Ấn Độ hướng đến cơ hội lịch sử tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc

.

Ấn Độ đang nỗ lực để có được một ghế trong bàn đàm phán với 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Nga đứng sau nỗ lực này của Ấn Độ nhưng Trung Quốc lại tỏ ra không mấy mặn mà với việc thừa nhận gã khổng lồ Nam Á này.

Uy tín của Ấn Độ gia tăng

Trong khi các cơ quan khác của Liên Hợp Quốc (LHQ) chỉ có thể đưa ra quyết định mang tính khuyến nghị, các nghị quyết của Hội đồng Bảo an mang tính ràng buộc, tất cả thành viên LHQ có trách nhiệm tôn trọng và thi hành. Vì vậy, đây được coi là cơ quan quyền lực nhất của LHQ. Cơ quan này gồm 15 thành viên, trong đó Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Mỹ là các ủy viên thường trực. 5 quốc gia này có quyền phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào, trong khi 10 thành viên không thường trực không có quyền phủ quyết, nhưng được quyền tranh luận và bỏ phiếu cho các nghị quyết.

Ấn Độ đang trở thành ứng cử viên sáng giá nhất cho một ghế thành viên thường trực của hội đồng quyền lực này trong bối cảnh vấn đề cải tổ Hội đồng Bảo an đang là chủ đề cấp bách. Không chỉ nổi bật về tăng trưởng kinh tế, Ấn Độ đã tự khẳng định mình là tiếng nói của phía nam toàn cầu, nơi tập trung đa số các nước đang phát triển trong những năm qua. ASEAN, Tây và Trung Á hay Mỹ Latinh cũng ủng hộ mạnh mẽ vai trò này của Ấn Độ. Trong khi đó, sự hỗ trợ từ Mỹ và các nước châu Âu cũng đang tăng cao, mang đến cơ hội hiếm có để Ấn Độ có thể giành được sự ủng hộ từ cả Bắc và Nam bán cầu.

Nga cũng bày tỏ sự ủng hộ Ấn Độ trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an. Đại sứ Nga tại Ấn Độ Denis Alipov cho biết, Ấn Độ có "cách tiếp cận cân bằng và độc lập đối với hầu hết các vấn đề thời sự" và bảo đảm các yêu cầu để trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đồng quan điểm khi cho rằng luật pháp quốc tế phải phản ánh “những yêu cầu và đòi hỏi của ngày hôm nay”.

Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Pháp vào năm 2023, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết, Ấn Độ có vị trí chính đáng trong Hội đồng Bảo an và các thành viên hiện nay của tổ chức này chưa thể đại diện cho toàn thế giới. “Làm sao chúng ta có thể nói về Hội đồng Bảo an như một cơ quan toàn cầu khi toàn bộ lục địa châu Phi và châu Mỹ Latinh bị bỏ qua? Làm sao cơ quan này có thể tuyên bố thay mặt thế giới khi quốc gia đông dân nhất và là nền dân chủ lớn nhất không phải là một thành viên thường trực?" ông Modi nói. Theo Richard Gowan, Giám đốc LHQ tại Nhóm Khủng hoảng quốc tế, Ấn Độ kiên quyết rằng nước này phải có một ghế thường trực và họ không muốn thỏa hiệp về vấn đề này.

Quan điểm của Trung Quốc

Trung Quốc từng kêu gọi cải cách Hội đồng Bảo an nhưng đề xuất đưa thêm các quốc gia đang phát triển vào nhóm nhằm tăng cường sự đại diện và tiếng nói của các nước đang phát triển, cho phép những nước vừa và nhỏ có nhiều cơ hội hơn để tham gia vào quá trình ra quyết định của Hội đồng Bảo an. Tuy nhiên, Trung Quốc là ủy viên thường trực duy nhất của Hội đồng Bảo an chưa từng ủng hộ nỗ lực của Ấn Độ trở thành thành viên thường trực của cơ quan này.

Vinay Kaura, chuyên gia tại Đại học Cảnh sát, An ninh và Tư pháp hình sự Sardar Patel ở Ấn Độ, cho biết, Trung Quốc phản đối những cải cách của Hội đồng Bảo an nhằm đưa Ấn Độ vào nhóm. Ông nói: “Vì Trung Quốc là quốc gia châu Á duy nhất trong nhóm 5 thành viên thường trực nên họ không muốn bất kỳ quốc gia châu Á nào khác chia sẻ đặc quyền này”. Nước này cho rằng, bất kỳ nỗ lực nào nhằm bổ sung thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an là điều không tưởng, gặp nhiều thách thức, trong đó có việc sửa đổi Hiến chương LHQ.

Trung Quốc và Ấn Độ đang cạnh tranh để đại diện cho thế giới đang phát triển. Điều này cũng thể hiện rõ ràng trong chiến lược của Trung Quốc nhằm giảm quy mô và hạn chế ảnh hưởng chiến lược của Ấn Độ ở cả cấp độ khu vực và toàn cầu. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang lo lắng trước sự phát triển kinh tế của Ấn Độ. Trong khi kinh tế Trung Quốc được dự đoán sẽ giảm tốc từ nay đến năm 2028 thì Ấn Độ có thể vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

GIA NGHI

;
;
.
.
.
.
.