Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga Vladimir Putin từ ngày 16 đến 17-5 tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ song phương không giới hạn vốn đang phát triển mạnh mẽ trước môi trường quốc tế đầy biến động và trở thành chuẩn mực cho sự hợp tác giữa các cường quốc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bên phải) tiếp đón Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Bắc Kinh ngày 16-5. Ảnh: AFP |
Kể từ năm 2012, Tổng thống Putin gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hơn 40 lần và mỗi lần gặp gỡ đều thu hút sự dõi theo của dư luận, đặc biệt xét về mối quan hệ giữa hai nước này với Mỹ và phương Tây nói chung. Chuyến thăm là sự xác nhận rõ ràng việc Nga rất coi trọng tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc trong bối cảnh hai bên tích lũy hành trang vững chắc về hợp tác thực chất; đồng thời cho thấy quyết tâm “hướng về phía Đông” trước sức ép không ngừng tăng từ phương Tây. Ông Putin khẳng định với Tân Hoa Xã rằng mức độ hợp tác chiến lược ở tầm cao chưa từng có giữa hai nước là yếu tố quyết định khiến ông chọn Trung Quốc là quốc gia đầu tiên đến thăm sau khi bước vào nhiệm kỳ mới.
Theo Spunik, trong hội đàm ngày 16-5, ông Tập Cận Bình nhận định, quan hệ song phương ngày nay không dễ mà có được, và hai bên nên trân trọng điều này. Trung Quốc sẽ mãi là láng giềng, người bạn tốt, đồng thời là đối tác tin cậy của Nga. Sau cuộc hội đàm, ông Putin cho biết, trong bầu không khí ấm áp, thân thiện và mang tính xây dựng, hai bên thảo luận tình hình và triển vọng hợp tác song phương. Các nhà lãnh đạo hài lòng ghi nhận cường độ đối thoại trong lĩnh vực chính trị và an ninh, động lực tiến bộ cao trong trao đổi kinh tế, mở rộng phối hợp về vấn đề nhân đạo và phối hợp hiệu quả trên trường quốc tế. “Mối quan hệ Nga -Trung không mang tính cơ hội và không nhằm vào bất kỳ ai. Sự hợp tác này là một trong những yếu tố duy trì ổn định trên trường quốc tế”, ông Putin nói.
Lãnh đạo hai nước ký ban hành tuyên bố chung về làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và phối hợp trong kỷ nguyên mới nhân kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai bên sẽ tìm cách hợp tác chặt chẽ hơn trong các lĩnh vực như công nghiệp và công nghệ cao, ngành vũ trụ, năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng tái tạo, cũng như một số mảng sáng tạo khác. TASS cho biết, chuyến thăm của ông Putin được chia thành hai giai đoạn: thăm Bắc Kinh và Cáp Nhĩ Tân.
Sức hút truyền thông của chuyến thăm này có thể nhận thấy khi hàng loạt hãng thông tấn lớn của phương Tây đều đưa tin tức đậm nét khi nhận định đây là cuộc gặp gỡ của những người bạn thân thiết lâu năm và phần lớn mang tính biểu tượng. AP dẫn lời Giáo sư Hoo Tiang Boon tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) cho biết, Nga - Trung muốn chứng tỏ, bất chấp những gì đang xảy ra trên toàn cầu, bất chấp áp lực mà cả hai bên đang phải đối mặt từ Mỹ, hai bên sẽ không quay lưng lại với nhau”.
CNBC dẫn lời nhà nghiên cứu Max Hess tại Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại (FPRI, Mỹ) cho rằng, trong hai năm qua, ông Putin muốn 3 điều từ Trung Quốc, gồm thỏa thuận về đường ống dẫn khí tự nhiên Power of Siberia 2 (Sức mạnh Siberia 2); sự ủng hộ hơn nữa của Trung Quốc trong bối cảnh Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine; muốn tiếp cận thị trường tài chính Trung Quốc và sử dụng đồng tiền Trung Quốc để thúc đẩy thương mại. Giới quan sát cho rằng, áp lực kinh tế và ngoại giao ngày càng tăng từ Mỹ và các đồng minh có thể càng khiến Trung Quốc xích lại gần Nga hơn. Thực tế, ngay cả khi ông Tập Cận Bình tìm cách hàn gắn mối quan hệ rạn nứt với châu Âu và ổn định mối quan hệ với Mỹ, ông vẫn không dễ đánh đổi mối quan hệ đối tác với ông Putin, người mà ông coi là đối tác không thể thiếu trong tái định hình trật tự thế giới công bằng.
Ủng hộ kế hoạch hòa bình Ukraine của Trung Quốc Tân Hoa Xã dẫn lời ông Putin cho biết, Trung Quốc hiểu rõ nguyên nhân gốc rễ của khủng hoảng ở Ukraine và tác động địa chính trị toàn cầu của nó, và điều này phản ánh trong “Lập trường của Trung Quốc về giải quyết chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine” được đưa ra vào năm 2023. Các khái niệm và đề xuấttrong tài liệu thể hiện mong muốn chân thành của Trung Quốc trong ổn định tình hình. Bốn nguyên tắc giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng Ukraine do ông Tập Cận Bình đề xuất gần đây hoàn toàn phù hợp với văn kiện nói trên. “Chúng tôi đang tìm kiếm giải pháp toàn diện, bền vững và công bằng cho cuộc xung đột này thông qua các biện pháp hòa bình. Chúng tôi sẵn sàng đối thoại về Ukraine nhưng các cuộc đàm phán phải tính đến lợi ích của tất cả quốc gia liên quan, bao gồm cả lợi ích của chúng tôi.”, ông Putin nói. Global Times dẫn lời Zhang Hanhui, Đại sứ Trung Quốc tại Nga cho biết: “Lịch sử chứng minh rằng điểm cuối của bất kỳ cuộc xung đột nào cũng là bàn đàm phán. Trung Quốc ủng hộ triệu tập kịp thời hội nghị quốc tế được cả Nga và Ukraine công nhận, với sự tham gia bình đẳng của tất cả các bên và thảo luận công bằng mọi đề xuất hòa bình. Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò độc đáo và đóng góp trí tuệ và sức mạnh để thúc đẩy giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng này”. |
THƯ LÊ