Trong bối cảnh đang bị bao vây, cấm vận của Mỹ và các đồng minh phương Tây cả về chính trị, kinh tế, quân sự thì việc củng cố sự gắn kết với các quốc gia thân thiện trên thế giới, trong đó có các nước khu vực Mỹ Latinh được xem là một trong những chính sách ưu tiên của ngành ngoại giao Nga hiện nay.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thăm các nước Mỹ Latinh từ ngày 19-2. Ảnh: Reuters |
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát biểu tại Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga về chính sách đối ngoại: “Chúng tôi sẽ coi việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc là nhiệm vụ quan trọng nhất. Quan hệ đối tác của chúng tôi đóng vai trò ổn định trong các vấn đề toàn cầu”. Ngoại trưởng Lavrov cũng có ngay kế hoạch thăm các nước Mỹ Latinh bắt đầu từ ngày 19-2.
Điểm khởi đầu sẽ là Cuba, một đồng minh lâu đời vô cùng quan trọng của Nga và ở ngay bên cạnh nước Mỹ. Đồng thời đây cũng là quốc gia cùng với Nga đang hứng chịu các lệnh trừng phạt nặng nề nhất của Mỹ, kéo dài suốt nhiều thập niên qua.
Tại đây, Ngoại trưởng Lavrov sẽ gặp Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel và Bộ trưởng Ngoại giao Bruno Rodríguez. Nga và Cuba dự kiến thảo luận một loạt vấn đề về thực trạng hợp tác song phương, chương trình nghị sự toàn cầu và khu vực. Trong đó hai bên sẽ tập trung thảo luận các khía cạnh nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Nga-Cuba trên cơ sở đối thoại chính trị sâu sắc hơn và xây dựng mối quan hệ trong các lĩnh vực kinh tế và thương mại, tài chính và đầu tư, khoa học-kỹ thuật, văn hóa và nhân đạo.
Nga và Cuba cũng sẽ tăng cường hợp tác để ngăn chặn việc các nguyên tắc và chuẩn mực được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc bị suy yếu, nhằm chống lại các thực tiễn thuộc địa mới và các biện pháp hạn chế đơn phương bất hợp pháp trong quan hệ cấp nhà nước.
Trong khi đó, tại Venezuela, Bộ trưởng Ngoại giao Nga sẽ hội kiến Tổng thống Nicolás Maduro và người đồng cấp nước chủ nhà Yván Gil với mục đích làm sâu sắc thêm đối thoại song phương. Ngoại trưởng Lavrov dự kiến thăm Rio de Janeiro (Brazil) trong hai ngày 21 và 22-2 để tham dự cuộc họp của các Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Chuyến công du Mỹ Latinh này của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Lavrov là sự tiếp nối chuyến thăm Brazil, Cuba, Nicaragua và Venezuela diễn ra từ ngày 17 đến ngày 21-4.
Diễn biến trên cho thấy chuyến thăm của Ngoại trưởng Lavrov lần này không chỉ thúc đẩy hợp tác cùng có lợi giữa Nga và các nước Mỹ Latinh mà còn nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng của Nga ở khu vực vốn được gọi là “sân sau” của Mỹ kể từ Thế chiến 2 kết thúc trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị, củng cố sự gắn kết truyền thống giữa các bên.
Mối quan hệ của Nga với các nước Mỹ Latinh có lịch sử lâu đời, dựa trên nền tảng lợi ích chung. Trong chính sách đối ngoại hiện nay, Nga luôn coi Mỹ Latinh là khu vực thân thiện, có tiềm năng “phát triển hợp tác mang tính xây dựng, không chịu bất kỳ mệnh lệnh nào từ bên ngoài”. Mối quan hệ này được cụ thể hóa qua các chuyến thăm của giới chức Nga nhằm tăng cường quan hệ và mở rộng các cơ hội hợp tác. Các bên liên quan đã thể hiện sự gắn kết, hợp tác tại các diễn đàn quốc tế. Nga luôn bày tỏ ủng hộ các nước trên, phản đối lệnh trừng phạt, cấm vận mà Mỹ áp đặt đối với Cuba và Venezuela.
Trong khi đó, liên quan vấn đề Ukraine, các nước Mỹ Latinh như Venezuela, Nicaragua và Cuba luôn ủng hộ giải pháp ngoại giao thiết thực, mang tính xây dựng và nghiêm túc cho cuộc xung đột nhằm thúc đẩy an ninh, ổn định, hòa bình của khu vực cũng như quốc tế và phản đối việc các nước phương Tây áp đặt trừng phạt Nga.
Bên cạnh đó, Nga và các nước Mỹ Latinh còn chia sẻ quan điểm chung về mục tiêu thúc đẩy trật tự thế giới đa trung tâm công bằng, dựa trên nguyên tắc pháp lý quốc tế cơ bản về sự bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia. Theo như lời Ngoại trưởng Lavrov từng nói, mối quan hệ giữa Nga với các nước trong khu vực này “coi đây là sự bảo đảm rằng đa cực sẽ tồn tại công bằng và sẽ phản ánh lợi ích của tất cả chứ không phải của bất kỳ một nhóm quốc gia nào”.
Trong khi đó, các chuyên gia Nga cho rằng, trong tương lai, việc xây dựng thế giới đa cực này sẽ được cụ thể hóa bằng các thỏa thuận thiết thực hơn. Đó là việc tạo ra các liên minh rộng lớn hơn và hội nhập kinh tế như tạo ra hiệp định tự do thương mại giữa Liên minh kinh tế Á-Âu và Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR). Những động thái này của Nga nhằm gia tăng ảnh hưởng tại khu vực Mỹ Latinh hoàn toàn không làm cho Mỹ hài lòng khi coi đó là “mối đe dọa” đến lợi ích và an ninh của nước Mỹ.
LÊ MINH HÙNG