Thủ tướng Israel trước nguy cơ ICC phát lệnh bắt giữ

.

Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) thông báo các công tố viên đang xin lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar vì các hành động của họ trong cuộc xung đột kéo dài hơn 7 tháng qua tại dải Gaza.

Lãnh đạo Hamas Yahya Sinwar (bên trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.  Ảnh: Getty Images
Lãnh đạo Hamas Yahya Sinwar (bên trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: Getty Images

Theo AP, trưởng công tố của ICC Karim Khan nộp đơn xin lệnh bắt giữ. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cũng như các thủ lĩnh khác của Hamas là Mohammed Deif và Ismail Haniyeh cũng nằm trong danh sách yêu cầu bắt giữ. Động thái pháp lý này chống lại các chính trị gia Israel đánh dấu lần đầu tiên ICC nhắm vào lãnh đạo cao nhất của đồng minh thân cận của Mỹ.

Tác động ra sao?

Theo CNN, ICC gặp trở ngại lớn khi không có lực lượng cảnh sát hoặc cơ quan chức năng nên phải dựa vào sự hợp tác của các nước thành viên để thực hiện việc bắt giữ,  phong tỏa tài sản của họ và thi hành án. Dù công tố viên ICC xin lệnh bắt giữ nhưng quyết định cuối cùng về việc cấp bất kỳ lệnh bắt giữ nào thuộc về hội đồng thẩm phán trước khi xét xử. Công tố viên phải bảo đảm có đủ cơ sở bằng chứng hợp lý để thuyết phục hội đồng ban hành lệnh bắt giữ và thông thường phải mất 2 tháng để hội đồng đưa ra quyết định.

Bất kỳ lệnh bắt giữ nào được đưa ra có thể hạn chế khả năng đến nước ngoài của những nhân vật nói trên bởi họ có nguy cơ bị bắt và đưa đến Hague để xét xử nếu tới một trong 124 quốc gia thành viên của tòa án gồm hầu hết các nước châu Âu. CNN dẫn lời ông Stephen Rapp, người đứng đầu Văn phòng Tư pháp Hình sự Toàn cầu thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết nếu lệnh bắt giữ được tiến hành, các quan chức Israel này sẽ khó có thể đến 2/3 thế giới, bao gồm cả nhiều quốc gia nằm trong số các đồng minh thân cận nhất của họ như Đức và Anh.

Việc xin lệnh bắt giữ là một trong những động thái công khai lên án gay gắt nhất đối với chiến dịch quân sự không ngừng mở rộng của Israel ở Gaza. Hiện không rõ động thái này sẽ có ảnh hưởng gì đến ông Netanyahu cũng như chiến lược ở Gaza hay không. AP dẫn lời các chuyên gia nhận định, uy tín và vị thế vốn đang đối mặt nhiều thách thức của ông Netanyahu có thể bị ảnh hưởng hơn nữa và ngay cả khi ICC không ban hành lệnh bắt giữ, nhiều khả năng các quốc gia khác sẽ tỏ thái độ miễn cưỡng hơn trong việc hỗ trợ Israel.

Làn sóng tranh cãi

Theo Reuters, với quan điểm cứng rắn trước bất kỳ sức ép nào, Thủ tướng Israel Netanyahu khẳng định, nước này sẽ không bao giờ để bất kỳ nỗ lực nào của ICC làm suy yếu quyền tự vệ vốn có của mình. Dù ICC sẽ không thể khiến Israel thay đổi lập trường nhưng nó sẽ đặt ra tiền lệ nguy hiểm. Bên cạnh tiếng nói của “người trong cuộc”, yêu cầu về lệnh bắt giữ cũng thổi bùng làn sóng tranh cãi trong cộng đồng quốc tế. Gạt một số lục đục lâu nay sang một bên với ông Netanyahu, Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ trích quyết định của công tố viên ICC là “thái quá”. Anh và Ý cũng “đồng thanh tương ứng” trong việc này.

Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Ý Antonio Tajani cho rằng, dường như không thể chấp nhận khi một chính phủ do người dân bầu ra một cách hợp pháp lại bị đánh đồng với một tổ chức như vậy. Mỹ, Anh, Nhật Bản, Canada cũng như Liên minh châu Âu và các nước khác đã liệt Hamas vào danh sách khủng bố và áp đặt biện pháp trừng phạt đối với các thủ lĩnh của tổ chức này.

Trong diễn biến đáng chú ý, theo France24, Pháp đi ngược lại quan điểm của Mỹ và đồng minh khi ủng hộ lệnh bắt giữ gây tranh cãi này. Động thái này cũng không hẳn bất ngờ bởi trong nhiều tháng qua, Pháp liên tục kêu gọi sự cần thiết phải tuân thủ nghiêm ngặt luật nhân đạo quốc tế, đặc biệt về mức thương vong dân sự không thể tưởng tượng ở Gaza, cũng thất bại trong hỗ trợ nhân đạo. Động thái của Pháp tiếp tục cho thấy đây là một trong số ít các quốc gia phương Tây sẵn sàng đưa ra lập trường cứng rắn với Israel. Tương tự, theo AP, Nam Phi, quốc gia đang dẫn đầu vụ kiện chống lại Israel tại Tòa Công lý quốc tế (ICJ), cũng hoan nghênh yêu cầu về lệnh bắt giữ.

Đây không là lần đầu tiên ICC có hành động liên quan đến Israel. Năm 2021, văn phòng của ông Khan điều tra về những hành vi phạm pháp có thể xảy ra ở Gaza và Bờ Tây kể từ năm 2014. Theo Sở Y tế Gaza, hơn 35.500 người Palestine thiệt mạng và 79.00 người khác bị thương kể từ khi xung đột Hamas-Israel bùng nổ vào tháng 10-2023.

Khả năng thực thi vẫn rất mong manh
ICC được thành lập vào năm 2002 và là tòa án quốc tế cao nhất chuyên điều tra và truy tố những cá nhân chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người, tội diệt chủng và tội ác xâm lược. Quy chế Rome thành lập ICC được thông qua năm 1998. Đến nay, 124 quốc gia thành viên đã ký kết Quy chế Rome và thẩm quyền của ICC. Tòa án này cũng được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ủng hộ. Tuy nhiên, một số nước như Israel, Mỹ, Nga và Trung Quốc không ký quy chế và không chấp nhận thẩm quyền hoặc quyết định của ICC. Thậm chí, ngay cả khi ICC phát lệnh bắt giữ, khả năng thực thi vẫn rất mong manh. Thực tế, 17 người mà ICC đã ban hành lệnh bắt giữ vẫn chưa bị bắt.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.