên bang Đức đã thông qua Chiến lược An ninh quốc gia, trong đó nhấn mạnh khả năng phòng thủ, chống chịu và thích ứng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu này.
Chiến lược An ninh quốc gia của Đức dài 76 trang - do Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Văn phòng Thủ tướng và các Bộ, ngành khác của chính phủ để biên soạn - phân tích môi trường an ninh theo cách tiếp cận tổng thể có hệ thống dựa trên khái niệm rộng về an ninh và các biện pháp cụ thể.
Văn kiện đưa ra các hướng dẫn với mục đích tăng cường an ninh của nước Đức trước các mối đe dọa, với những định hướng liên bộ ứng phó với các thách thức về chính sách an ninh, bao gồm cả sự tương tác giữa chính quyền trung ương và các địa phương.
Ý tưởng cơ bản của chiến lược là lần đầu tiên tính đến tất cả các mối đe dọa bên trong và bên ngoài đối với an ninh của nước Đức. Ngoài đe dọa quân sự, còn có các cuộc tấn công mạng, các cuộc tấn công có thể xảy ra nhằm vào cơ sở hạ tầng trọng yếu và biến đổi khí hậu.
Chiến lược cũng nêu rõ liên minh xuyên Đại Tây Dương phải có khả năng và quyết tâm chống lại tất cả các mối đe dọa quân sự từ vũ khí hạt nhân, thông thường, cũng như phòng thủ mạng và các mối đe dọa nhắm vào các hệ thống không gian, trong đó việc “duy trì khả năng răn đe hạt nhân đáng tin cậy là điều cần thiết” đối với NATO và an ninh của châu Âu, chừng nào còn vũ khí hạt nhân.
Chính phủ Đức cũng đặt ra một số mục tiêu chiến lược, trong đó Berlin sẽ đạt mục tiêu “trung bình trong nhiều năm” chi 2% Tổng sản phầm quốc nội (GDP) cho quốc phòng của NATO; tăng cường hoạt động phản gián, chống phá hoại và phòng thủ mạng; đẩy mạnh công nghệ quốc phòng ở cấp độ châu Âu; hài hoà các quy định về kiểm soát xuất khẩu vũ khí trên toàn Liên minh châu Âu (EU).
Với chiến lược an ninh quốc gia này, Chính phủ Đức muốn thúc đẩy quá trình hợp tác liên tục giữa tất cả các cấp chính quyền, doanh nghiệp và xã hội vì an ninh của đất nước, góp phần vào củng cố “văn hóa chiến lược” ở Đức.
Ông Donald Trump trở thành cựu tổng thống Mỹ đầu tiên bị truy tố ở cấp liên bang
Chiều ngày 13-6, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trình diện trước Toà án Liên bang tại Miami, bang Florida, sau khi bị truy tố với 37 tội danh liên quan tới lưu trữ trái phép tài liệu mật và cản trở công lý.
Tại tòa, luật sư đại diện cho cựu Tổng thống đã tuyên bố thân chủ của mình không phạm tội. Về phần mình, cựu Tổng thống Trump cũng nhiều lần tuyên bố mình là nạn nhân của các cuộc điều tra mang động cơ chính trị và bác bỏ mọi cáo buộc.
Đây là lần thứ hai cựu Tổng thống Trump đối mặt với các cáo buộc hình sự. Trước đó, hồi tháng 4, ông chủ thứ 45 của Nhà Trắng đã phải trình diện trước tòa án tại New York sau khi bị cáo buộc làm giả sổ sách, chứng từ để che giấu khoản tiền bịt miệng trả cho một ngôi sao phim khiêu dâm. Bên cạnh đó, cựu Tổng thống Trump cũng đang bị điều tra về hành vi vi phạm luật bầu cử tại bang Georgia.
Tuy nhiên, khác với hai vụ việc nêu trên khi mà việc truy tố do các cơ quan địa phương tiến hành, lần này, ông Trump bị truy tố bởi các cơ quan liên bang. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử một cựu Tổng thống Mỹ bị cơ quan liên bang truy tố.
Việc cựu Tổng thống Trump bị cơ quan liên bang truy tố càng khoét sâu sự chia rẽ trong lòng nước Mỹ. Phe Cộng hòa tiếp tục phản ứng mạnh, lên án chính quyền Tổng thống Joe Biden đã biến các cơ quan chính quyền thành vũ khí chính trị để triệt hạ các đối thủ, đe dọa có các hành vi đáp trả.
Song các cuộc thăm dò dư luận cho thấy việc truy tố hầu như không ảnh hưởng tới uy tín của ông Trump trong đảng Cộng hòa. Theo một điều tra do CBS News tiến hành, 60% số người được hỏi cho biết nhìn nhận về ông Trump không thay đổi kể cả sau khi cựu Tổng thống bị truy tố. Cuộc thăm dò của Reuters-Ipsos từ ngày 9-12-6 cho thấy cựu Tổng thống Trump vẫn duy trì vị trí dẫn đầu trong cuộc chạy đua giành đề cử của đảng Cộng hòa ra tranh cử tổng thống năm 2024, bất chấp các cáo buộc hình sự nhằm vào ông. 81% đảng viên Cộng hòa được hỏi cho rằng các cáo buộc chống lại ông Trump mang động cơ chính trị.
Theo Báo Tin tức