Nhiều nước châu Âu công nhận nhà nước Palestine

.

Na Uy, Tây Ban Nha và Ireland đồng loạt tuyên bố công nhận nhà nước Palestine từ ngày 28-5, góp phần tạo bước tiến quan trọng hướng đến hòa bình bền vững ở dải Gaza. Quyết định này có thể thôi thúc các nước châu Âu khác có động thái tương tự và tạo thêm áp lực buộc Israel đàm phán để chấm dứt xung đột.

Theo Reuters, tại cuộc họp báo ngày 22-5, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store tuyên bố, nước này sẽ công nhận Palestine là quốc gia độc lập với tất cả quyền và nghĩa vụ đi kèm, bất chấp cảnh báo từ chính phủ Israel. Ông Stoere cho biết: “Trong lúc hàng chục nghìn người chết và bị thương, điều duy nhất chúng ta có thể bảo đảm ngôi nhà an toàn cho cả người Israel và người Palestine, đó là: hai quốc gia có thể chung sống hòa bình cùng nhau”. Na Uy, thành viên không thuộc Liên minh châu Âu (EU), là đồng minh thân cận của Mỹ và đã nhiều lần tìm cách thúc đẩy hòa bình giữa Israel và Palestine trong những thập niên gần đây. Cũng theo hãng tin này, các nước khác gồm Ireland và Tây Ban Nha cũng có thông báo tương tự. Trong những tuần gần đây, Slovenia và Malta cũng cho biết đang thúc đẩy kế hoạch công nhận này.

Các tuyên bố mang giá trị chính trị và biểu tượng mạnh mẽ nói trên được đưa ra trong bối cảnh xung đột ở Gaza đang leo thang khiến cộng đồng quốc tế kêu gọi lệnh ngừng bắn và giải pháp lâu dài cho hòa bình trong khu vực. Thực tế, những lo ngại về thương vong, nạn đói, thiệt hại hạ tầng ở Gaza khiến nhiều quốc gia châu Âu phải thay đổi quan điểm, xem xét khả năng công nhận tư cách nhà nước Palestine. Trong khi hàng chục quốc gia đã công nhận Palestine thì không một cường quốc lớn nào của phương Tây làm như vậy và không rõ động thái của ba nước nói trên có thể tạo ra sự khác biệt đến mức nào. Dẫu vậy, sự công nhận này sẽ đánh dấu thành tựu quan trọng đối với người dân Palestine vì tin rằng điều đó mang lại tính hợp pháp quốc tế cho họ.

Theo AP, trước thông báo nói trên, khoảng 143 trong tổng số 193 quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc đã công nhận nhà nước Palestine. Hiện mới chỉ có 8 trong số 27 thành viên Liên minh châu Âu (EU) công nhận nhà nước Palestine, gồm Ba Lan, Bulgaria, Romania, Hungazy, Czech, Slovakia, Thụy Điển và Cyprus. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước đó cũng để ngỏ khả năng khi cho biết việc Pháp công nhận nhà nước Palestine không phải là điều “cấm kỵ”. Trong khi đó, Mỹ cũng tuyên bố sẵn sàng công nhận nhà nước Palestine vào một thời điểm nào đó trong tương lai song đặt ra yêu cầu phải đạt thỏa thuận về các vấn đề cốt lõi như vấn đề đường biên giới cuối cùng và vị thế tương lai của Jerusalem.

Theo AP, Liên đoàn Arab và Thổ Nhĩ Kỳ hoanh nghênh ba quốc gia châu Âu nói trên đã có bước đi can đảm khi đã đứng về phía lịch sử trong cuộc xung đột ở Gaza và giúp Palestine có được vị thế xứng đáng trong cộng đồng quốc tế. Trong khi đó, ngày 22-5, Israel có động thái đáp trả đầu tiên khi triệu hồi các đại sứ của mình ở Na Uy và Ireland để tham vấn khẩn cấp. Trên nền tảng X, Ngoại trưởng Israel Katz tuyên bố: “Israel sẽ không im lặng bỏ qua vấn đề gây nguy hiểm cho an ninh của mình”. Ông chỉ trích động thái này là sự bất công đối với vụ Hamas tấn công lãnh thổ Israel vào ngày 7-10-2023, là đòn giáng vào nỗ lực trao trả 128 con tin, đồng thời làm suy yếu cơ hội hòa bình và đặt ra câu hỏi về quyền tự vệ của Israel. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng cho rằng ý tưởng này sẽ mang lại “phần thưởng lớn” cho Hamas.

Tuyên bố của Na Uy, Tây Ban Nha và Ireland đưa ra hơn 30 năm sau khi hiệp định Oslo được ký vào năm 1993, trong đó cả Israel và Palestine nhất trí với giải pháp “hai nhà nước” công nhận quyền tồn tại của nhau. Tuy nhiên, quá trình đàm phán thực hiện hiệp định đình trệ kể từ khi Hamas lên nắm quyền ở dải Gaza năm 2007. Xung đột lên đến đỉnh điểm với cuộc đột kích của Hamas vào lãnh thổ Israel vào tháng 10-2023 và chiến dịch đáp trả cứng rắng vào Gaza của Israel. Theo AP, năm 2011, Ngân hàng Thế giới xác định Palestine đáp ứng tiêu chí quan trọng để hoạt động như một nhà nước và các thể chế quốc gia được xây dựng để cung cấp cho người dân những dịch vụ quan trọng.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.