Ngày 12-9, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đến Nga để dự hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Vladimir Putin. Chuyến đi thu hút sự chú ý bởi đây không chỉ là chuyến thăm Nga lần đầu của ông sau 4 năm rưỡi và là chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ Covid-19 mà còn diễn ra vào đúng thời điểm hai nước muốn củng cố mặt trận ứng phó hiệu quả hơn trước sức ép gia tăng từ phương Tây.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lên đường tới Nga từ ga tàu hỏa ở Bình Nhưỡng ngày 10-9. Ảnh: KCNA |
“Bước tiến quan trọng”
Yonhap gọi hội nghị thượng đỉnh Nga - Triều Tiên là “bước tiến quan trọng”, dấu hiệu về hợp tác quân sự gia tăng giữa hai bên. Đến nay, vẫn chưa có thông tin về thời gian và địa điểm tổ chức cuộc gặp giữa ông Putin và ông Kim Jong-un. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, cuộc gặp sẽ diễn ra ở vùng Viễn Đông của Nga trong vài ngày tới. Ngày 12-9, Reuters cho biết, đoàn tàu đang hướng đến thành phố Vladivostok ở vùng Viễn Đông.
RT dẫn lời ông Peskov cho biết, các cuộc đàm phán sẽ tập trung vào một số “vấn đề nhạy cảm” cũng như hợp tác kinh tế, văn hóa và tình hình khu vực. Trước đó, New York Times cho biết, ông Kim Jong-un muốn thảo luận thêm về hợp tác quân sự với nhà lãnh đạo Nga. Reuters nhận định, danh sách phái đoàn của ông Kim Jong-un cho thấy chương trình nghị sự tập trung vào hợp tác công nghiệp quốc phòng. Đây có thể là nội dung ưu tiên bởi trong chuyến thăm Bình Nhưỡng tháng 7-2023, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu đề nghị xúc tiến tập trận quân sự chung. Ngoài ra, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko không loại trừ khả năng hai bên cũng sẽ thảo luận việc Nga viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên.
Để “trấn an” Hàn Quốc, Interfax dẫn lời ông Rudenko cho biết, Nga sẽ chuyển cho Hàn Quốc nội dung chi tiết chuyến thăm của ông Kim Jong-un nếu Hàn Quốc yêu cầu bởi Seoul vẫn là đối tác thương mại của Moscow và cả hai có “lợi ích chung trong việc ổn định tình hình ở Đông Bắc Á và bán đảo Triều Tiên”.
Chuyến công du lần này của ông Kim Jong-un diễn ra trong bối cảnh nỗ lực của các bên liên quan về tái khởi động đàm phán về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên vẫn giậm chân tại chỗ. Ngày 11-9, Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo về cuộc khủng hoảng an ninh sắp xảy ra trên bán đảo này do căng thẳng leo thang khi nơi đây vẫn chứng kiến các vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng cũng như tập trận quân sự Mỹ - Hàn Quốc.
Xích lại để “cùng thắng”
Điện Kremlin khẳng định: “Nga và Triều Tiên duy trì quan hệ tốt đẹp, tôn trọng lẫn nhau. Chúng tôi dự định phát triển mối quan hệ này hơn nữa. Các mối liên hệ đang được thực hiện ở nhiều cấp độ khác nhau”; đồng thời nhấn mạnh, Nga coi Triều Tiên là “nước láng giềng rất quan trọng”. Cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Triều gần đây nhất diễn ra tại Vladivostok năm 2019, tập trung thảo luận tình hình bán đảo Triều Tiên. Sở dĩ có cuộc gặp này bởi ông Kim Jong-un thất vọng khi không tìm thấy tiếng nói chung với Mỹ và mong muốn tìm giải pháp ngoại giao hiệu quả hơn. Giờ đây, ông lại đến Nga nhưng với vị thế hoàn toàn khác.
Theo AP, hai nước đang mong muốn xích lại gần nhau hơn bao giờ hết dựa trên cái bắt tay đôi bên cùng có lợi. Triều Tiên đang dần mở cửa lại sau khoảng ba năm chống Covid-19 và họ đang tìm kiếm hỗ trợ của Nga trong nhiều lĩnh vực, từ ngoại giao đến quân sự. Bình Nhưỡng muốn tiếp cận công nghệ mới từ Moscow. Ông Hong Min, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu quốc gia Hàn Quốc cho rằng, ông Kim Jong-un có thể muốn công nghệ của Nga để hỗ trợ kế hoạch chế tạo các hệ thống vũ khí công nghệ cao như tên lửa tầm xa, vũ khí siêu thanh, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và vệ tinh do thám. Không rõ liệu Nga có sẵn sàng cung cấp cho Triều Tiên các công nghệ tiên tiến như vậy hay không bởi rõ ràng Nga luôn bảo vệ chặt chẽ các công nghệ vũ khí quan trọng nhất của mình, ngay cả đối với các đối tác quan trọng như Trung Quốc. Bên cạnh đó, Bình Nhưỡng cũng tìm kiếm viện trợ lương thực, y tế và năng lượng từ Nga để bù đắp sự thiếu hụt sau thời gian dịch bệnh bùng phát.
Trong khi đó, Nga đang tăng tốc củng cố quan hệ với các đồng minh và đối tác thân thiện trên cả mặt trận ngoại giao và quân sự nhằm ứng phó với “bão trừng phạt” và áp lực ngày càng tăng từ phương Tây. Moscow muốn tập hợp mọi nguồn cung cấp quân sự và hỗ trợ quốc tế nhiều nhất có thể trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine vẫn chưa đi đến hồi kết. Không rõ sự hợp tác Nga-Triều có thể tiến xa đến đâu nhưng bất kỳ dấu hiệu nào về mối quan hệ nồng ấm hơn sẽ khiến Mỹ và đồng minh dè chừng.
Vì sao ông Kim Jong-un đến Nga bằng tàu hỏa? Ông Kim Jong-un hiếm khi đi ra ngoài lãnh thổ Triều Tiên kể từ khi lên nắm quyền. Trong chuyến đi này, ông sử dụng phương thức di chuyển ưa thích bằng đoàn tàu bọc thép chuyên dụng vốn không phổ biến đối với một nhà lãnh đạo thế giới trong thế kỷ 21. Theo giới quan sát, an ninh có thể là lý do quan trọng nhất khiến nhà lãnh đạo Triều Tiên ưa chuộng việc di chuyển bằng đường sắt. Dù người ta tin rằng ông Kim Jong-un không sợ đi máy bay nhưng việc Triều Tiên chỉ có các máy bay chở khách vốn đã cũ có thể gây ra những lo ngại nhất định về an toàn. Năm 2009, Chosun Ilbo cho biết, đoàn tàu di chuyển khá chậm do trọng lượng quá lớn với những toa tàu có lớp giáp thép. |
THƯ LÊ