Với vai trò “người bán hàng” năng nổ như bản thân tự nhận, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin tiếp tục ngược xuôi như con thoi khi thực hiện chuyến công du thứ hai tới châu Âu trong chỉ trong hơn 2 tháng với mục tiêu duy nhất: kêu gọi đầu tư để vực dậy kinh tế đất nước vẫn “loạng choạng” hậu Covid-19.
Theo thông báo trên trang web của Bộ Ngoại giao Thái Lan, Thủ tướng Srettha thăm Pháp lần thứ hai vào ngày 16-5 và tiếp đến thăm Ý từ ngày 17 đến 21-5. Nhìn vào chương trình nghị sự dày đặc có thể thấy chuyến công du tiếp tục khẳng định cách tiếp cận “ngoại giao kinh tế chủ động” của ông Srettha nhằm gia tăng vị thế của Thái Lan - cường quốc của khu vực về thương mại và thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư toàn cầu đến xứ chùa vàng. Các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo Pháp và Ý sẽ trao thêm cho ông Srettha cơ hội hiện thực hóa các thỏa thuận hợp tác, đầu tư nước ngoài, đặc biệt là thỏa thuận thương mai tự do Liên minh châu Âu (EU) - Thái Lan và hiệp định Hợp tác và đối tác toàn diện Thái Lan - EU vốn bật đèn xanh cho phép công dân Thái Lan được miễn thị thực vào khu vực Schengen - khu vực tự do đi lại không cần thị thực giữa hầu hết các nước châu Âu.
Chuyến công du Pháp của ông Srettha nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương bền chặt vốn đạt những bước tiến đáng kể sau chuyến thăm hồi đầu tháng 3-2024. Bên cạnh cuộc gặp song phương với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ông Srettha sẽ dẫn đầu phái đoàn gồm các giám đốc điều hành doanh nghiệp hàng đầu Thái Lan tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Pháp-Thái Lan để thuyết phục nhà đầu tư Pháp tiếp tục “rót” vốn nhiều hơn nữa vào thị trường Thái Lan.
Trong chặng dừng chân tiếp theo tại Ý, Thủ tướng Srettha cùng người đồng cấp Giorgia Meloni thảo luận tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực mà cả hai nước đều có tiềm năng chung, qua đó thúc đẩy tầm nhìn của Thái Lan trở thành trung tâm của khu vực về các ngành công nghiệp chủ chốt như hàng không, logistics, xe điện. Đáng chú ý, ông Srettha sẽ tham gia Diễn đàn doanh nghiệp Ý-Thái Lan tại Unioncamere với sự tham gia của khoảng 100 công ty của hai nước. Tại đây, lãnh đạo Thái Lan trình bày siêu dự án “Cầu lục địa” trị giá 28 tỷ USD, được thiết kế để cung cấp tuyến thương mại mới giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, đi qua eo biển Malacca - một trong những hành lang biển quan trọng nhất thế giới.
Gọi ông Srettha là “người bán hàng” của Thái Lan hẳn là điều dễ hiểu không chỉ bởi xuất phát điểm là một tài phiệt bất động sản nổi tiếng trước khi chuyển hướng sang chính trường mà ở thực tế ông đã đến thăm ít nhất 16 quốc gia kể từ khi nhậm chức vào tháng 9-2023. Đáng chú ý, việc ông liên tiếp đến các nền kinh tế lớn và có tiếng nói quan trọng ở châu Âu cho thấy nỗ lực không ngừng nghỉ để thúc đẩy niềm tin của các nhà đầu tư “lục địa già” vào việc tăng cường thương mại và đầu tư ở quốc gia Đông Nam Á này. Theo trang Thai Examiner, thương mại song phương giữa Thái Lan và EU hiện đạt 1 tỷ euro mỗi tuần. Do đó, một hiệp định thương mại tự do mới giữa hai bên chắc chắn sẽ thúc đẩy con số này tăng cao hơn.
Sau chuyến công du châu Âu, ông Srettha sẽ tới Nhật Bản để dự hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 29 từ ngày 22 đến 24-5. Đây tiếp tục là cơ hội tốt để ông Srettha mời gọi đầu tư nước ngoài vì Thái Lan hiện là điểm đến đầu tư quan trọng nhất của Nhật Bản trong ASEAN. Dự kiến, ông sẽ tiếp tục thực hiện thêm các chuyến công du nước ngoài trên hành trình chèo lái đất nước vượt qua giai đoạn kinh tế không mấy thuận lợi này. Theo Reuters, trong thập niên qua, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Thái Lan thấp hơn so với các nước khác ở Đông Nam Á như Malaysia và Indonesia. Thái Lan có mức tăng trưởng chậm nhất trong số các nền kinh tế hàng đầu của khu vực vào năm 2023 và lĩnh vực xuất khẩu của nước này đang mất dần khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
THƯ LÊ