Thúc đẩy tầm nhìn về thế giới an toàn hơn

.

Trong bối cảnh an ninh thế giới diễn biến vô cùng phức tạp, Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 10, sự kiện ngoại giao quân sự thường niên lớn nhất Trung Quốc là cơ hội tốt cho các quốc gia tham dự bày tỏ quan điểm và cùng dàn xếp những khác biệt.

Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 10 diễn ra từ ngày 29 đến 31-10 tại Trung Quốc. Ảnh: Azernews
Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 10 diễn ra từ ngày 29 đến 31-10 tại Trung Quốc. Ảnh: Azernews

Theo Tân Hoa Xã, diễn đàn diễn ra từ ngày 29 đến 31-10 với chủ đề “An ninh chung, hòa bình lâu dài”, thu hút sự chú ý bởi phần nào cho thấy góc nhìn của Trung Quốc trước khả năng tháo gỡ bế tắc trong các điểm “nóng” xung đột vốn đang lần lượt nảy sinh trên thế giới cũng như lập trường của Nga về triển vọng hòa đàm với Ukraine.

Phát biểu tại diễn đàn ngày 29-10, Thượng tướng Trương Hựu Hiệp, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, cho rằng cộng đồng quốc tế phải nỗ lực hết sức để đạt hòa bình và an ninh bền vững khi thế giới vẫn còn không ít điểm nóng xung đột với quy mô lớn cũng như phải đối mặt với nhiều thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống. Đáng chú ý, NDTV dẫn lời quan chức này ngày 30-10 nhận định: “Một số quốc gia đang cố tình tạo ra tình trạng hỗn loạn, can thiệp vào các vấn đề khu vực, can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác và xúi giục cách mạng màu”. Về các mối quan hệ với các cường quốc khác, Trung Quốc cam kết tăng cường hợp tác và phối hợp chiến lược với Nga; đồng thời trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi, phát triển quan hệ quân sự với Mỹ.

Reuters nhận định, Trung Quốc hy vọng thông qua diễn đàn này để thúc đẩy tầm nhìn của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình về một thế giới an toàn hơn và đưa các nước đang phát triển lại gần nhau hơn. Ông Zhao Yufei, quan chức thuộc ban tổ chức, cho biết diễn đàn sẽ kêu gọi các nước đang phát triển chống lại sự đối đầu giữa các khối và “tâm lý chiến tranh lạnh”. Ý định này được làm rõ thông qua phát biểu của Thượng tướng Trương Hựu Hiệp khi ông nhấn mạnh, diễn đàn thể hiện quyết tâm của Trung Quốc cùng hợp tác với tất cả quốc gia để hiện thực hóa Sáng kiến an ninh toàn cầu do ông Tập Cận Bình công bố vào năm 2022 nhằm bảo đảm an ninh cho mọi quốc gia trong bối cảnh thế giới đang biến chuyển nhanh chóng và khó lường.

Trong khi đó, ngày 30-10, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nhấn mạnh: “Chúng tôi chủ trương tiếp tục hợp tác quân sự và kỹ thuật quân sự với các quốc gia quan tâm, gồm cung cấp và bảo trì thiết bị quân sự, đào tạo nhân sự, tập trận chung, tàu chiến ghé thăm và các sự kiện liên quan khác”. Đồng thời, ông Shoigu lưu ý, các sự kiện diễn ra trên thế giới buộc Nga phải điều chỉnh ưu tiên trong chính sách đối ngoại, mà vị trí đặc biệt trong số các ưu tiên đó là khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi có các quốc gia do vị trí địa lý mà Nga có truyền thống duy trì quan hệ chặt chẽ.

Theo RT, ông Shoigu chỉ trích phương Tây lấy cớ nhằm tạo ra “liên minh an ninh châu Âu- Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, điều sẽ biện minh cho sự hiện diện của các căn cứ quân sự của NATO ở châu Á. Cách tiếp cận như vậy làm suy yếu nghiêm trọng nguyên tắc an ninh thống nhất vốn được thúc đẩy bởi Nga và Trung Quốc để hướng đến “cộng đồng chung tương lai”. Do đó, “liên minh không thể chia cắt” mà NATO đang cố gắng áp đặt đã vi phạm nguyên tắc an ninh toàn cầu. Song, ông Shoigu cho biết, Nga vẫn sẵn sàng đối thoại để giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine, đàm phán về giải pháp hậu xung đột và “cùng tồn tại” với phương Tây. “Nếu các điều kiện cần thiết được tạo ra, chúng tôi vẫn sẵn sàng cho các cuộc thảo luận chính trị trên cơ sở thực tế.”, ông Shoigu nhấn mạnh. Liên quan việc Nga bất ngờ hủy bỏ phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT), ông Shoigu khẳng định, hành động này không có nghĩa là rút khỏi hiệp ước mà chỉ là bảo đảm sự cân bằng với Mỹ, nước chưa phê chuẩn hiệp ước.

TUYẾT MINH - TẤN PHÁT

Việt Nam kêu gọi tôn trọng lợi ích, an ninh để cùng xây dựng hòa bình
Tham dự diễn đàn, phát biểu tại phiên toàn thể với chủ đề “Vai trò của các nước đang phát triển trong an ninh toàn cầu”, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, nêu rõ mọi quốc gia đều mong có môi trường an ninh toàn diện, kết nối, hội nhập, hài hòa trên tất cả các lĩnh vực; lợi ích, an ninh của các quốc gia dù lớn hay nhỏ, phát triển hay đang phát triển đều cần được thấu hiểu, ghi nhận, tôn trọng để cùng nhau xây dựng hòa bình, phát triển. Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn tốt, đối tác tin cậy của tất cả các nước và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Để cùng nhau thực hiện khát vọng xây dựng một thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển phồn vinh, Đại tướng Phan Văn Giang nêu rõ Việt Nam mong muốn mọi quốc gia tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia của nhau. Các quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển cần đề cao “tự chủ chiến lược”; tôn trọng sự đa dạng, tính đặc thù, điều kiện riêng của từng nước nhưng luôn hướng tới sự thống nhất, đồng thuận về nhận thức, trách nhiệm, hành động trước các vấn đề an ninh toàn cầu; cùng hợp tác, xây dựng lòng tin chiến lược. Mỗi quốc gia cũng cần thực hiện đúng các cam kết đã đưa ra, đề cao nghĩa vụ, trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. TTXVN

 

 

;
;
.
.
.
.
.