Quốc tế
Nhật Bản tìm cơ hội hợp tác sâu rộng với EU
Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực tăng cường hợp tác thương mại và chia sẻ tốt hơn các công nghệ tân tiến. Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio dự kiến ký các thỏa thuận lớn song phương tại hội nghị thượng đỉnh EU-Nhật Bản tại Brussels (Bỉ) ngày 13-7 (giờ địa phương).
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (bên trái) đang công du châu Âu để dự các hội nghị thượng đỉnh NATO và EU tuần này. Ảnh: AP |
Sau khi dự hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Vilnius (Lithuania) ngày 12-7, Thủ tướng Kishida lên đường tới Brussels để họp với các lãnh đạo EU. Brussels và Tokyo dự kiến có những cam kết hợp tác sâu hơn trong các lĩnh vực hàng hải, an ninh mạng và không gian.
Giảm sự lệ thuộc Trung Quốc về thương mại
Theo Japan News, Thủ tướng Kishida dự kiến đạt thỏa thuận về khởi động đối thoại chiến lược Nhật Bản - EU, các cuộc họp cấp bộ trưởng định kỳ về an ninh, quốc phòng giúp củng cố phối hợp Tokyo - Brussels về an ninh hàng hải, bảo đảm chuỗi cung ứng vật liệu thiết yếu. Sự nâng cấp quan hệ hợp tác EU - Nhật Bản là điều rất cần thiết lúc này khi cả hai công khai bày tỏ quan ngại về nhiều động thái quyết đoán gần đây của Trung Quốc. “Mục tiêu chính yếu nhất của ông Kishida trong chuyến công tác tới Trung Đông và châu Âu sẽ là giảm sự lệ thuộc Trung Quốc về thương mại và tài nguyên thiên nhiên nhưng đồng thời cũng thuyết phục các nhà lãnh đạo châu Âu “để mắt” hơn nữa đến sự trỗi dậy của Trung Quốc trong bối cảnh an ninh toàn cầu hiện nay”, G.S Go Ito, chuyên ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Meiji (Tokyo), bình luận với DW.
Trong các tuần qua, Nhật Bản và EU cũng đạt một số thỏa thuận, trong đó có biên bản ghi nhớ đầu tháng 6-2023 về chia sẻ thông tin cung và cầu của các kim loại và khoáng chất hiếm. Những nguyên liệu này rất thiết yếu cho loạt công nghệ mới, trong đó có xe điện và turbine điện gió. Ông Robert Dujarric, đồng Giám đốc chương trình nghiên cứu châu Á đương đại tại Đại học Temple (Tokyo), nói: “Nhật Bản đang nỗ lực giảm tiếp xúc với Trung Quốc và những nguy cơ phát sinh từ đó, do đó quan hệ gần gũi hơn với các nước châu Âu là điều hoàn toàn dễ hiểu”.
Biên bản ghi nhớ khác cũng được ký kết giữa Nhật Bản và EU chuyên về vật liệu bán dẫn, trong đó thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin mau chóng để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng trong tình huống xảy ra thảm họa thiên nhiên hay rắc rối chính trị. Theo đó, Tokyo và Brussels sẽ hợp tác phát triển thế hệ chip mới cũng như đào tạo kỹ sư tương lai cho ngành này. Ngoài ra, còn một vấn đề quan trọng khác là chuyện ông Kishida phải thuyết phục sự chấp thuận của dư luận quốc tế, cụ thể là giới chức EU, về kế hoạch xả nước thải đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 ra Thái Bình Dương.
Mở rộng các liên minh
“Giống như cách Tokyo rất hào hứng với vai trò thành viên trong nhóm G7 và đang nỗ lực gây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với NATO, Nhật Bản coi EU như đối tác ở Thái Bình Dương. Ông Kishida chắc chắn sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quân sự chặt chẽ hơn với các nước châu Âu”, G.S Ito bình luận.
Tại Brussels, nhà lãnh đạo Nhật Bản sẽ gặp Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Theo giới quan sát, các bên nhiều khả năng cam kết tăng cường tần suất tập trận quân sự đa quốc gia ở Thái Bình Dương và hỗ trợ các nước đối tác ở Đông Nam Á trong việc cải thiện năng lực an ninh hàng hải. Thực tế, những động thái gần đây cho thấy, Tokyo đang ngày càng có những quan hệ hợp tác gắn bó hơn với Mỹ và các nước phương Tây. Thông tin NATO mở văn phòng liên lạc tại Nhật Bản được loan truyền trên truyền thông quốc tế những ngày qua. Để hợp tác tốt hơn với Mỹ, Nhật Bản cũng công khai đề xuất tăng ngân sách quốc phòng gấp đôi trong 5 năm, lên mức bằng 2% GDP.
Trước khi lên đường dự hội nghị NATO, ông Kishida cho biết, ông coi sự kiện này là dịp để Nhật Bản “tái khẳng định sự hợp tác với các nước chung quan điểm trong thượng tôn trật tự thế giới mở, tự do và dựa trên luật lệ”; đồng thời cho biết, Nhật Bản và NATO sắp công bố tài liệu hợp tác an ninh mới.
Trung Quốc nhận định về chiến lược “5-4-3-2” của Mỹ Ngày 12-7, tờ Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) đăng bài bình luận chỉ trích động thái của Nhật Bản trong việc tăng kết nối với Mỹ và phương Tây. Theo bài viết, Mỹ đang thiết lập mô hình “5-4-3-2” tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương để duy trì hệ thống bá quyền của mình. Trong đó bao gồm việc củng cố Liên minh Five Eyes (Mỹ, Anh, Úc, New Zealand và Canada), thúc đẩy nhóm Tứ giác kim cương QUAD (Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc), thành lập AUKUS (Anh, Úc, Mỹ) và tăng cường các quan hệ liên minh quân sự song phương, chẳng hạn giữa Mỹ - Nhật Bản. “Ý định thực sự của họ là thiết lập phiên bản NATO tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, bài báo viết. |
TRẦN ĐẮC LUÂN