Thêm hiệp ước an ninh đổ vỡ

.

Ngay sau khi Nga công bố rút hoàn toàn khỏi Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE), các nước thành viên NATO cũng tuyên bố sẽ đình chỉ hiệp ước này để phản ứng với quyết định của Moscow.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên phải) và Phó Thủ tướng thứ nhất Andrei Belousov tại cuộc họp ngày 7-11 ở Moscow (Nga). Ảnh: AP
Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên phải) và Phó Thủ tướng thứ nhất Andrei Belousov tại cuộc họp ngày 7-11 ở Moscow (Nga). Ảnh: AP

Ngày 7-11, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ra tuyên bố chỉ trích Nga rút khỏi CFE; đồng thời cho biết, các nước thành viên của khối này cũng sẽ đình chỉ CFE cho tới khi nào còn cần thiết. Rất nhiều trong số 31 thành viên của NATO là các bên tham gia CFE tại châu Âu. NATO khẳng định, quyết định đình chỉ được mọi thành viên trong liên minh ủng hộ, và họ khẳng định điều đó phù hợp với luật pháp quốc tế. Mỹ cũng cho biết sẽ đình chỉ các trách nhiệm liên quan CFE từ ngày 7-12. Diễn biến mới đáng chú ý này khiến dư luận lo ngại về tương lai của các hiệp ước kiểm soát vũ khí khác tại châu Âu.

Chỉ trích lẫn nhau

Nga lý giải, sở dĩ họ rút khỏi CFE là vì động thái mở rộng của liên minh quân sự NATO ngày càng tiến sát hơn biên giới của họ, đồng nghĩa với việc làm xói mòn các nguyên tắc của hiệp ước. Trong khi đó, Mỹ chỉ trích việc Nga rút khỏi hiệp ước, cùng với xung đột tại Ukraine, “làm thay đổi về căn bản” tình huống liên quan tới hiệp ước, và cũng như trách nhiệm của các bên tham gia.

Trước chỉ trích này, ngày 8-11, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov không ngần ngại đáp lại rằng, việc đổ thừa trách nhiệm khi xảy ra đổ vỡ trong cấu trúc đảm bảo an ninh quốc tế vẫn là việc lâu nay Washington vẫn làm. “Với quyết định rút bỏ, Nga phát tín hiệu rõ ràng: những nỗ lực kiến tạo an ninh quân sự tại châu Âu mà không tính tới quan ngại của chúng tôi đều sẽ thất bại”, ông Antonov phát biểu trên Telegram của Đại sứ quán Nga tại Mỹ.

Cùng với Mỹ, Anh cũng phát thông cáo độc lập cho biết, nước này sẽ đình chỉ tham gia CFE. Ở diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Đức khẳng định, nước này và các đồng minh sẽ không rút khỏi CFE. Đức vẫn sẽ tiếp tục tuân thủ những giới hạn đặt ra với các nước về hệ thống vũ khí nêu trong hiệp ước nhưng cũng nhấn mạnh: “Việc bảo đảm thế cân bằng về các lực lượng vũ trang thông thường tại châu Âu sẽ không thể được thực hiện nếu không có sự tham gia của Nga”.

AP trích dẫn thông cáo của Bộ ngoại giao Nga cho biết: “ Nga đã để ngỏ cánh cửa đối thoại về phương thức có thể khôi phục hiệu lực của việc kiểm soát các vũ khí thông thường ở châu Âu. Tuy nhiên các đối thủ của chúng tôi không tận dụng cơ hội đó”.

Mong manh các thỏa thuận

Tháng 2-2023, khi căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Nga tăng cấp độ sau khi xung đột tại Ukraine xảy ra, Nga đình chỉ việc tham gia hiệp ước New START, hiệp ước kiểm soát vũ khí còn lại cuối cùng giữa hai nước. Trước đó, năm 2019, sau khi cáo buộc nhau vi phạm những cam kết, hai nước rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) từng đạt được vào năm 1987.

AP dẫn lời ông William Alberque, Giám đốc nghiên cứu phụ trách mảng chiến lược, công nghệ và kiểm soát vũ khí thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, bày tỏ lo ngại về khả năng sẽ còn có thêm hiệp ước kiểm soát vũ khí khác bị đe dọa. “Điều cần thiết ngay lúc này là minh bạch hơn, giảm thiểu rủi ro hơn, và thêm biện pháp điều chỉnh hoặc kiểm soát cạnh tranh. Về cơ bản, cần quản lý sự cạnh tranh để nó không biến thành cuộc chạy đua vũ khí gây hậu quả nghiêm trọng”, ông Alberque nói.

Trong số những phản ứng liên quan vụ việc, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định, cấu trúc an ninh ở châu Âu cần phải được xây dựng trên nền tảng của những hiệp ước như CFE. Do đó, Ankara sẽ tiếp tục trao đổi về vấn đề này với tất cả các bên liên quan để có thể thúc đẩy việc khôi phục những thỏa thuận giúp kiểm soát và giải giáp vũ khí.

CFE “không còn nguyên bản”?
CFE được ký kết vào tháng 11-1990 và chỉnh sửa năm 1997 giữa 15 quốc gia thành viên NATO và 7 quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Warszawa trong những năm cuối cùng của thời kỳ Chiến tranh lạnh. Mục đích là loại bỏ nguy cơ xảy ra chiến tranh ở châu Âu bằng cách cắt giảm đáng kể lực lượng chiến đấu thông thường, giới hạn toàn diện đối với các loại thiết bị quân sự thông thường và phá hủy vũ khí dư thừa. Tuy nhiên, theo TASS, các nước NATO chưa bao giờ phê chuẩn phiên bản đã chỉnh sửa năm 1997 của CFE mà chỉ tiếp tục thực hiện các điều khoản cũ của bản năm 1990. Vì lẽ đó, Nga buộc phải đình chỉ CFE vào năm 2007 và dừng hoàn toàn việc tham gia văn bản này vào năm 2015.
Ngày 29-5-2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh phản đối CFE. Sắc lệnh này có hiệu lực vào ngày 9-6 và khởi động quá trình Nga rút hoàn toàn khỏi hiệp ước. Lý do được Điện Kremlin đưa ra là hiệp ước này thường xuyên bị các nước NATO vi phạm. Theo Nga, hành động mở rộng liên minh quân sự này của Mỹ đã khuyến khích các nước đồng minh của họ công khai “qua mặt” những biện pháp hạn chế của CFE, khiến “Hiệp ước CFE trong hình thái nguyên bản đã xa rời thực tiễn”, theo Bộ Ngoại giao Nga.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.