Tính hợp pháp của bầu cử Quốc hội Afghanistan vào ngày 18-9 tới trở nên mong manh trước những mối đe dọa tấn công của lực lượng nổi dậy và cả nền an ninh không vững chắc tại đất nước Nam Á này. Tổ chức Quan sát Nhân quyền ngày 9-9 không những đưa ra cảnh báo trên mà còn nhấn mạnh rằng, các ứng viên đang đối mặt với việc ám sát, bắt cóc và đe dọa của lực lượng nổi dậy cũng như của các ứng viên đối lập.
Song, nguy cơ này có thể ít xảy ra đối với ứng viên nữ. Những quan ngại được đặt ra trong lúc Chính phủ Kabul và các đồng minh phương Tây hy vọng bầu cử Hạ viện sẽ giúp củng cố nền dân chủ không vững chắc và sự ổn định chính trị tại Afghanistan, tiến tới việc rút 140.000 binh sĩ nước ngoài do NATO dẫn đầu ở quốc gia này về nước.
Nhiều người dân Afghanistan và các nhà quan sát quốc tế lo sợ cuộc bầu cử sẽ chuyển thành bạo lực đẫm máu sau khi Taliban tuyên bố tấn công vào các điểm bỏ phiếu, đồng thời cảnh báo cử tri không tham gia bầu cử. Cảnh báo của Taliban không phải là lời nói suôn bởi 3 ứng viên Quốc hội đã bị sát hại tại tỉnh Logar và Nangarhar trong các chiến dịch tranh cử vào tháng 7 vừa qua là minh chứng rõ ràng nhất cho nguy cơ bất ổn, bạo lực vẫn sẽ tiếp tục diễn ra.
Afghanistan và Tổng thống Hamid Karzai hiện đứng trước những thách thức lớn. Lực lượng nổi dậy vẫn tìm kiếm cơ hội lật đổ Chính phủ thân phương Tây, buộc các binh sĩ nước ngoài phải về nước, tẩy chay hoặc phá hoại tất cả phương diện của tiến trình chính trị mà Kubul đang nỗ lực xây dựng, trong đó có bầu cử.
Trong lúc này, ông Karzai còn phải xoay xở với cuộc chiến chống tham nhũng, nhất là trước những chỉ trích về phản ứng của Chính phủ trong vụ bê bối ở Ngân hàng Kabul - tâm điểm của các cáo buộc tham nhũng trên quy mô lớn. Phương Tây muốn “thọc tay” vào vấn đề chống tham nhũng ở Afghanistan, nhưng quy định mới do ông Karzai đưa ra lại hạn chế sự tham gia của nước ngoài trong các cuộc điều tra chống tham nhũng. Theo cam kết của người đứng đầu Chính phủ Kabul, chống tham nhũng là ưu tiên hàng đầu kể từ khi ông tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai 5 năm. Ông Karzai muốn hạn chế dần sự liên quan của nước ngoài vào các vấn đề nội bộ của Afghanistan nhưng xoay xở bên nào và bằng cách nào thì ông cũng gặp khó.
VĨNH AN