Mỹ và "chiến lược Goldilocks" đối với Iran

.

Mỹ đang rất thận trọng khi thực hiện các biện pháp đáp trả Iran để tránh cuộc chiến tranh quy mô lớn, đồng thời vẫn duy trì sức mạnh, tiếng nói của nước này ở Trung Đông.

Cảnh đổ nát sau cuộc không kích của Mỹ ở al-Qaim, Iraq, ngày 3- 2. Ảnh: AP
Cảnh đổ nát sau cuộc không kích của Mỹ ở al-Qaim, Iraq, ngày 3- 2. Ảnh: AP

Để tránh cuộc chiến tranh khu vực với Iran sau vụ 3 lính Mỹ thiệt mạng trước đó ở Jordan, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang áp dụng “phản ứng đa tầng” từ cường độ thấp đến cao, trong đó không nhắm mục tiêu trực tiếp vào lãnh thổ Iran, mà thay vào đó là một số lực lượng ủy nhiệm mạnh nhất của nước này trong khu vực như một cách gián tiếp để gửi thông điệp răn đe nhưng thận trọng tới giới lãnh đạo Iran.

Tăng răn đe nhưng thận trọng với Iran

Việc Mỹ đáp trả các lực lượng thân Iran gần đây khiến dư luận không khỏi liên tưởng chiến lược lần này của ông Biden với cách tiếp cận “Goldilocks” (lấy cảm hứng từ chuyện của cô gái trẻ Goldilocks trong câu chuyện ngụ ngôn “Ba chú gấu vàng” của thiếu nhi - ý chỉ sự “vừa phải, chừng mực”).

Theo CNN, gần một tuần sau vụ binh lính Mỹ thiệt mạng lần đầu ở Trung Đông kể từ khi xung đột Israel-Hamas nổ ra, Mỹ mới tiến hành trả đũa nhằm vào các mục tiêu tại Iraq và Syria. Sau khi quy trách nhiệm cho nhóm Kháng chiến Hồi giáo ở Iraq về vụ tấn công ở Jordan, quân đội Mỹ tấn công hàng chục mục tiêu ở Syria và Iraq ngày 2-2, gồm các trung tâm điều hành, trung tâm tình báo... của nhóm này. Một ngày sau khi tấn công ở Iraq và Syria, Mỹ tiếp tục không kích ồ ạt Houthi ở Yemen vào ngày 3-2.

Cuộc không kích ở Yemen là sự đáp trả trực tiếp việc Houthi tấn công đang các tuyến đường vận chuyển quốc tế và tàu chiến Mỹ ở Biển Đỏ, trong khi cuộc tấn công ở Iraq và Syria là màn trả đũa tương xứng cho vụ lính Mỹ thiệt mạng ở Jordan. Rõ ràng, mục tiêu khác nhau nhưng chung quy cả hai đòn đáp trả nói trên của Mỹ đều nhắm vào các nhóm được cho là do Iran hậu thuẫn ở Trung Đông.

Nhận định về lý do tại sao phải đến tấn bây giờ Mỹ mới có bước đáp trả đầu tiên. Theo giới chức quốc phòng và an ninh, ngày 2-2 có điều kiện tốt nhất về thời tiết cho việc trả đũa. Trong khi đó, ông Hussein Ibish tại Viện các quốc gia vùng Vịnh Arab (Mỹ), nhận định, việc chờ đợi để trả đũa dường như là thông điệp của Mỹ rằng họ sẽ không tấn công vào bên trong lãnh thổ Iran, nước đang trỗi dậy với tư cách “ông lớn” ở Trung Đông. Iran tài trợ, trang bị vũ khí và cung cấp cho các nhóm này ở các mức độ khác nhau nhưng giới lãnh đạo của nước này không trực tiếp kiểm soát họ.

Những đòn tấn công của Mỹ nhằm khiến các lực lượng ủy nhiệm thuộc “trục kháng chiến” do Iran hậu thuẫn ở Iraq và Syria suy giảm khả năng tấn công binh sĩ Mỹ sắp tới nhưng không vượt “lằn ranh đỏ” đối đầu trực tiếp với Iran. Chính Tổng thống Biden cũng tuyên bố: “Mỹ không tìm kiếm xung đột ở Trung Đông hay ở bất cứ đâu trên thế giới. Nhưng bất cứ nơi nào làm tổn hại chúng tôi, chúng tôi sẽ đáp trả”. Do đó, các cuộc tấn công của Mỹ được tiến hành mức độ tối thiểu hóa thiệt hại cần thiết và không quá khốc liệt, từ đó tránh cuộc chiến tranh khu vực với Iran.

Có thể sẽ có những lời chỉ trích đối với chính quyền Biden vì không sử dụng cách tiếp cận thẳng thừng và mạnh mẽ dưới thời ông Donald Trump vào năm 2020 với vụ không kích tướng Qasem Soleimani, nhân vật quân sự cấp cao nhất của Iran, người đứng đầu đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran. Khi đó, Mỹ coi đây là một hành động ngăn chặn các cuộc tấn công nhằm vào người Mỹ trong khu vực. Tuy nhiên, căng thẳng lại leo thang khi chưa đầy một tuần sau, Iran phóng tên lửa đạn đạo vào hai căn cứ Mỹ ở Iraq, khiến hơn 100 lính Mỹ bị thương.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Các cuộc không kích nhằm vào hàng loạt mục tiêu ở Iraq và Syria vào ngày 2-2 chỉ kéo dài 30 phút, ngắn gọn nhưng sắc bén và không gây sốc. Theo CNN, đây dường như chỉ là sự phản ứng tương đối hạn chế trước tổn thất nặng nề mà quân nhân Mỹ hứng chịu trong khu vực trong gần ba năm qua. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho rằng đây mới là sự khởi đầu, qua đó ngụ ý rằng Mỹ có thể mở thêm nhiều cuộc tấn công trong thời gian tới. Tuy nhiên, Mỹ phải tính toán làm sao để lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn phải chuyển địa điểm hoạt động và ngừng đáp trả lực lượng Mỹ. Đặc biệt, chính quyền của Tổng thống Biden cũng phải bảo đảm cuộc tấn công của Mỹ không bị nhầm lẫn với hành động của Israel bởi điều này có thể gây ra sự trả đũa mạnh mẽ hơn đối với Israel và có nguy cơ gây ra chu kỳ leo thang căng thẳng khác ở Gaza.

Mỹ đang tìm kiếm sự cân bằng mong manh với Iran. Hiện, vẫn chưa chắc chắn về việc khôi phục khả năng răn đe của Mỹ cũng như diễn biến tiếp nối sau các cuộc tấn công của Mỹ. Hiện, cả Iran và Mỹ đều không muốn chiến tranh xảy ra. Chính quyền ông Biden đang tất tả chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới nên họ không mong muốn thêm bất kỳ “cuộc phiêu lưu nước ngoài” tốn kém nào nữa, bên cạnh rắc rối về chính sách Israel hay giá dầu tăng. Và cũng có chỉ trích việc chính quyền Biden đã tính toán sai lầm khi rút toàn bộ quân đội Mỹ ra khỏi Afghanistan, nước láng giềng của Iran, vào năm 2021. Trong khi đó, nền kinh tế Iran vẫn còn bấp bênh, tình trạng bất ổn nội bộ vẫn còn và nước này có mục tiêu rộng lớn hơn là tăng cường ảnh hưởng trong khu vực, tận dụng triệt để mối quan hệ với Nga và theo đuổi tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.