Thảm họa cháy rừng ở Hawaii

.

Trong mùa hè năm 2023, nhân loại liên tiếp chứng kiến “cơn cuồng nộ” của thiên nhiên từ nắng nóng cực độ đến cuồng phong bão cát, lũ quét kinh hoàng ở nhiều châu lục. Đáng chú ý, cháy rừng vô cùng nghiêm trọng bùng phát tuần này ở phía tây đảo Maui thuộc “thiên đường nghỉ dưỡng” Hawaii (Mỹ) tiếp tục phát cảnh báo mức độ biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt.

Những ngôi nhà bị phá hủy do cháy rừng ở thị trấn nghỉ mát Lahaina (Mỹ) ngày 10-8. Ảnh: AFP
Những ngôi nhà bị phá hủy do cháy rừng ở thị trấn nghỉ mát Lahaina (Mỹ) ngày 10-8. Ảnh: AFP

Theo Reuters, cháy rừng kinh hoàng đã hủy hoại hoàn toàn Lahaina, địa điểm nghỉ dưỡng nổi tiếng và cũng là nơi chứa đựng di sản lâu đời bậc nhất của Hawaii và khiến nó gần như “bị xóa khỏi bản đồ”. Những gì đang xảy ra ở quần đảo này chẳng khác nào “ngày tận thế” hay “vùng chiến sự” theo lời kể của các nhân chứng. Ngọn lửa lan quá nhanh khiến nhiều cư dân và du khách mất cảnh giác, hàng trăm người bị bỏng, ngạt khói và bị thương.

The Guardian dẫn lời giới chức địa phương cho biết, tính đến chiều 11-8, các vụ cháy rừng dữ dội tàn phá đảo Maui khiến ít nhất 53 người thiệt mạng; đồng thời cảnh báo số người chết có thể tiếp tục tăng. Trong khi đó, hàng chục nghìn du khách tháo chạy. Nhiều người buộc phải chạy trốn ngọn lửa bằng cách nhảy xuống biển Thái Bình Dương và sau đó lực lượng cứu hộ bờ biển Mỹ trợ giúp.

Ngày 10-8, Thống đốc Hawaii Josh Green cho biết, việc đánh giá toàn bộ mức độ thiệt hại của thảm họa này có thể mất vài tuần hoặc vài tháng. Theo thống kê ban đầu, 80% thành phố Lahaina bị thiêu rụi, hàng trăm công trình kiên cố bị phá hủy hoặc hư hại, khoảng 1.700 ngôi nhà bị ảnh hưởng và sẽ mất nhiều năm và tốn hàng tỷ USD để tái thiết thị trấn lịch sử Lahaina. Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố tình trạng “thảm họa lớn” ở Hawaii. Trong thông cáo báo chí, Nhà Trắng cho biết ông Biden chỉ thị chính quyền liên bang hỗ trợ bổ sung cho công tác phục hồi của bang và địa phương tại những khu vực bị ảnh hưởng.

Vụ cháy rừng giáng đòn mạnh vào thị trấn du lịch ven biển Lahaina vốn thu hút 2 triệu du khách/năm, tương đương khoảng 80% du khách đến đảo. Đây được xem là thảm họa tồi tệ nhất xảy ra ở Hawaii kể từ năm 1960, một năm sau khi hòn đảo trở thành bang của Mỹ. Vào thời điểm đó, trận sóng thần đã cướp đi sinh mạng của 61 người dân nơi đây.

Hiện chưa rõ nguyên nhân cháy rừng bùng phát ở Hawaii. Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ cho rằng, cháy rừng bùng phát tại Hawaii do “điều kiện lý tưởng”: thời tiết khô nóng kết hợp với gió mạnh. Theo Cơ quan Lâm nghiệp Mỹ, gần 85% các vụ cháy rừng ở nước này có nguyên nhân là con người. Quần đảo Hawaii có 6 núi lửa còn hoạt động, một trong số này nằm trên đảo Maui, cũng có thể là nguyên nhân tự nhiên gây ra cháy rừng. Trong bối cảnh đó, gió mạnh trên đảo do ảnh hưởng từ bão Dora di chuyển cách quần đảo Hawaii hơn 1.000km về phía nam càng khiến những đám lửa đầu tiên bùng cháy dữ dội và lan rộng với tốc độ nhanh bất thường, trở thành những trận bão lửa khiến người dân không kịp trở tay. Trong khi đó, ông Clay Trauernicht, nhà khoa học tại Đại học Hawaii cho rằng, thảm thực vật khô và dày cũng là nguyên nhân khiến lửa lan nhanh bất ngờ.

Bàn về nguyên nhân sâu xa của thảm họa ở Hawaii, The Guardian dẫn lời các nhà khoa học cảnh báo những gì đang diễn ra ở Maui do nhiều yếu tố gây ra, nhưng khủng hoảng khí hậu là nguyên nhân không thể phủ nhận. Theo đó, tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra được thúc đẩy bởi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nạn tàn phá rừng nghiêm trọng... đang làm tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan như vậy.

Thảm họa ở Hawaii cũng gợi lại những cảnh tàn phá kinh hoàng ở những nơi khác trên thế giới vào mùa hè này khi cháy rừng hoành hành tại Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và các khu vực khác của châu Âu và Bắc Mỹ buộc hàng vạn người phải sơ tán. Cơn thịnh nộ chưa dứt của Mẹ thiên nhiên một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn nhân loại hãy nhanh chóng cùng nhau hợp tác, hành động, chia sẻ để ngăn chặn sự nóng lên của trái đất.

“Nhịp tim” của Lahaina bị phá hủy
Những trận hỏa hoạn kinh hoàng bùng phát khắp Maui tàn phá thị trấn lịch sử Lahaina, trong đó có bảo tàng lịch sử chứa đựng các di vật của người bản địa. Đáng chú ý, nơi đây còn có cây đa cổ thụ 150 tuổi lớn nhất ở Mỹ được trồng từ năm 1873, thời điểm những người truyền đạo Thiên Chúa giáo đặt chân đến đây. Đây là món quà đặc biệt từ Ấn Độ. Cây đa cao 18m mang ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân thị trấn khi được ví như “nhịp tim” của Lahaina, che bóng mát cho các sự kiện cộng đồng, bao gồm các hội chợ nghệ thuật ngoài trời trong suốt 150 năm qua.

TUYẾT MINH - TẤN PHÁT

;
;
.
.
.
.
.