Vụ việc Thủ tướng Slovakia Robert Fico bị ám sát hụt có thể nảy sinh từ sự chia rẽ chính trị sâu sắc, cùng sự không hài lòng trỗi dậy trong công chúng.
Theo Reuters, ngày 15-5, sau khi chủ trì cuộc họp nội các ở thị trấn Handlova, Thủ tướng Fico tiến gần tới nhóm người ủng hộ đứng phía sau hàng rào đang vẫy tay chào. Đột nhiên, một người đàn ông lớn tuổi bước tới và nổ súng bắn liên tiếp vào ông Fico ở khoảng cách rất gần. Ngay lập tức, ông Fico được đi cấp cứu còn nghi phạm bị bắt giữ ngay sau đó. Nghi phạm 71 tuổi là cựu nhân viên bảo vệ tại trung tâm mua sắm, đồng thời là thành viên của Hội Nhà văn Slovakia. Truyền thông Slovakia cho biết ông Fico đã trải qua cuộc phẫu thuật và hiện ở trong tình trạng ổn định.
Vụ ám sát tại quốc gia nhỏ bé ở Trung Âu này ngay lập tức gây chấn động cả châu Âu bởi thực tế lịch sử châu Âu rất hiếm khi xảy ra những vụ tấn công trực tiếp nhằm vào các chính trị gia. Thậm chí, chưa từng có nhà cầm quyền nào ở châu Âu bị ám sát thành công khi còn đương chức, kể từ khi khối này thành lập Cộng đồng Than Thép châu Âu (ECSC) sau Thế chiến 2. Theo AP, nhiều nhà lãnh đạo thế giới liên tiếp gửi lời động viên chia sẻ với ông Fico; đồng thời lên án mạnh mẽ hành vi bạo lực này. Tổng thống Nga Vladimir Putin mô tả vụ tấn công này là tội ác và hy vọng ông Fico nhanh chóng bình phục. Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng bày tỏ thông điệp tương tự.
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến hành vi bạo lực chính trị vô cùng nghiêm trọng này? Sinh ra trong gia đình thuộc tầng lớp lao động vào năm 1964, ông Fico là luật sư chuyên nghiệp, bắt đầu sự nghiệp chính trị tại đảng Cộng sản ngay trước Cách mạng Nhung năm 1989. Năm 1999 ông giữ chức vụ bộ trưởng, thành lập đảng trung tả Smer-SD, giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử năm 2006 và trở thành Thủ tướng hai năm sau khi Slovakia gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Đáng chú ý, ông Fico ngưỡng mộ cả Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Hungary Viktor Orbán. Ông Fico tuyên bố sẽ không cho phép bắt giữ Tổng thống Nga theo lệnh quốc tế nếu ông đến Slovakia; đồng thời nhận định Thủ tướng Hungary là người bảo vệ lợi ích của đất nước và người dân.
Trong sự nghiệp kéo dài 3 thập niên, ông Fico chuyển hướng thành công giữa quan điểm chính thống, ủng hộ EU và lập trường theo chủ nghĩa dân tộc quyết liệt, chống phương Tây, chứng tỏ sẵn sàng thay đổi chiến thuật tùy thuộc vào dư luận hoặc thực tế chính trị. Ông khẳng định chỉ quan tâm đến lợi ích của người Slovakia, luôn thẳng thắn trong nhiều vấn đề, có quan điểm chỉ trích EU và các tổ chức phi chính phủ quốc tế. Ông cũng phản đối quyết liệt vấn đề nhập cư - yếu tố then chốt giúp ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016 - và bác bỏ ý tưởng về một cộng đồng Hồi giáo riêng ở Slovakia.
Đất nước 5,4 triệu dân này chứng kiến các cuộc tranh luận chính trị phân cực trong những năm gần đây, gồm cả cuộc bầu cử tổng thống đầy cam go vào tháng trước vốn giúp ông Fico thắt chặt quyền lực. Slovakia, thành viên của EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), vốn từng là một trong những quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất cho Ukraine từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2-2022. Tuy nhiên, điều này bị đảo ngược sau khi chính phủ mới của Thủ tướng Fico được thành lập vào tháng 10-2023.
Trong suốt quá trình vận động tranh cử, ông Fico tuyên bố ủng hộ viện trợ nhân đạo và tái thiết cho Ukraine nhưng phản đối viện trợ quân sự; đồng thời kêu gọi giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột này. Thậm chí, một số người cho rằng ông Fico muốn từ bỏ đường lối thân phương Tây của Slovakia và đang “nối gót” Hungary. Điều cũng đáng chú ý là việc ông Fico từ lâu chỉ trích phương tiện truyền thông chính thống của Slovakia, từ chối nói chuyện với một số cơ quan truyền thông. Các thành viên trong đảng của ông chỉ trích các hoạt động của giới truyền thông và phe đối lập trong những tháng gần đây.
Theo giới quan sát, vụ ám sát thủ tướng Fico mang động cơ chính trị, cho thấy sự chồng chéo mâu thuẫn và sự phân hóa xã hội sâu sắc ở Slovakia, phần nào dẫn đến hành vi bạo lực nghiêm trọng. Đây cũng lời cảnh báo nghiêm khắc đối với cả EU và NATO trong bối cảnh phân cực ngày càng mạnh mẽ ngay tại “lục địa già” cũng như trên phạm vi toàn cầu hiện nay.
LÊ MINH HÙNG