Apple bị kiện lớn ngay tại quê nhà

.

Bộ Tư pháp Mỹ khởi kiện công ty Apple với cáo buộc hãng này đã duy trì thế độc quyền phi pháp trên những chiếc điện thoại iPhone. 

Vụ kiện được cho là đỉnh điểm sau nhiều năm giới chức Mỹ giám sát điều tra hoạt động của Apple trên các thiết bị và dịch vụ phổ biến của họ, những sản phẩm đã làm nên sự tăng trưởng khổng lồ, đưa “Quả táo khuyết” trở thành công ty có giá trị vốn hóa gần 3.000 tỷ USD.

Nhiều người đi qua phía trước một cửa hàng của Apple. Ảnh: Reuters
Nhiều người đi qua phía trước một cửa hàng của Apple. Ảnh: Reuters

Kiểm soát các “Big Tech”

Chiến dịch tăng cường kiểm soát, “siết vòng kim cô” với các doanh nghiệp công nghệ lớn (Big Tech) của chính phủ Mỹ thời gian qua đã tiếp tục mở rộng khi Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) nộp đơn kiện chống độc quyền với Apple, một trong những doanh nghiệp nổi tiếng nhất và cũng có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới. Đơn kiện được DOJ nộp ngày 21-3 tại Tòa án quận New Jersey.

Trong vụ việc này, DOJ phối hợp với chính quyền của 16 bang và đặc khu Columbia cùng khởi kiện. Trong đơn kiện dài 88 trang, các bên nguyên đơn cáo buộc Apple vi phạm luật chống độc quyền của Mỹ vì đã có chiêu thức với ý định duy trì sự phụ thuộc của khách hàng vào những chiếc điện thoại iPhone và giảm bớt ý định chuyển sang một thiết bị khác cạnh tranh. Chẳng hạn, đơn kiện nêu rõ Apple đã ngăn không cho các công ty khác được cung cấp những ứng dụng cạnh tranh với các sản phẩm của Apple như ví điện tử. Theo chính phủ Mỹ, hành vi này có thể làm giảm giá trị của điện thoại iPhone, gây thiệt hại cho người dùng cũng như cho các công ty nhỏ hơn đang cạnh tranh với Apple. “Apple đã dùng thế lực độc quyền của mình để móc thêm tiền từ người tiêu dùng, các nhà phát triển, những người sáng tạo nội dung, các nghệ sĩ, nhà xuất bản, các doanh nghiệp nhỏ, các thương nhân và những người khác,” đơn kiện viết.

DOJ đặt mục tiêu chấm dứt những hành động phản cạnh tranh của Apple và chính phủ Mỹ còn có quyền yêu cầu tái cấu trúc công ty, thậm chí là chia nhỏ doanh nghiệp này nếu cảm thấy đó là điều cần thiết. Apple là một “big tech” mới nhất bị chính phủ liên bang Mỹ đưa vào tầm ngắm trong cuộc chiến chống độc quyền diễn ra mạnh mẽ trong những năm gần đây do DOJ và Ủy ban Thương mại Liên bang thực hiện. Đến nay, các ông lớn công nghệ khác như Google, Meta và Amazon đều đang đối mặt với vụ kiện tương tự. Các vụ kiện này chắc chắn sẽ kéo dài nhiều năm.

Nhắm vào iPhone

Vụ kiện của DOJ nhắm trực tiếp vào điện thoại iPhone, dòng sản phẩm phổ biến nhất của Apple, cũng là mảng kinh doanh mang lại doanh thu lớn nhất cho hãng. Đơn kiện cũng “tấn công” vào cách thức mà Apple đã biến hàng tỷ chiếc smartphone đã bán kể từ năm 2007 đến nay trở thành trung tâm trong đế chế kinh doanh của họ. Bằng cách kiểm soát chặt trải nghiệm người dùng trên điện thoại iPhone và các thiết bị khác, Apple đã tạo ra cái mà những bên phản đối gọi là “sân chơi bất bình đẳng”, ở đó Apple chỉ cho phép các sản phẩm và dịch vụ của họ tiếp cận những tính năng cốt lõi, trong khi từ chối quyền tiếp cận này với các sản phẩm và dịch vụ của đối thủ.

Trong những năm qua, Apple cũng hạn chế quyền tiếp cận của các công ty tài chính với chip thanh toán của điện thoại iPhone, ngăn không cho các thiết bị định vị dùng công nghệ bluetooth có thể khai thác tính năng xác định vị trí trên thiết bị của họ. Chưa kể, người dùng luôn có thể kết nối điện thoại iPhone của họ với những thiết bị khác do Apple sản xuất (như đồng hồ thông minh, laptop...) dễ dàng hơn so với những thiết bị do các công ty khác sản xuất.

“Mỗi một bước trong hàng loạt các hành động của Apple đều đã xây dựng và củng cố “đường hào” bao quanh thế độc quyền smartphone của họ”, đơn kiện của chính phủ Mỹ viết. Chính những hành vi này của công ty đã dẫn tới “các mức giá cao hơn và kém đổi mới sáng tạo hơn”.

Trong khi Apple cho rằng tất cả hành động bị cáo buộc độc quyền đều chỉ nhằm giúp chiếc smartphone của họ trở nên bảo mật hơn các dòng sản phẩm khác, thì các nhà phát triển ứng dụng và các đối thủ cùng phân khúc thị trường lại cho rằng Apple đã lạm dụng quyền lực để dập tắt cạnh tranh.

Apple nói gì?

“Vụ kiện này đe dọa những giá trị cốt lõi của chúng tôi và nguyên tắc vốn giúp cho các sản phẩm của Apple trở nên khác biệt trong những thị trường cạnh tranh vô cùng khắc nghiệt. Nếu thành công, nó sẽ cản trở khả năng của chúng tôi trong việc tạo ra kiểu công nghệ mà mọi người chờ đợi từ Apple - nơi kết hợp của phần cứng, phần mềm và các dịch vụ. Nó cũng sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm, trao quyền cho chính phủ để có thể kiểm soát chặt việc thiết kế công nghệ của mọi người”, một người phát ngôn của Apple nói với New York Times.

Apple dự kiến nộp đơn bác bỏ những cáo buộc trong 60 ngày tới và nhấn mạnh rằng các luật cạnh tranh cho phép họ được áp dụng các chính sách cũng như thiết kế mà các đối thủ phản đối, nhất là khi những thiết kế đó mang lại một trải nghiệm tốt hơn cho điện thoại iPhone.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.