AI vốn luôn là nỗi bận tâm sâu sắc của nhiều nước vì tác động tiềm tàng đến kinh tế và an ninh quốc gia. Nhằm khẳng định vai trò tiên phong của Mỹ trong nỗ lực toàn cầu quản lý rủi ro của AI, ngày 30-10, Tổng thống Joe Biden ký sắc lệnh hành pháp toàn diện đầu tiên về công nghệ này.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ký sắc lệnh hành pháp toàn diện đầu tiên về AI vào ngày 30-10. Ảnh: AP |
Sắc lệnh mang tính bước ngoặt của Mỹ gây chú ý bởi nội dung giải quyết gần như mọi mối lo ngại về công nghệ đang phát triển nhanh chóng này về mặt an ninh mạng, cạnh tranh toàn cầu, phân biệt đối xử và giám sát kỹ thuật của các hệ thống AI tiên tiến.
Tiếp cận hầu hết khía cạnh
AFP dẫn thông báo từ Nhà Trắng cho biết, sắc lệnh hướng đến giảm thiểu rủi ro mà trí tuệ nhân tạo (AI) có thể gây ra, thiết lập các tiêu chuẩn mới về an toàn và bảo mật, bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, thúc đẩy đổi mới và cạnh tranh trong lĩnh vực AI. Rõ ràng, sắc lệnh này cũng giúp Mỹ có những cơ sở pháp lý rõ ràng để phát triển công nghệ tương lai.
Cụ thể, sắc lệnh yêu cầu các công ty khi phát triển các hệ thống AI, mà có nguy cơ gây rủi ro cho an ninh và nền kinh tế quốc gia, sức khỏe hoặc an toàn cộng đồng, phải chia sẻ kết quả kiểm tra an toàn với Chính phủ trước khi công bố rộng rãi. Trong khi đó, các cơ quan chức năng của Chính phủ phải thiết lập tiêu chuẩn, công cụ và thử nghiệm để giúp bảo đảm hệ thống AI an toàn, bảo mật và đáng tin cậy. Để bảo đảm thông tin liên lạc của chính phủ được rõ ràng, Bộ Thương mại Mỹ sẽ đưa ra các hướng dẫn xác thực nội dung và đóng dấu mờ đối với các mục nhãn do AI tạo ra. Ngoài ra, sắc lệnh khuyến khích xúc tiến nghiên cứu AI toàn quốc, thúc đẩy hệ sinh thái AI công bằng, cởi mở và cạnh tranh.
Đáng chú ý, sắc lệnh mới dựa trên Đạo luật Sản xuất quốc phòng thời Chiến tranh Lạnh, vốn cho phép chính phủ liên bang có sự kiểm soát nhất định đối với các công ty khi an ninh quốc gia bị đe dọa; đồng thời giải quyết rủi ro liên quan đến hóa học, sinh học, phóng xạ, hạt nhân và an ninh mạng. Reuters dẫn lời Phó Chánh văn phòng Nhà Trắng Bruce Reed ca ngợi sắc lệnh là “hành động mạnh mẽ nhất” mà bất kỳ chính phủ nào trên thế giới từng thực hiện để đảm bảo an ninh AI. “Đây là bước tiếp theo trong chiến lược tích cực nhằm thực hiện mọi hành động trên mọi mặt trận để khai thác lợi ích và giảm thiểu rủi ro của AI ”, ông Reed nói.
Đằng sau mệnh lệnh
Đến nay vẫn còn những câu hỏi không dễ trả lời về AI như “Đây là bước đi thần tốc của sự phát triển hay mối đe dọa đối với nhân loại?” Theo Politico, hầu hết các nhà quan sát nhận thấy có ba nhóm lớn đang cố gắng tác động đến chính sách AI. Cụ thể, nhóm người cấp tiến coi AI là mối đe dọa đối với người Mỹ, phần lớn là do tác động của nó đối với các vấn đề liên quan đến an ninh việc làm, dân quyền và thành kiến chủng tộc. Có những người theo đuổi “chủ nghĩa dài hạn” (longtermism) với mục tiêu cứu rỗi con người khỏi các hiểm họa tương lai như AI với nỗi lo tiềm năng của công nghệ này một ngày nào đó được sử dụng để phát triển vũ khí sinh học gây chết người. Ngoài ra, có những người theo “tư tưởng diều hâu” về AI khi họ lo lắng công nghệ mới nổi có thể làm suy yếu quyền bá chủ địa chính trị và an ninh quốc gia của Mỹ. Theo giới quan sát, sắc lệnh mới nhất này có thể giúp xoa dịu những nỗi lo của những nhóm trên.
Các quan chức Nhà Trắng cho biết, việc công bố sắc lệnh được thúc đẩy một phần bởi tính chính trị của vấn đề công nghệ trước đó: mạng xã hội. Sau nhiều cơ hội bị bỏ lỡ trong việc quản lý các nền tảng công nghệ hàng đầu như Facebook hay YouTube, Nhà Trắng coi AI là cơ hội để định hướng bước nhảy vọt công nghệ lớn tiếp theo của thế giới khi nó vẫn còn ở giai đoạn sơ khai. Đồng thời họ kỳ vọng những nguyên tắc mới nhất về AI sẽ kết nối trở với thông điệp tái tranh cử của ông Biden: duy trì niềm tin của công chúng vào nền dân chủ và bảo vệ quyền cá nhân của người dân.
Hội nghị cấp cao đầu tiên về an ninh AI Hội nghị Cấp cao về An ninh trí tuệ nhân tạo (AI Security Summit) diễn ra trong hai ngày 1 và 2-11 tại Anh, với sự tham gia của các nhà lãnh đạo chính trị từ khoảng 28 quốc gia, các giám đốc điều hành của các công ty công nghệ lớn cùng các nhà phát triển hàng đầu về AI. Tại hội nghị cấp cao đầu tiên về an ninh AI trên thế giới này, chương trình nghị sự thảo luận những lo ngại ngày càng gia tăng về tác động của AI tạo sinh, cũng như việc liệu quy định hiện nay có đủ để kiểm soát thách thức mà công nghệ này đặt ra hay không. Bên cạnh những lợi ích vượt trội đối với xã hội và đời sống con người, AI tạo sinh, mô hình AI tiên tiến nhất, cũng gây quan ngại về nhiều vấn đề như tình trạng mất việc làm và tấn công mạng hay việc con người mất kiểm soát đối với hệ thống AI. Thủ tướng Anh Rishi Sunak hy vọng các đại biểu “sẽ nỗ lực hết sức để đạt tuyên bố quốc tế đầu tiên về bản chất của những rủi ro này,” đồng thời đề xuất thành lập ủy ban chuyên gia quốc tế tương tự như ủy ban đã được lập để ứng phó với biến đổi khí hậu. |
THƯ LÊ