Trung Á trước đây vốn không phải là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) nói chung và Pháp nói riêng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khu vực vốn được coi là “sân sau” của Nga đang khẳng định vị thế địa chiến lược vô cùng quan trọng, đặc biệt khi khủng hoảng Nga-Ukraine đang thay đổi cục diện quan hệ địa chính trị toàn cầu.
Trung Á có tuyến vận tải đường bộ, đường sắt Á-Âu, với rất nhiều lợi ích kinh tế, tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, năng lượng đa dạng. Đặc biệt, Kazakhstan có thể xem là cường quốc tài nguyên thiên nhiên của thế giới, với trữ lượng lớn về uranium, lithium, cobalt, dầu mỏ. Với nguồn nguyên liệu quý hiếm, dồi dào, không chỉ EU nói chung, Pháp nói riêng mà rất nhiều cường quốc khác trong khu vực và trên thế giới đặc biệt mong muốn tiếp cận, nhất là trong bối cảnh thế giới chạy đua sản xuất pin điện, năng lượng mới và tác động từ “bão trừng phạt” của phương Tây nhằm vào Nga.
Mặt khác, xung đột Nga - Ukraine khiến quan hệ EU - Nga nhanh chóng biến thành cuộc đối đầu toàn diện thì việc thâm nhập vào khu vực này có thể xem là cách mà EU tiếp cận các vùng ảnh hưởng của Nga, khiến nước này có thêm mối bận tâm khác để không thể dồn toàn lực cho các mục tiêu ở phía Tây.
Vì thế, kể từ năm 2022, EU, đặc biệt Pháp, đang tìm mọi cách để xích lại gần hơn với Trung Á dựa trên những tính toán khác nhau. Trước tiên, EU “tung” đại dự án “Global Gateway” (Cổng kết nối toàn cầu) với tham vọng thông qua triển khai các dự án cơ sở hạ tầng, công nghệ kết nối EU với nhiều khu vực đang phát triển trên thế giới, trong đó trọng tâm hướng về Trung Á. Một mặt tạo dựng ảnh hưởng của châu Âu tại khu vực này, mặt khác cạnh tranh địa chính trị với các cường quốc khác mà chủ yếu là Nga và Trung Quốc. Tiếp đó, EU tổ chức hai hội nghị thượng đỉnh với Trung Á vào tháng 10-2022 tại Kazakhstan và tháng 6-2023 tại Kyrgyzstan.
Cùng với đó là chuyến đi của Chủ tịch EU đến Kazakhstan để dự thượng đỉnh EU - Trung Á và sau đó thăm Uzbekistan để thúc đẩy các bên đưa ra lộ trình hợp tác cụ thể, như giữa các nước này với các liên minh nguyên liệu và pin châu Âu do EU khởi động. Bên cạnh đó, các bước đi mới nhất này còn nằm trong nỗ lực của EU nhằm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược mới với các quốc gia Trung Á. Ngoài ra, EU luôn có ý định tìm kiếm ủng hộ từ các nước Trung Á để liên minh này đẩy mạnh vai trò hòa giải lớn hơn trong xung đột Azerbaijan - Armenia.
Vì những mục tiêu và toan tính đó, theo France24, ngày 1-11, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bắt đầu chuyến thăm Kazakhstan và Uzbekistan nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác tại Trung Á, nơi Paris hy vọng có được thỏa thuận về urani cho các nhà máy hạt nhân của nước này. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng với các nhà cung cấp lớn hiện tại của EU là Niger và Nga. Pháp và Kazakhstan đã ký các thỏa thuận kinh doanh, gồm tuyên bố ý định hợp tác về đất hiếm và kim loại hiếm.
Tại cuộc gặp với Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, ông Macron nhấn mạnh: “Pháp coi trọng con đường mà các bạn chọn cho đất nước của mình, từ chối trở thành chư hầu của bất kỳ cường quốc nào và tìm cách xây dựng nhiều mối quan hệ cân bằng và đa dạng với các quốc gia khác nhau”. Ngay sau tuyên bố này, cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, với tư cách là quốc gia có chủ quyền, Kazakhstan được tự do phát triển quan hệ với bất kỳ quốc gia nào. Nga đánh giá rất cao quan hệ với Kazakhstan và khẳng định: “Chúng tôi có mối quan hệ lịch sử, quan hệ đối tác chiến lược với Kazakhstan. Lợi ích của chúng tôi được thống nhất ở nhiều tổ chức quốc tế”. Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chỉ trích phương Tây đang tìm mọi cách để kéo “các nước láng giềng, bạn bè và đồng minh” ra khỏi nước này trong nỗ lực cô lập Nga.
TUYẾT MINH