Quốc gia có người lao động hạnh phúc nhất

.

Không phải Thụy Sĩ, Thụy Điển hay Canada vốn là hình mẫu hoàn hảo của chất lượng sống cao, Thổ Nhĩ Kỳ chính là nơi người lao động đang hạnh phúc nhất, theo sau là Trung Quốc và Ấn Độ. Trong khi đó, Nhật Bản ở cuối bảng xếp hạng.

Người dân hối hả rảo bước trên đường trong buổi sáng ở bên ngoài nhà ga Tokyo (Nhật Bản). Ảnh: Bloomberg
Người dân hối hả rảo bước trên đường trong buổi sáng ở bên ngoài nhà ga Tokyo (Nhật Bản). Ảnh: Bloomberg

Đây là kết quả khảo sát được công bố ngày 2-11 do Viện sức khỏe McKinsey (thuộc hãng tư vấn McKinsey & Company có trụ sở tại Mỹ) thực hiện với hơn 30.000 lao động tại 30 quốc gia. Nghiên cứu đánh giá nhiều phương diện sức khỏe khác nhau của người lao động, gồm thể chất, tinh thần, xã hội và tín ngưỡng.

Bất ngờ Thổ Nhĩ Kỳ

Trong một kỷ nguyên mà môi trường công sở hiện đại đồng nghĩa với những biến đổi nhanh chóng, các thời hạn chót được đặt ra liên tục và yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao, vấn đề sức khỏe người lao động là điều cần được quan tâm hơn bao giờ hết. Người lao động không chỉ cần được thư giãn sau những giờ lao động căng thẳng, họ cần có giải pháp toàn diện giúp ngăn ngừa tình trạng quá tải, có trạng thái hạnh phúc, từ đó cũng giúp doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều hơn.

Có lẽ với nhiều người, việc Thổ Nhĩ Kỳ giành ngôi “quán quân” trong bảng xếp hạng là điều bất ngờ. Quốc gia này đạt 78% trong thang điểm 100% về đánh giá mức độ hạnh phúc của người lao động. Liền sau đó là Ấn Độ (76%) và Trung Quốc (75%). Mức điểm trung bình toàn cầu là 57%. “Với hầu hết người trưởng thành, phần lớn khoảng thời gian thức giấc mỗi ngày của họ là ở nơi làm việc”, các tác giả báo cáo viết. Rõ ràng, chủ doanh nghiệp chính là những người có tác động gần như lớn nhất tới trạng thái hạnh phúc của các nhân viên họ đang quản lý.

Bằng việc nhấn mạnh mối liên hệ không thể tách rời giữa sự hài lòng trong công việc với tâm trạng hạnh phúc tổng thể của người lao động, khảo sát của McKinsey nhấn mạnh sự cần thiết với các tổ chức doanh nghiệp trong thay đổi, thiết kế môi trường công sở để tạo sự cân bằng giữa yêu cầu công việc và trạng thái hạnh phúc của mỗi nhân viên. Theo McKinsey, những người lao động làm việc tích cực cũng là những người có sức khỏe tổng thể tốt hơn. Họ cũng sáng tạo hơn trong công việc và cho thấy hiệu quả làm việc tốt hơn.

Chia sẻ với tạp chí Forbes về các nội dung báo cáo, bà Jacqueline Brassey, đồng lãnh đạo tại McKinsey, lưu ý về sự cần thiết để hiểu về cái gọi là mức độ cân bằng phức tạp của các động lực trong công việc. “Việc nhận thấy công việc của bạn có ý nghĩa, hay việc là một người làm việc dẻo dai, đều là các động lực quan trọng cho sức khỏe tổng thể tốt hơn. Tuy nhiên, nếu chỉ là những yếu tố này thôi thì chưa đủ để ngăn bản thân bạn khỏi tình trạng bị kiệt sức nếu các yêu cầu đặt ra với bạn quá cao. Các chủ lao động cần nhận ra điều này và nên bắt đầu xem xét các yếu tố thúc đẩy cũng như các yêu cầu với người lao động, để biết được điều gì thực sự đang thúc đẩy các kết quả làm việc của họ”, bà Brassey khuyến nghị.

Vì sao Nhật Bản đứng cuối?

Khảo sát của McKinsey cho thấy Nhật Bản đứng ở chót bảng xếp hạng toàn cầu về mức độ hạnh phúc của người lao động khi quốc đảo này chỉ đạt điểm 25%. Bà Rochelle Kopp, thành viên hội đồng quản trị công ty MS&AD Insurance Group Holdings, cũng là chuyên gia tư vấn cho các doanh nghiệp về cách thức giao tiếp liên văn hóa cũng như cách làm việc trong mỗi doanh nghiệp, đã có những kiến giải về vấn đề này với Bloomberg.  Bà cho rằng, mặc dù các doanh nghiệp Nhật Bản đã tạo dựng được danh tiếng ở chỗ mang lại cho người lao động những công việc trọn đời và sự bảo đảm an toàn cho nghề nghiệp của họ, song điều đó cũng có nghĩa người lao động sẽ cảm thấy khó khăn hơn khi muốn “nhảy việc” nếu họ cảm thấy không hạnh phúc với vị trí hiện có. Chuyên gia này lưu ý thực tế Nhật Bản thường xuyên ở những vị trí thấp trong các khảo sát quốc tế như thế này, và các kết quả đó phần nào phản ánh thực tế.

“Có những vấn đề đáng kể ở Nhật Bản cho thấy thiếu sự hài lòng nơi công sở, cộng thêm những mức độ căng thẳng lớn”, bà Rochelle Kopp bình luận. Chưa kể là số lao động Nhật Bản làm việc theo các hợp đồng ngắn hạn cũng đang tăng lên, từ đó cũng làm gia tăng cảm giác bất an với những người làm việc, bà cho biết thêm.

Hạnh phúc của người lao động - nhìn từ góc độ kinh tế
Việc thúc đẩy những điều kiện để người lao động có sức khỏe tổng thể tốt không chỉ vì lợi ích của bản thân mỗi người lao động. Ở đây còn có tác động kinh tế quan trọng. Tình trạng các nhân viên không tha thiết với công việc, hay tỷ lệ bỏ việc cao là những điều thường thấy ở những người lao động cảm thấy không hoặc ít hạnh phúc với công việc. Điều này có thể gây ra những hậu quả kinh tế tồi tệ. Chẳng hạn theo nghiên cứu của Viện Sức khỏe McKinsey, những vấn đề vừa nêu có thể gây ra thiệt hại cho sản xuất vào khoảng từ 228 triệu đến 355 triệu USD mỗi năm cho một doanh nghiệp tầm trung thuộc danh sách các công ty trong nhóm 500 công ty đại chúng lớn nhất của Mỹ đang niêm yết trên hai sàn NYSE hoặc NASDAQ.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.