Bê bối chấn động ngành y nước Anh

.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak xin lỗi về sự cố hàng nghìn người bị truyền máu nhiễm bệnh hồi thập niên 1970 và 1980. Đây được xem là một trong những vụ bê bối tồi tệ nhất trong lịch sử y tế nước này.

Theo AFP, phát biểu trước Hạ viện ngày 20-5, Thủ tướng Sunak gửi lời xin lỗi tới các nạn nhân và gia đình của họ. Ông khẳng định kết quả cuộc điều tra bê bối truyền máu nhiễm bệnh hồi thập niên 1970 và 1980 ở nước này là điều đáng buồn đối với giới chức chính phủ và những người làm trong lĩnh vực y tế ở mọi cấp độ tại Anh. “Đây là một ngày đáng hổ thẹn. Báo cáo cho thấy sự suy thoái đạo đức kéo dài hàng thập niên từ Cơ quan Y tế quốc gia Anh (NHS), các cơ quan dân sự đến bộ trưởng trong các chính phủ liên tiếp, những người và tổ chức mà chúng ta đặt niềm tin”, ông Sunak nói.

Ngày 20-5, Infected Blood Inquiry (IBI), đơn vị phụ trách điều tra bê bối truyền máu nhiễm mầm bệnh ở Anh công bố kết quả cuộc điều tra kéo dài 6 năm. Kết quả cho thấy, có hơn 30.000 người trên khắp thế giới bị truyền máu và các sản phẩm máu nhiễm bệnh từ NHS, khiến 3.000 người tử vong và hàng nghìn người mắc các bệnh về gan hay HIV. Các nạn nhân và gia đình những người bị truyền máu nhiễm bệnh dành nhiều thập niên đấu tranh đòi công lý và bồi thường, tuy nhiên một cuộc điều tra công khai chỉ được phát động vào năm 2017 dưới thời cựu Thủ tướng Theresa May. Năm 2022, Anh mở lại cuộc điều tra về vụ việc.

Theo AFP, Chủ tịch IBI Brian Langstaff, người dẫn dắt cuộc điều tra, gọi quy mô của bê bối truyền máu là kinh hoàng. Nạn nhân là người cần truyền máu do bị tai nạn, phẫu thuật, người mắc rối loạn máu được điều trị bằng các chế phẩm huyết tương và người có quan hệ với bệnh nhân. Điều tra cho thấy, máu từ những người hiến tặng không được sàng lọc kỹ lưỡng. Nhiều chế phẩm từ máu có nguồn gốc từ nước ngoài, trong đó có Mỹ, quốc gia cho phép người sử dụng ma túy và tù nhân được hiến máu. Cuộc điều tra còn chỉ ra rằng nhiều người đã bị truyền máu dù không cần thiết. Thậm chí còn có bằng chứng cho thấy các quan chức y tế Anh nỗ lực che đậy vụ bê bối bằng cách tiêu hủy tài liệu.

Theo Thủ tướng Sunak, vụ bê bối này là có thể tránh được, song những cảnh báo đã bị giới chức chính phủ và y tế Anh khi đó phớt lờ. “Hết lần này đến lần khác, những người có quyền lực và được tin cậy có cơ hội ngăn chặn sự lây nhiễm nhưng họ đã không làm được điều đó”, Sky News dẫn lời ông Sunak cho biết. Ông cũng xin lỗi vì các chính phủ tiền nhiệm đã từ chối đối mặt với những sai lầm này và tệ hơn là phủ nhận, thậm chí cố gắng che đậy chúng.

Theo Thủ tướng Sunak, lời xin lỗi của chính phủ chỉ có ý nghĩa khi nó đi kèm với hành động. Theo đó, Chính phủ Anh cam kết bồi thường cho các nạn nhân với bất cứ giá nào. Theo AFP, Chính phủ Anh dự kiến công bố gói hỗ trợ lên đến khoảng 12,7 tỷ USD cho các nạn nhân. “Đây là thảm kịch không bao giờ nên xảy ra, chúng tôi hiểu cần thực thi công lý nhanh chóng. Chúng tôi sẽ tiếp tục lắng nghe cộng đồng cho đến khi giải quyết xong bê bối khủng khiếp này”, Chính phủ Anh ra tuyên bố. Trong khi đó, Chủ tịch IBI Brian Langstaff cảnh báo hậu quả của vụ bê bối vẫn chưa kết thúc. “Hơn 3.000 người đã chết và những cái chết vẫn tiếp tục xảy ra hằng tuần. Tôi muốn nhắc mọi người nhớ rằng đây không chỉ là chuyện đã xảy ra mà nó đang diễn ra”, ông nói với Sky News. Ông hy vọng việc công bố kết quả điều tra sẽ bảo đảm những sai lầm như vậy không lặp lại.

NGHI VĂN

;
;
.
.
.
.
.